Số lượng chương trình trình diễn thời trang trên
sàn catwalk trong thời điểm hiện tại còn rất ít ỏi. Vì thế, thu nhập cho
nghề người mẫu trở nên teo tóp


Ảnh hưởng từ vụ “chân dài bán dâm” bị phanh phui gây chấn động dư luận,
nhiều chương trình biểu diễn thời trang bị kiểm tra gắt gao hơn trước
sau khi có chỉ thị của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch yêu
cầu chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật và thời trang, thậm
chí một số chương trình phải hủy bỏ để tránh bị chỉ trích của dư luận...
những điều đó khiến sàn diễn thời trang (catwalk) vắng tanh, hệ quả là
người mẫu ngày càng ít công việc chuyên môn để làm.



Hiếm hoi những buổi diễn


Hàng loạt những chương trình biểu diễn thời trang, thậm chí buổi trình
diễn được mong đợi nhất của nhà thiết kế thời trang đẳng cấp Hever
Leger, dự kiến diễn ra vào tháng 11, đã chính thức bị hủy bỏ. Lý do ban
tổ chức đưa ra là “khó khăn về tài trợ, kinh phí tổ chức chương
trình”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi mọi hoạt động biểu diễn đều chịu
ảnh hưởng chung bởi suy thoái kinh tế.

Thế nhưng, ở lĩnh vực thời trang, sự háo hức của nhà tài trợ ngày càng
hạ nhiệt vì những “lùm xùm” không hay phía hậu trường sàn catwalk. Cho
đến thời điểm hiện tại, khi công nghiệp thời trang Việt Nam đã có 20 năm
phát triển, số lượng chương trình trình diễn thời trang chuyên nghiệp
mỗi năm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đẹp fashion show, một chương trình biểu diễn được đánh
giá cao về chuyên môn, ngày càng rời xa công chúng bởi ý tưởng dàn dựng
lẫn thiết kế. Trong khi đó, 2 chương trình Thời trang và cuộc sống cùng
Thời trang và đam mê, dù diễn ra khá đều đặn nhưng đây đơn giản là
những chương trình truyền hình phục vụ chủ yếu cho chuyên mục thời
trang.

Bên cạnh đó, chương trình biểu diễn thời trang do Vietnam’s designer house
thỉnh thoảng được tổ chức, chỉ đơn giản là sân chơi giới thiệu những
mẫu thiết kế mới của các nhà thiết kế thuộc Vietnam’s designer house.

Như vậy, dù một thị trường thời trang khá năng động nhưng không gian
biểu diễn của người mẫu thời trang rất hẹp. Một trong những hình thức
được các nhà thiết kế tận dụng tối đa (chủ yếu để bớt kinh phí) là chụp
ảnh thay vì tổ chức những chương trình biểu diễn thời trang ra mắt bộ
sưu tập mới như thường thấy ở nước ngoài.

Đó là chưa kể trong những chương trình biểu diễn thời trang hay chụp ảnh
thời trang hiện nay quanh đi quẩn lại cũng chỉ là những cái tên đã trở
thành thương hiệu của làng thời trang Việt: Thanh Hằng, Ngọc Quyên,
Hoàng Yến, Trương Thị May, Anh Thư… cùng một số hoa hậu như Mai Phương
Thúy, Diễm Hương, Ngọc Hân, Thùy Dung…


[04.09.12] Vắng tanh sàn catwalk 89chot_256cb

Người mẫu trình diễn trong chương trình Thời trang và cuộc sống - một trong những
chương trình thời trang ít ỏi của truyền hình. Ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG




Thù lao bọt bèo

Giới chuyên môn khẳng định số lượng chương trình trình diễn thời trang
trên sàn catwalk hiện tại chỉ còn một nửa so với trước đây. Và như vậy,
thu nhập cho nghề người mẫu càng trở nên teo tóp hơn. Trung bình mức thù
lao cho một người mẫu tham gia biểu diễn trong một chương trình thời
trang chỉ ở mức 1 - 2 triệu đồng.

Với người mẫu Việt Nam, công việc chính vẫn là chụp ảnh cho các mẫu
thiết kế mới cần giới thiệu của những nhà thiết kế hay các tạp chí thời
trang là chính. So với thu nhập của chương trình biểu diễn, thù lao chụp
ảnh của người mẫu chỉ còn ở mức 50%.

Nhiều người mẫu phải thường xuyên chụp hình không có thù lao bởi nhiều
lý do, trong đó có cả việc “được mời chụp ảnh đã là phước đức vì như vậy
sẽ góp phần quảng bá tên tuổi cho chính người mẫu” - người mẫu Phi
Thanh Vân nói.

Người mẫu Tuyết Lan nói: “Không ít lần tôi tự hỏi không
hiểu vì sao thù lao dành cho người mẫu lại rẻ đến thế. Thậm chí còn
thua cả một ca sĩ mới vào nghề, khán giả chưa nhớ nổi tên. Nghịch lý ở
đây còn là dù bạn có mang danh hiệu siêu mẫu, thù lao của bạn vẫn thấp”.

Việc người mẫu được đào tạo rồi đi làm PG (tiếp thị sản phẩm) chỉ là
hạng “tép riu” bởi mục tiêu cuối cùng mà các “chân dài” muốn đạt đến là
được trình diễn trên sàn catwalk chuyên nghiệp, được làm mẫu đóng phim
quảng cáo, được làm gương mặt đại diện cho các nhãn hàng, thương hiệu và
được công chúng biết đến trong vai trò người mẫu tiếng tăm. Nhưng cánh
cửa này thì quá hẹp, chỉ vài người nổi trội may mắn chen chân được.


Nghề hấp dẫn giới trẻ


“Chân dài” thu nhập không đủ trả tiền thuê nhà hằng tháng nhưng vẫn quần
là áo lượt, thuê xe sang trọng để đi mỗi khi có dịp xuất hiện trước
công chúng khiến cho người trong giới cảm thấy kinh ngạc. Bởi rõ ràng
hiện nay, công việc chuyên môn có thể kiếm tiền của các người mẫu là rất
ít. Thế nhưng, những hình ảnh đó càng làm cho nghề người mẫu có sức hút
mạnh mẽ đối với giới trẻ. Chỉ tính riêng cuộc thi Vietnam’s Next Top
Model năm nay đã có hơn 3.000 thí sinh đăng ký dự thi (bằng hình thức
đăng ký trực tiếp và qua website riêng của cuộc thi). Tất nhiên, lượng
thí sinh chính thức đến dự thi sẽ ít hơn con số đăng ký nhưng điều đó ít
nhiều cho thấy việc trở thành một người mẫu là ước mơ của nhiều cô gái
trẻ. Bà Quỳnh Trang (giám đốc sản xuất của chương trình truyền hình thực
tế Vietnam’s Next Top Model), nói: “Nếu hai mùa trước, các bạn trẻ đến
dự thi với tâm thái chơi cho vui thì năm nay, thí sinh đến dự thi có mục
tiêu rất rõ ràng. Họ thực sự muốn trở thành người mẫu với quyết tâm
cao. Đó là điều khác biệt lớn mà chúng tôi nhận thấy ngay từ đầu cuộc
thi”.



Người mẫu về đâu?


Thị trường hoạt động của người mẫu ở Việt Nam vốn eo hẹp nay ngày càng
khó khăn hơn nhưng số lượng người mẫu tham gia các cuộc thi mỗi mùa tăng
lên theo cấp số nhân, chưa kể lượng học viên trong các công ty, lò đào
tạo người mẫu. Họ sẽ về đâu trong hành trình nghề nghiệp này?



Người lao động