"Lịch sử Việt Nam hiện diện rất rõ qua các đồng tiền cổ. Mỗi đồng tiền gắn liền với một triều đại, một đời vua, một giai đoạn lịch sử của đất nước"
Gần 25 năm tìm kiếm, nghiên cứu, hiện ông sở hữu một trong những bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam vô giá. Từ những đồng tiền cổ ấy, ông viết sách với kỳ vọng kể lại những câu chuyện lịch sử nước nhà.
Bước vào nơi ở của nghệ nhân Đặng Đức Dũng trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh - TPHCM, đập vào mắt chúng tôi là bức tranh các đồng tiền kim loại của nước ta đúc qua nhiều thời kỳ đặt ngay giữa nhà. Khắp nơi, nhìn đâu chúng tôi cũng bắt gặp những hũ tiền cổ, đồng tiền cổ, tranh tiền cổ...
Khẳng định chủ quyền quốc gia
Hiện ông Dũng được xem là một trong những người sở hữu bộ sưu tập tiền cổ Việt Nam vô giá sau gần 25 năm miệt mài tìm kiếm, lưu giữ, nghiên cứu. Dù hết sức yêu quý những đồng tiền cổ này nhưng nhà sưu tập, nghiên cứu Đặng Đức Dũng không giữ chúng cho riêng mình. "Ai có lòng với tiền cổ, tôi sẵn sàng chia sẻ"- ông khẳng định.
Trên diễn đàn Gia Định tiền cổ do nghệ nhân Đặng Đức Dũng quản lý, viết bài, ông dành một mục riêng để tặng quà cho những người sưu tập ghé thăm diễn đàn là những đồng tiền cổ, bộ tiền cổ quý hiếm. Qua diễn đàn này, ông còn kỳ vọng truyền cho người khác niềm đam mê, kiến thức lịch sử và lòng yêu nước, với những bài viết sâu về các dòng tiền của các triều đại, thời kỳ lịch sử của nước ta.
Bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng... tiền cổ Tienco_1313134160
Nghệ nhân Đặng Đức Dũng với bộ sưu tập tiền cổ công phu của mình
Lấy trong bộ sưu tập của mình ra một đồng Đại Bình Hưng Bửu, ông Dũng hào hứng: "Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân rồi lên ngôi vua, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng Đế, đặt tên nước là Cồ Việt (Đại Cồ Việt). Tiền thời nhà Đinh là Đại Bình Hưng Bửu. Đây là đồng tiền đầu tiên của nước Việt tự chủ. Trước thời nhà Đinh, nước ta bị lệ thuộc Trung Hoa nhiều năm nên các đồng tiền nước này cũng dùng cả ở ta. Sau khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng liền cho đúc tiền để chi dùng trong dân chúng, chứng tỏ nước ta đã có chủ quyền. Đồng Đại Bình Hưng Bửu với ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Hưng Bửu là khẳng định nước Việt hưng thịnh".
Mặt sau đồng tiền Đại Bình Hưng Bửu ghi quốc tính của nhà vua, vì đúc lần đầu nên kỹ thuật khá thô sơ nhưng dày dặn, được dân chúng nhiệt tình đón nhận. Ông Dũng cho biết đã tìm thấy ba loại tiền Đại Bình Hưng Bửu, gồm loại phía sau có chữ Ðinh nằm trên lỗ vuông, loại có chữ Ðinh nằm dưới lỗ vuông và loại mặt sau không có chữ.
"Lịch sử Việt Nam hiện diện rất rõ qua các đồng tiền cổ. Mỗi đồng tiền gắn liền với một triều đại, một đời vua, một giai đoạn lịch sử của đất nước. Chẳng hạn ở đây, chỉ bằng đồng tiền cổ mà người đời sau có thể hiểu được tấm lòng của vua Đinh, hiểu được tầm vóc lịch sử khi ông cho đúc đồng tiền đầu tiên khẳng định chủ quyền của nước ta" - nghệ nhân Đặng Đức Dũng phân tích.
Những thước phim lịch sử
Đã có nhiều ý kiến cho rằng sách lịch sử Việt Nam khô khan khiến học sinh chán học, không hứng thú với môn này. Thậm chí, lịch sử của Trung Quốc được truyền bá qua phim ảnh chiếu ra rả trên truyền hình còn được học sinh nhớ lâu hơn. "Từ thực tế đó, tôi nảy ra ý tưởng viết sách kể lại những câu chuyện lịch sử bằng các loại tiền cổ cho thiếu nhi để khuyến khích các em học sử"- ông Dũng tiết lộ.
Nhà sưu tập, nghiên cứu tiền cổ mải mê lấy từng đồng tiền trong bộ sưu tập của mình rồi giải thích với chúng tôi về lịch sử các triều đại phong kiến nước ta gắn với nó. Đây là đồng tiền vua Quang Trung cho đúc khi nước ta lúc ấy còn nghèo nên mỏng, nhẹ. Thấy chúng tôi chăm chú xem loại tiền Quang Trung Thông Bửu mặt sau khắc chữ Bình Nam, ông Dũng phân tích: "Lúc Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang nước ta, vua Càn Long nhà Thanh đã cho đúc loại tiền Càn Long Thông Bửu, mặt sau có chữ An Nam để phát cho quân Thanh tiêu dùng. Sau khi đại thắng quân Thanh, vua Quang Trung sai thu hồi các loại tiền Càn Long Thông Bửu có chữ An Nam để nấu, đúc lại loại tiền Quang Trung Thông Bửu mặt sau có chữ Bình Nam, ngụ ý nước Nam đã yên bình".
Mỗi đồng tiền cổ với hình dáng, kích thước, nét chữ, giai thoại, quá trình ra đời và tồn tại... khác nhau hiện lên sống động như những thước phim lịch sử qua lời kể của nghệ nhân Đặng Đức Dũng. Chỉ một đồng tiền kẽm, ông bảo: "Đây là đồng tiền thời các Chúa Nguyễn cai trị Đàng trong đã mua kẽm của người Hà Lan để đúc vì xứ này không có mỏ đồng. Việc đúc tiền kẽm được duy trì đến đời vua Tự Ðức mới chấm dứt".
Bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng... tiền cổ Tienco2_1313134166
Một đồng tiền cổ thuộc loại quý hiếm nhất trong bộ sưu tập của ông Dũng
Theo nghệ nhân Đặng Đức Dũng, nhà Lê là triều đại phong kiến lâu đời nhất trong lịch sử nước ta, cũng là triều đại có nhiều loại tiền được phát hành nhất. Cầm một xâu tiền Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông, ông cho biết loại tiền cổ này được giới sưu tập trong và ngoài nước đánh giá rất cao. "Đồng tiền đúc vành tròn, chữ rõ, dáng đẹp, dày dặn, mẫu mực, chất liệu không pha tạp, thể hiện trình độ luyện đồng cao. Các đồng tiền đúc vào triều Lê có những đặc điểm rất riêng biệt và được xem là những mẫu tiền đẹp nhất"- ông khẳng định.
Công trình tâm huyết
Nghệ nhân Đặng Đức Dũng khoe với chúng tôi công trình tâm huyết của mình: Bản thảo 2 tập truyện tranh về những đồng tiền cổ mà ông đang viết dở, với tập đầu tiên xoay quanh đồng tiền Đại Bình Hưng Bửu.
"Mỗi chương, mục trong sách sẽ giới thiệu về một vị vua trong lịch sử nước ta gắn liền với đồng tiền của triều đại đó. Sách được thể hiện bằng chữ và hình vẽ như truyện tranh nêu cụ thể về đời vua, đồng tiền được lưu hành, quá trình phát triển của đồng tiền... Sách in trên giấy xấu cũng được, miễn là rẻ, chừng dưới 20.000 đồng/cuốn để trẻ em nào cũng có thể mua. Nếu mỗi tháng xuất bản một cuốn với một đồng tiền gắn liền với vị vua của triều đại đó thì có lẽ với bộ sưu tập tiền cổ của nước ta, phải xuất bản liên tục trong 10 năm mới hết"- ông hồ hởi.
Đang hào hứng với chuyện làm sách kể sử cho thiếu nhi bằng những đồng tiền cổ qua các thời kỳ, ông Dũng bỗng nhiên ngừng bặt. "Không biết có ai cùng quan tâm đến lịch sử, đến việc học sử của trẻ em mà hợp tác với chúng tôi xuất bản bộ sách này không? Bây giờ làm gì cũng phải có lợi nhuận, sách mà in rẻ thì sợ không ai muốn làm.
Nếu không tìm được người hợp tác, tôi sẽ để dành ý tưởng này, khi nào có điều kiện sẽ tự làm một mình. Lúc đó, sách của tôi sẽ dành nhiều để tặng cho học sinh nghèo và học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi các em khó có điều kiện tiếp cận kiến thức về lịch sử tiền cổ" - nghệ nhân Đặng Đức Dũng bộc bạch.

Ao ước một bảo tàng tiền cổ
Câu chuyện về những đồng tiền cổ chợt gián đoạn khi chúng tôi nhắc đến bảo tàng tiền Việt Nam - niềm ao ước của giới sưu tập, nghiên cứu tiền cổ nước ta.
Khoảng năm 2005, có vị lãnh đạo cấp cao của một nước đến thăm Việt Nam. Trong lịch làm việc của mình, ông ghi dòng đầu tiên là "đi thăm bảo tàng tiền Việt Nam" nhưng nước ta vẫn chưa có bảo tàng này. "Nghe kể lại mà tôi thấy tiếc quá. Ðồng tiền của nước ta qua các thời kỳ được xếp vào loại nhiều và đẹp nhất trên thế giới nhưng đến giờ vẫn chưa có một bảo tàng riêng về chúng" - nghệ nhân Đặng Đức Dũng băn khoăn.
Ngày 23-6-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Trong đó, giai đoạn từ 2010-2020 sẽ xây dựng bảo tàng tiền Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng từng có đề án thành lập bảo tàng tiền tệ Việt Nam mà nghệ nhân Dũng là một trong những người ủng hộ hết mình. Thế nhưng, vì nhiều lý do, đến nay bảo tàng này vẫn chưa ra đời. Trong lúc chờ ra đời bảo tàng tiền Việt Nam, tâm huyết của ông Dũng vẫn là lập được một bảo tàng tư nhân về tiền cổ nước ta.
Ngược xuôi sưu tập tiền cổ
Có lần vào nửa đêm, được người bạn báo một người dân tộc thiểu số có đồng tiền lạ, nghệ nhân Đặng Đức Dũng liền phóng xe máy từ Nha Trang lên tận Đắk Lắk để tìm nhưng đến nơi, người này bị bệnh đã đi bệnh viện. "Tìm đến bệnh viện, người đó đã ra về, tôi bèn quay lại nhà ông ta. Cuối cùng, tôi cũng mua được tờ 50 đồng tiền của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Đây là tờ tiền hiếm nhất nằm trong bộ 8 tờ và chiếm đến 80% giá trị của bộ tiền"- ông khoe.
Lần khác, biết tin một người dân ở Quảng Trị đào được 16 hũ tiền cổ nhưng túi hết tiền, ông Dũng phải bán bớt 1 đồng trong bộ sưu tập của mình để lấy kinh phí đi lại. "Vậy mà đến Quảng Trị, tôi mới biết những hũ tiền cổ đó không có giá trị vì là tiền của thời Bắc Tống - Trung Quốc"- ông tiếc rẻ.