Sẽ cung cấp đầy đủ và chuẩn xác tất cả bằng chứng chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đó khẳng định của ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT trong buổi họp báo giới thiệu về chương trình triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" sáng 16-8, tại TP.HCM.


Miễn phí vé vào cổng cho tất cả du khách tham quan Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử", tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM từ ngày 22 - 29/8.


Triển lãm tập trung vào giai đoạn đầu thế kỷ XVII cho đến cuối thế kỷ XIX là thời kỳ Việt Nam khẳng định và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách trọn vẹn trong hòa bình.
 Tư liệu ở các giai đoạn trước thế kỷ XVII và sau thế kỷ XIX được giới thiệu làm cơ sở cho người xem hiểu rõ ngọn nguồn lịch sử chủ quyền của Việt Nam. Đồng thời, khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn được các thế hệ người Việt Nam gìn giữ, tiếp nối, với quyết tâm bảo vệ đến cùng mỗi tấc đất, tấc biển của tổ tông, bất chấp những diễn biến phức tạp và khó khăn khôn lường của tình hình.
Thêm bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Ts%20858
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam thông tin tại buổi họp báo

Mảng tư liệu của Việt Nam bao gồm các thư tịch, bản đồ và tài liệu có tính chất chính thức cấp nhà nước như châu bản triều Nguyễn, các bộ chính sử, địa lý lịch sử, các công văn, giấy tờ hay ghi chép khách quan của những quan chức, viên chức, học giả đang thực thi công vụ của nhà nước.
Trong số 19 châu bản triều Nguyễn, có một châu bản Phúc tẩu của Bộ Công ngày 12/2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), hiện lưu giữ tại Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao, ghi rõ việc cử Thủy quân với sự hỗ  trợ của dân binh, dân phu đi cắm một mốc chủ quyền với chi tiết về độ dài, độ rộng, độ dày của cột mốc (Mộc Bài). Điều này cho thấy Hoàng đế Minh Mạng của Việt Nam rất chú ý  đến việc cắm mốc chủ quyền ở biển đảo, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam cho biết.
Ở mảng tư liệu của Trung Quốc, triển lãm chỉ chọn giới thiệu một số bản đồ và 4 tập atlas khẳng định ranh giới cực nam của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam. Các tập atlas này được xuất bản trong các năm 1908, 1917, 1919 và 1933 bao gồm: Atlas Trung Quốc địa đồ, Atlas Trung Quốc toàn đồ, Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (do Tổng cục  Bưu chính thuộc Bộ Giao thông và Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh vào năm 1919, in bằng 3 thứ tiếng Trung – Anh – Pháp), Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc tái bản tại Nam Kinh vào năm 1933).  
Thêm bằng chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam Ff
Bìa tập Atlas Trung Quốc địa đồ (1908)
Với những tư liệu, bản đồ và thư tịch cổ phương Tây, tuy sưu tập chưa hết cũng đã có đến vài trăm bản. Triển lãm sẽ khái quát tất cả làm cơ sở đi sâu giới thiệu một số bản đồ tiêu biểu cho mỗi giai đoạn nhận thức về biển Đông, về Paracels và mối quan hệ giữa Paracels và vùng duyên hải Đàng Trong. Ngoài ra còn có các tư liệu xác nhận một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam ở trên vùng các quần đảo này của các nhà hàng hải, thương nhân và chuyên gia bản đồ phương Tây.
Một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây cũng được trưng bày trong triển lãm.
Các nguồn bản đồ và tư liệu Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây được đặt cùng nhau, bổ sung cho nhau và có thể dễ dàng đối chiếu và kiểm chứng, làm tăng thêm độ chuẩn xác và giá trị cho mỗi bản đồ, tư liệu cũng như toàn bộ tư liệu, bản đồ trưng bày trong triển lãm, góp phần khẳng định một thực tế lịch sử khách quan là trong nhiều thế kỷ liên tục các nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào.
Hoàng Thi