Lãnh đạo bệnh viện Nhi xin lỗi, những nhân viên bảo vệ đã phải nghỉ việc. Song sẽ chẳng có gì đảm bảo câu chuyện đáng xấu hổ ấy không còn lặp lại với những tình huống tương tự.
Ông Phạm Trung Tuyến - Phó giám đốc kênh VOV Giao thông Quốc gia chia sẻ với Zing.vn sau vụ bảo vệ viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu:
Lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương xin lỗi nhân dân. Anh bảo vệ bị đuổi việc. Dư luận sẽ hả hê và rồi sẽ nhanh chóng quên đi câu chuyện cháu bé ở Nghệ An chết trên xe cấp cứu hôm 2/7. Nhưng, những câu chuyện thương tâm như thế sẽ còn lặp lại, không chỉ ở các bệnh viện. Bởi, lương tri đôi khi bị chặn lại trước cánh cổng cửa công.
Không biết từ bao giờ, và từ ý tưởng của ai mà những cánh cổng được dựng lên ở phạm vi công cộng, Và người ta mặc nhiên chấp nhận việc phải trả tiền mới có thể được nhấc barie?
Chúng ta mặc nhiên chấp nhận phải trả tiền mua vé vào công viên nhà nước từ bao giờ?
Chúng ta mặc nhiên chấp nhận phải trả tiền khi đi xe vào cảng hàng không, tới làm thủ tục ở các cơ quan hành chính, hay đưa người nhà nhập viện, dù không có nhu cầu trông, giữ từ bao giờ?
Phạm vi công cộng ở bất cứ nơi đâu cũng đều được hiểu là nơi mà không có bất cứ cá nhân, hay chủ thể luật pháp nào có quyền thiết lập, hay giữ quyền sở hữu. Vậy thì vì sao chúng ta mặc nhiên chấp nhận bắt buộc trả tiền mới có thể tiếp cận? Thậm chí có tiền cũng không thể tiếp cận, như trường hợp một số bệnh viện, cảng hàng không chỉ cho phép taxi nhượng quyền được hoạt động.
Cánh cổng cửa công Benh_vien_nhi
Bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương ngăn cản xe cấp cứu đưa bệnh nhân hấp hối ra khỏi viện. Ảnh: Facebook.
Và khi đã mặc nhiên chấp nhận việc trả tiền, tức là công nhận quyền sở hữu không gian bệnh viện của những người phụ trách bệnh viện này, tại sao chúng ta lại bức xúc bởi thái độ cửa quyền của họ?
Những nhân viên bảo vệ bệnh viện đáng trách vì sự vô cảm, vì không chia sẻ nỗi niềm của gia đình người bệnh, dẫn đến việc tạo ra một câu chuyện xấu xa cho cuộc sống loài người, và cho chính công việc của họ. Song, họ được trả lương để... bảo vệ sự cửa quyền.
Giữa làm đúng công việc được trả lương, phục tùng quyền lực chi phối cuộc sống của mình, với việc lắng nghe tâm tư của nhân dân, lựa chọn của họ cũng là điều dễ hiểu. Giữa tâm và lý, họ đã chọn cái lý mà cả xã hội đã mặc nhiên thừa nhận.
Chúng ta bày tỏ sự căm ghét, khinh bỉ hành vi của những nhân viên bảo vệ là điều hoàn toàn bình thường. Bởi nó trái với những hình dung về đạo đức, văn hóa, và lựa chọn của chúng ta. Song, chúng ta sẽ phải chấp nhận cách hành xử cửa quyền đó, khi mà chúng ta đã chấp nhận cái quyền của họ đối với việc lưu thông của chúng ta ở các không gian công cộng.
Nếu chúng ta có nhu cầu gửi xe để đi lên phòng bệnh, chúng ta trả phí để trông, giữ xe. Song nếu chúng ta đưa người đến viện rồi quay ra, chúng ta vẫn phải trả phí để mở cổng. Đó là một sự phi lý mà nếu chúng ta mặc nhiên chấp nhận, vậy thì sẽ không có gì đáng để ngạc nhiên với những điều phi lý từ đó mà phát sinh.
Đuổi mấy anh bảo vệ, nói một câu xin lỗi, bù đắp chút tiền bạc… Đó là tất cả những điều mà ban lãnh đạo bệnh viện Nhi Trung ương đã làm để xoa dịu công chúng đối với sự việc đáng tiếc này. Dù có tha thứ cho họ hay không, sự phẫn nộ của công chúng về câu chuyện này cũng sẽ tạm lui để phẫn nộ chuyện khác. Công chúng đã hả hê vì cảm giác chiến thắng, vì sự phẫn nộ của mình đã khiến cho vài người phải trả giá. Nhưng đó là chiến thắng nhất thời của một đám đông thua cuộc.
Lãnh đạo bệnh viện đã xin lỗi, những nhân viên bảo vệ đã phải nghỉ việc. Song sẽ chẳng có gì đảm bảo câu chuyện đáng xấu hổ ấy không còn lặp lại với những tình huống tương tự, bởi chẳng thể nào cứ nhắc mãi về chuyện đã xảy ra, và sự cửa quyền vẫn còn nguyên đó, bởi những cánh cổng vẫn còn và chúng ta vẫn chấp nhận việc trả tiền để nhấc barie.
Những tiếng nói từ lương tâm và đạo đức của công chúng luôn có khả năng tạo ra sức mạnh để trừng phạt kẻ ác. Nhưng, nếu như môi trường để nảy sinh những mầm mống tội ác vẫn còn tồn tại, thì chúng ta sẽ vẫn còn có cớ để tiếp tục hả hê với những sự trừng phạt.
Trước đó, một bệnh nhân sinh tháng 10/2015 ( ở Tam Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An) được chẩn đoán bị tim bẩm sinh nặng Fallot 4, giãn não thất, suy dinh dưỡng nặng. Bệnh nhi đã được phẫu thuật tim ngày 21/6.
Sau mổ, bệnh nhi được theo dõi tại khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi Trung ương. Do tình trạng đa dị tật bệnh bẩm sinh nặng, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Sau khi được các bác sĩ giải thích, gia đình xin đưa cháu bé về vào sáng 2/7.
Tuy nhiên gia đình bệnh nhân cho biết bảo vệ của bệnh viện đã ngăn chặn, thậm chí dùng xích khóa không cho xe đi, khiến cháu bé tử vong khi chưa kịp về đến nhà.