Độc đáo bang hội nhặt rác ở hồ Gươm Logo - Bên cạnh những bang, hội anti ngôi sao và những hội tiêu cực thành lập theo phong trào: Hội những người phát cuồng vì thím X, Hội những người đi học chỉ để điểm danh… khiến nhiều người có cái nhìn méo mó về bang, hội trên Facebook thìvẫn còn rất nhiều những hội hay ho khác mà mục đích cũng như hoạt động của họ rất hay ho và hữu ích.
Xót xa con trẻ lay lắt sống cuối cuộc đời
Giới trẻ và đám cưới nơi cửa Phật


Cái tên nói lên… nhiệm vụ
Nếu quan tâm đến các hoạt động tình nguyện thì chắc chắn nhiều bạn trẻ sẽ ấn tượng bởi một hội có cái tên rất lạ trên Facebook: Hội nhặt rác Hồ Gươm.
Ra đời vào tháng 3/2011, “nhặt rác hồ Gươm” là hội tụ ý tưởng của các bạn sinh viên trong câu lạc bộ Tình nguyện trẻ vốn yêu thích các hoạt động bảo vệ môi trường. Không chỉ thu hút các bạn sinh viên, hội còn thu nạp rất nhiều thành viên ít tuổi mới học cấp 2, cấp 3.

Độc đáo bang hội nhặt rác ở hồ Gươm 20110812103948_4
Hội nhặt rác hồ Gươm (Ảnh: ĐT)
Bạn Mai Thủy (sinh viên năm 3, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), một trong những thành viên cốt cán của hội cho biết: “Hội của chúng mình hoạt động với mục đích tuyên truyền là chủ yếu. Tất cả chúng mình đều mong rằng với việc làm này sẽ kêu gọi được mọi người không vứt rác bừa bãi ở xung quanh hồ cũng như biết cách bảo vệ môi trường hơn.”

Mỗi tuần hội Nhặt rác hồ Gươm offline một tuần. Thời gian đầu hội phân chia các thành viên cạo sạch các dòng chữ viết bậy trên tháp Hòa Phong và nhận được rất nhiều sự ủng hộ của du khách nước ngoài. Hiện nay, hoạt động của hội chủ yếu là nhặt rác vòng quanh hồ và khu vực tượng đài Lý Thái Tổ để giúp “trái tim của Hà Nội” ngày càng xanh – sạch – đẹp và thân thiện hơn.

Với mỗi lần offline, đội “nhặt rác trẻ” này thu hút được khoảng 15 thành viên tham gia. Vào những ngày lạnh trời, đội có mặt ở bờ hồ vào 9h sáng chủ nhật, đến mùa hè, hội họp sớm hơn (vào 8h) sau đó cùng nhau nhặt rác. Những hôm nào có đông thành viên tham gia hơn thì hội sẽ phân thành hai đội nhỏ, đi nhặt rác theo hai hướng và cuối cùng là gặp nhau ở tượng đài Lý Thái Tổ.

Dụng cụ của hội cũng rất đơn giản, gồm có găng tay cao su và túi nilon. Tất cả dụng cụ này đều do thành viên của câu lạc bộ Tình nguyện trẻ quyên góp và tự mua.

Không đánh vào ý thức bảo vệ môi trường của mọi người, câu lạc bộ Handmade Việt Nam được thành lập với mục đích “nhỏ bé” hơn: tạo một sân chơi mới cho các tín đồ handmade. Với gần 300 lượt người like trên Facebook, 50 thành viên tích cực, hoạt động của hội ngày càng rầm rộ và thiết thực hơn.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập trang này, Trịnh Trà My (sinh viên năm 3, trường Đại học Mỹ Thuật) nói: “Mình tiếp cận và làm đồ handmade từ rất lâu rồi nên mình thấy rõ rằng kinh nghiệm làm đồ handmade đều do các bạn tự học thông qua hình vẽ hoặc clip trên mạng, còn việc gặp gỡ, giao lưu giữa các tín đồ handmade hầu như là không. Vì thế, mình lập ra hội này để tạo sân chơi và gắn kết những bạn trẻ có cùng đam mê”.

Cứ cách một tuần thì câu lạc bộ offline một lần, mỗi lần thu hút khoảng 20 thành viên, ngoài các bạn nữ yêu thích đồ handmade thì còn có rất nhiều tín đồ handmade là các bạn nam cũng rất chăm chỉ đi offline và cặm cụi từ đầu đến cuối buổi để cho ra sản phẩm handmade cuối cùng.

Địa điểm họp hội thường là tại các quán cà phê, mỗi lần offline sẽ liên quan đến một loại nguyên liệu handmade nào đó như giấy, đất sét... Để tiết kiệm thời gian tìm kiếm đủ các nguyên liệu, admin của hội sẽ kêu gọi và mời các shop chuyên bán nguyên liệu handmade tham gia rồi bán trực tiếp cho các thành viên với mức giá “mềm” hơn. Các thành viên cũng hoàn toàn có thể mua chung để tiết kiệm “ngân phiếu”.

Ngoài các buổi offline truyền thụ kinh nghiệm thì hội còn tổ chức thêm các hoạt động tình nguyện giúp đỡ trẻ khuyết tật, món quà của hội dành cho các em cũng chính là những sản phẩm handmade dễ thương nên các em rất thích.



Kết nối trẻ bằng đam mê, sở thích
Với 13.700 lượt like, hội những người thích đi phượt và lang thang chụp ảnh cũng là một trong số những hội hay ho và hữu ích dành được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ thích du lịch khám phá.

Đây không chỉ là nơi những người có cùng sở thích được gặp gỡ, tham gia nhiều chuyến đi hữu ích mà còn bổ sung cho nhiều bạn trẻ những kinh nghiệm phượt bổ ích và tiết kiệm. Hội đã tổ chức những lần phượt thành công bằng xe máy với sự tham gia của đông đảo thành viên, đồng thời trở thành một diễn đàn uy tín để các bạn trẻ đặt câu hỏi và nhờ gợi ý cho những chuyến du lịch đông người.

Độc đáo bang hội nhặt rác ở hồ Gươm 20110812104207_3
Ảnh offline và sản phẩm của CLB handmade Việt Nam (Ảnh: ĐT)
Có thể thấy những hội này được thành lập hoàn toàn tự phát nhưng hoạt động thì rất quy củ và hữu ích đối với xã hội. Nó khác biệt hoàn toàn với các hội anti, hoặc các hội thành lập chỉ mang tính phong trào. Tham gia những hội hay ho này, các thành viên có thể kết nối với nhau bằng chính đam mê, sở thích, chia sẻ những kỷ niệm vui buồn khó quên.

Như một số thành viên của hội Nhặt rác hồ Gươm đã rất nhiều lần cảm động khi được người dân khen ngợi và đòi bắt tay bằng được đôi bàn tay đeo găng cao su nhem nhuốc của các bạn, hoặc có người thì chạy ra ủng hộ động viên, tham gia nhặt rác cùng.

Bạn Nguyễn Ánh Diệp (lớp 11, trường THPT Thượng Cát), thành viên của hội chia sẻ: “Dù mới biết đến hội và tham gia chưa được bao lâu song em thấy đây là hoạt động rất thú vị, hữu ích của giới trẻ đối với môi trường. Em thực sự mong muốn có thể gắn kết mãi mãi”.

Còn Hiền Mai (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), thành viên của hội phượt thì niềm nở: "Mỗi lần tham gia một hành trình du lịch là biết bao niềm vui và bất ngờ. Đó là những lúc trục trặc xe cộ, biện pháp xử lý chúng ra sao, là lửa trại và nhảy múa… Mỗi chuyến đi ấy luôn đầy ắp kỷ niệm.”

Không chạy theo sự a - dua hay những comment mang tính kích bác bề nổi, những bang hội như Nhặt rác hồ Gươm, hội Những người thích phượt và tham gia chụp ảnh, câu lạc bộ Handemade Việt Nam… đang tạo ra một bức trang sáng màu trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều hội tiêu cực đua nhau “chào đời” trên Facebook.


  • Đinh Thùy