♥ Link: http://kul.vn/dung-khoc-nhe-chi-oi.html

Có đôi khi nước mắt chẳng đủ cho những đớn đau, vậy chẳng phải thay thế bằng nụ cười sẽ dễ chịu hơn sao? Cười để xoa dịu trái tim. Chị ơi, đừng khóc! Dù thế nào cũng đừng khóc nhé chị ơi!

Nhà tôi có ba chị em gái. Bà con hàng xóm trêu cố sinh thêm đứa nữa cho được mụn con trai, bố mẹ tôi chỉ cười: "Con nào mà chả là con, gái hay trai miễn sao ngoan là được. Không lo được cho con cuộc sống tử tế chẳng thà đừng sinh nó ra!"


Đừng khóc nhé chị ơi Kul-News-1_1438505990

Nhà tôi nghèo, cuộc sống khốn khó nhọc nhằn nhưng tình yêu thương bố mẹ chia đều cho cả ba chị em. Mỗi đứa là một cô công chúa trong tim mẹ, là con gái rượu của cha. Bố thường bảo: "Thua người ta cái giàu sang, hơn người ta cái đàng hoàng. Dù nghèo đến mấy cũng phải ngẩng cao đầu mà sống". Chúng tôi ở trong một căn nhà lụp xụp bên cái ao bố đấu thầu, hàng năm phải trả tiền sản lượng cho hợp tác xã. Dẫu vậy, ngôi nhà nhỏ của chúng tôi luôn thoải mái yên vui và tràn ngập tiếng cười. Có đôi khi nước mắt chẳng đủ cho những đớn đau, vậy chẳng phải thay thế bằng nụ cười sẽ dễ chịu hơn sao? Cười để xoa dịu trái tim!

Chị cả hơn tôi ba tuổi nhưng chúng tôi chẳng khác nào hai đứa bạn thân. Chúng tôi gọi nhau mày-tao suồng sã, chia sẻ với nhau mọi điều, kể nhau nghe mọi thứ, tâm sự mọi buồn vui trong cuộc sống. Có lẽ những ngày tuổi thơ cơ cực đã khiến chúng tôi càng thêm gắn bó, nhường nhịn nhau. Ba chị em thỉnh thoảng giận dỗi hay cãi nhau chí chóe nhưng cũng nhanh chóng làm hòa. Chúng tôi là chị em gái cơ mà, sao không thương nhau cho được!


***

Thời gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc em út sắp thi vào lớp 10. Là út nên cả nhà đều thương. Ai cũng quan tâm và dành cho em mọi điều tốt nhất. Bữa cơm hôm ấy, chị cả đặc biệt nấu món canh út thích, bảo út cố gắng học, thi đỗ trường Ams. Ngày xưa nhà nghèo, chị cả muốn thi nhưng không có điều kiện. Ngày mới vào lớp 10, chị đạp xe mấy chục cây số, cứ đứng trước cổng trường Ams mà tiếc mãi không thôi... Ước mơ của chị giờ gửi út viết tiếp.


Đừng khóc nhé chị ơi Kul-News-5_1438511264.

Đang ăn cơm, bé út nhõng nhẽo: "Bố! Cho con tiền mua điện thoại nha. Lớp con đứa nào cũng có Iphone, còn con chẳng có máy mà dùng". Không khí bữa cơm đang vui vẻ bỗng trở nên im bặt. Bố đặt chén rượu xuống, ánh mắt đượm buồn nhìn xa xăm: "Không có tiền con ạ!". Bé út tỏ vẻ không hài lòng, hét lên: "Con không biết! Con nhà người ta cái gì cũng có..."

Bố mẹ lặng im. Vẻ mặt ai cũng buồn. Nhà còn nghèo lắm, nợ ngập đầu, tháng nào cũng có người đến đòi tiền lãi, hết khoản nọ đến khoản kia, đau đầu muốn chết, có dư giả chút nào đâu mà “ai” với chả “phôn”. Chị cả từ bếp đi ra, đặt nồi canh xuống đất, dịu dàng dỗ dành:"Bé! Hư nào! Em còn nhỏ dùng gì đến điện thoại. Lo học thi cho tốt rồi chị mua cho".

"Mặc kệ. Em muốn có luôn bây giờ!". 
Con bé vứt đũa, bỏ dở bát cơm ngúng nguẩy đi vào buồng, đóng sập cửa lại. Nó đang tuổi dậy thì, tính tình cáu bẳn, hay giận dỗi vô cớ, nhiều khi làm người khác phát bực. Mẹ quát: "Tao tát đấy, đồ mất dạy!". Bố nhẫn nhịn chẳng nói chẳng rằng, tu cạn chén rượu. Mắt mẹ buồn hiu. Hai đứa nhìn nhau. Cũng buồn. Con bé này sao hư quá. Ngày xưa chúng tôi nào được như nó bây giờ. Búp bê, gấu bông là những thứ xa xỉ. Bữa sáng thường chỉ là cơm nguội, những ngày hết gạo còn phải nhịn đói, có cái mà ăn là may lắm rồi. Chị cả an ủi: "Để lát con mắng em, bố mẹ đừng giận ạ".

Bố quay sang hỏi chị: "Kệ nó đi. Bao giờ nhà trai sang?". Đột nhiên bố chuyển chủ đề, cổ họng chị Thương ứ nghẹn. Bố đặt tên chị là Nhất Thương, nghĩa là bố mẹ yêu thương con nhất trên đời. Mắt chị cả rưng rưng: "Sang tuần bố ạ!"

"Ừ"
. Bố rót rượu, uống thêm một chén. Mẹ dịu dàng: "Buồn gì con, sắp lấy chồng phải vui lên chứ!". Ánh mắt mẹ chất chứa niềm vui mỏng manh lâu rồi không xuất hiện trên khuôn mặt u ám, khắc khổ. Chị Thương chỉ khẽ vâng một tiếng. Bữa cơm hôm nay có chút buồn bâng quơ.


***

Anh trầm tĩnh, ít nói, nhưng biết cách quan tâm mọi người. Chị không đẹp nhưng nét duyên mặn mà. Anh yêu chị bởi tính tình hiền dịu, sâu sắc và đằm thắm. Họ là cặp đôi đẹp trong công ty và ai cũng hiểu đám cưới là điều tất nhiên, chỉ là thời điểm nào mới thích hợp mà thôi. Bệnh bố trở nặng phải nằm viện, tiền dành dụm của gia đình không đủ chữa chạy thuốc men. Cả đời bố vất vả, rượu và thuốc lá là những thứ giúp bố giảm bớt căng thẳng. Cơm áo gạo tiền. Chẳng ai là không đau đầu vì nó. Nhưng cũng vì thế mà bố rơi vào vòng xoay bệnh tật. May là có anh, giúp bố khỏe lại. Chị yêu anh, nhưng lòng biết ơn còn sâu nặng hơn thế. Nên khi anh cầu hôn, chị nhận lời như một cách để trả ân huệ, báo đáp ân tình của anh.


Đừng khóc nhé chị ơi Kul-News_1438506388

Vậy là chị Thương sắp lấy chồng. Anh quyết định vào Đà Nẵng định cư để mở rộng kinh doanh. Thuyền theo lái, gái theo chồng, đương nhiên chị cũng phải theo anh. Mọi thứ đã được sắp xếp đâu vào đấy, vé máy bay cũng đã mua sẵn, cưới xong họ bay vào đó luôn. Chẳng ai nghĩ có một ngày chị sẽ đi xa. Xa Hà Nội thương yêu của ba đứa, xa từng ngày vui đùa với những nụ cười hồn nhiên, xa miền đất thăm thẳm những yêu thương. Từng kỷ niệm khẽ nhắc nhở nhung nhớ khôn nguôi. Chị Thương hay khóc lắm. Chị nhạy cảm và hoài cổ, vào Đà Nẵng chắc chị sẽ khóc suốt vì nhớ Hà Nội thôi. Hai đứa tôi thương chị quá! Út Phương khóc lóc: "Tại em làm chị Thương giận nên chị bỏ đi lấy chồng phải không? Em không cần điện thoại nữa, chỉ cần chị Thương thôi. Chị ở lại với em, đừng đi mà!"

Bố mắng: "Chị chúng mày lấy chồng là chuyện tốt, buồn cái gì. Rồi chúng mày tao cũng đuổi hết đi!", nhưng ai cũng biết trong lòng bố rất buồn. Bố mạnh mẽ là thế, nhưng người đàn ông ấy cũng có lúc yếu lòng, nhất là khi con gái cưng sắp phải đi xa. Mẹ tặng chị chiếc vòng vàng bà ngoại để lại khi bố mẹ cưới nhau. Cả nhà rục rịch chuẩn bị tiễn chị lên xe hoa.

Chị tôi đùa: "Sướng nhé, chị đi lấy chồng, căn phòng với những thứ dùng chung cho mày sở hữu tất". Rồi chị ngẩn ngơ, thở dài: "Chị đi trước rồi chúng mày theo sau. Chỉ có bố mẹ là khổ, không đứa nào ở bên. Sau này có lấy thì lấy chồng gần gần thôi nhé, còn đỡ đần bố mẹ. Xa như chị biết khi nao về được". Hai mắt chị nhòe đi: "Chị thương bố mẹ quá!". Tôi hỏi chị yêu anh hay chỉ lấy anh để trả ơn. Chị cười trìu mến:"Trong cuộc sống, ta mắc nợ và mang ơn không chỉ một người, chẳng lẽ ai ta cũng có thể dùng thân báo đáp? Yên tâm đi, chị yêu anh ấy. Thật lòng!". Yêu vì biết ơn, thứ tình yêu sâu nặng, khó nhạt phai và đáng trân trọng.

"Chị đi lấy chồng nhớ tự chăm sóc tốt cho bản thân. Bị chồng bắt nạt thì nhớ gọi tao!".Tôi gọi tiếng "chị", lâu rồi mới bật ra thành tiếng.Gọi chị mà xưng tao, thói quen thật khó bỏ. Đêm hôm ấy cả ba đứa ôm nhau khóc. Khoảnh khắc này, mãi mãi chẳng thể quên!

Ngày cưới, chị mặc váy cô dâu lộng lẫy. Người con gái đẹp nhất là lúc hạnh phúc trong ngày lễ vu quy. Điều đó quả không sai. Chị đi rồi căn nhà buồn hẳn. Không còn nghe chị hát ca vọng cổ. Mỗi lần nghe chị Thương hát, bé út lại kêu gào thảm thiết: "Thôi chị làm ơn im lặng giùm để em nghe nhạc Hàn!". Có lần chị hát bài "Bông điên điển", nó còn cười chê chị nhà quê. Chị Thương không thích thứ nhạc ồn ào chói tai, chị thích nhạc lãng mạn, trữ tình, giống như con người chị: nhẹ nhàng, tình cảm. Ai dè bây giờ... út thấy nhớ những bài chị vẫn ca.


Đừng khóc nhé chị ơi Kul-News-2_1438506417

***

Ba tháng sau, tôi nhận được bưu phẩm kèm theo một bức thư rất dài. Chị Thương đúng là bà chị khó tính và lắm điều. Út Phương đỗ trường Ams, chị Thương vui lắm, thực hiện đúng lời hứa, tặng điện thoại cho nó. Còn ước mơ của tôi là có một cái laptop để viết truyện nhanh hơn, không phải viết ra giấy, vừa tốn mực vừa mỏi tay. Chị cả hiểu và thương chúng tôi nhiều biết bao. Bên trong tấm thiệp có những vệt ố dài. Thì ra khi viết, chị đã khóc. Biết ngay mà, cái bà chị mít ướt này. Khóc lóc gì chứ! Làm người ta cũng muốn khóc theo luôn!

"Xuân ơi, tao nhớ Hà Nội quá. Nhớ bố mẹ, và nhớ hai đứa mày!"

Mắt tôi cay cay. Chị ơi, tao muốn ôm chị quá! Tao cũng nhớ chị nhiều! Bao giờ chị mới về Hà Nội, hai đứa lại cùng nhau dạo phố, lại ăn kem ốc quế… Nhớ quá là nhớ thôi! Còn út Phương, nó cứ nghe văng vẳng bên tai câu hát: "Hò ơ, ơi hò! Chồng xa em khó mà về!"

Chị có hạnh phúc không? Chị ơi, đừng khóc! Dù thế nào cũng đừng khóc nhé chị ơi!


Hà Thy Linh