Với ‘căn bệnh’ vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực sở hữu trí
tuệ ngày một mãn tính như hiện nay, cam kết giữa 5 website nhạc số với
Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV) và công ty MV Corp về việc thu phí tải
nhạc trực tuyến khó có thể thay đổi được thói quen ‘xài chùa’ của người
tiêu dùng âm nhạc Việt Nam.


Gian nan thu phí

Việc thu phí tải nhạc trực tuyến đã được đặt ra từ lâu, khi xu hướng
người nghe nhạc chuyển từ băng đĩa sang nhạc số ngày càng trở nên phổ
biến.

Nhưng sau 8 năm Việt Nam gia nhập Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn
học và nghệ thuật, cùng với sự ra đời của 150 website nhạc số và sự sụt
giảm đến 80% của thị trường băng đĩa trong vòng 5 năm, việc thu phí mới
tiến đến bước cam kết giữa RIAV, MV Corp với 5/150 website gồm: Zing,
Nhaccuatui, Socbay, Nghenhac, Nhac.vui.

Cũng cần nói thêm là trong số 150 website nhạc số mới chỉ có gần 20 đơn
vị thực thi tác quyền. Với việc cho phép nghe và tải nhạc hoàn toàn miễn
phí, các đơn vị này lấy nguồn thu chính từ quảng cáo.


[22.08.12] Thu phí tải nhạc số: lại ‘ném đá ao bèo’? Rez_795_anh
Nhiều nghệ sỹ bày tỏ không tin tưởng vào thành công của việc thu phí tải nhạc này (Ảnh: TNO)


Do vậy, điều khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhạc số băn khoăn là:
liệu việc yêu cầu người nghe nhạc phải trả tiền tải nhạc có khiến họ
quay lưng để chạy sang các website quy mô nhỏ hơn nhưng miễn phí hay
không? Sự quay lưng này có khiến lượng quảng cáo bị sụt giảm hay không?
Mức thu 1000 đồng/lượt tải có đủ bù đắp cho phần doanh thu quảng cáo bị
hao hụt hay không?...

Chưa kể nhiều đơn vị còn lách luật bằng cách ký hợp đồng riêng với nhạc
sỹ/ca sỹ để được đồng ý cho tải nhạc miễn phí nhằm gia tăng doanh thu
quảng cáo sẽ nhân cơ hội này vươn lên chiếm thị phần.

Tuy nhiên, phản hồi lại những hoài nghi này, bà Trương Thị Thu Dung –
Phó Chủ tịch RIAV khẳng định: “Đó không phải là những vấn đề đáng ngại”.

Theo bà Dung, việc một số nghệ sỹ và website nhạc số không tuân thủ luật
chơi chung, tự có cam kết riêng là có thể xảy ra song sẽ không quá
nhiều. “Thông thường, chỉ có các nghệ sỹ ít tên tuổi, muốn sử dụng chiêu
miễn phí để tăng mức độ phủ sóng, qua đó lăng-xê bản thân và bù lại chi
phí bằng việc chạy show. Còn các nghệ sỹ có uy tín, với những sản phẩm
âm nhạc có chất lượng, được đầu tư nhiều công sức lẫn tiền bạc, thì họ
sẽ không dại gì cho không, biếu không”.

Đồng quan điểm này, ca sỹ Hiền Thục cho rằng: “Khi người nghe phải trả
tiền cho mỗi lần tải nhạc, điều đó không chỉ có ý nghĩa về vật chất,
mang lại một nguồn thu để tái tạo sức lao động cho các nghệ sỹ cũng như
các hãng thu âm, mà các nghệ sỹ cũng có thêm một thước đo cho sản phẩm
của mình. Vài năm nay, việc in đĩa, làm album chỉ mang tính lưu niệm cho
các fan, chứ không đánh giá được chất lượng cũng như giá trị thị trường
của sản phẩm. Việc người nghe chấp nhận bỏ tiền ra để tải một bài hát
về chứng tỏ họ thực sự yêu thích ca khúc đó, nếu không, họ sẽ chỉ nghe
miễn phí trên mạng”.

Bà Dung cũng cho rằng: số lượng 5/150 đơn vị kinh doanh nhạc số ký cam
kết tuy là con số nhỏ nhưng thị phần lại lớn. 5 website này hiện đang
nằm trong nhóm có lượng truy cập lớn nhất. Số tác phẩm được độc quyền
lên đến gần 40.000 bài. “Nếu quay lưng lại với việc trả tiền tải nhạc
trực tuyến, người nghe sẽ có ít sự lựa chọn ở các trang nhạc miễn phí.
Hơn nữa, khi tổ chức thu phí, chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng bản ghi
cùng chế độ chăm sóc khách hàng tốt, điều kiện thanh toán thuận tiện,
tôi tin là người nghe sẽ dần dần chấp nhận việc trả phí chính đáng này”.

Theo phân tích của bà Dung, đối tượng fan hâm mộ sẽ là nhóm khách hàng
tiềm năng đầu tiên của dịch vụ tải nhạc thu phí. Các fan là những người
theo sát hoạt động của nghệ sỹ nhất, hiểu được những vất vả lao lực cũng
như tiền bạc mà ca sỹ thần tượng của họ đầu tư cho một sản phẩm nghệ
thuật, nên việc thay đổi thói quen dùng nhạc với họ không phải là điều
quá khó khăn. “Bản thân người nghe nhạc cũng không phải là không có ý
thức mà vì sự thiếu tuân thủ luật sở hữu trí tuệ của các đơn vị kinh
doanh tác phẩm nghệ thuật lâu nay đã tạo cho họ một thói quen xấu và duy
trì thói quen đó quá lâu”.

Bà Dung tự tin rằng Thông tư liên tịch 07 giữa Bộ Thông tin-Truyền thông
và Bộ VHTTDL về quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi
trường mạng internet và mạng viễn thông sẽ hỗ trợ tích cực cho việc thực
thi thu phí tải nhạc trực tuyến bắt đầu từ 1/11 tới đây.

Mờ mịt tương lai

Nhạc sỹ Phú Quang chia sẻ: ông không tin tưởng vào thành công của việc
thu phí tải nhạc này. “Tôi đã từng có kinh nghiệm với Trung tâm Bảo hộ
quyền tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam (VCPMC), đã từng kỳ vọng rồi
thất vọng, và bây giờ là buông xuôi. Chừng nào cách làm việc của các đơn
vị được ủy thác tác quyền còn chưa minh bạch, công khai thì chừng đó
các nghệ sỹ còn chưa dám tin vào việc sản phẩm lao động của mình được
tôn trọng và chi trả xứng đáng”.

Những gian lận trong số lượt tải nhạc và sản lượng kinh doanh đang là
việc không kiểm soát được ở lĩnh vực tải nhạc chuông, nhạc chờ được
nhiều nghệ sỹ lo ngại sẽ tiếp diễn với tải nhạc trực tuyến thu phí lần
này. Nhất là khi các nghệ sỹ hoàn toàn bị động và mù mờ trước thông tin
xác thực về con số tải nhạc bởi họ đã ủy thác toàn bộ qua một đơn vị
khác mà không có hệ thống kiểm toán độc lập trung gian.

Nhạc sỹ Phú Quang khẳng định: nghệ sỹ ai cũng mong muốn có một đơn vị
đứng ra thực hiện việc thu phí tác quyền đối với sản phẩm lao động nghệ
thuật của họ, nhưng đơn vị đó chỉ có thể nhận được đồng thuận khi có
cách làm việc minh bạch và công khai.

Tuy nhiên, theo nhạc sỹ Phú Quang, đó cũng mới chỉ là điều kiện cần.
Phạm vi hẹp là tác quyền nhạc số khó có thể có sự thay đổi khi phạm vi
rộng là tác quyền tác phẩm nghệ thuật nói chung đang quá hỗn mang./.

Nguồn: toquoc.gov.vn