Thập kỷ 1950 là những năm phi thường với lịch sử châu Âu. Sau cuộc chiến tranh tàn khốc và hủy diệt, cả châu lục quyết tâm thay đổi một lần và mãi mãi.
Tương lai nào cho Liên minh châu Âu và bóng đá châu Âu? Chauau20112013-1
UEFA ngày càng lớn mạnh với mạng lưới các thành viên trải khắp châu Âu
Jean Monnet là một trong những người quyết tâm nhất. Cùng với những người khác, ông đã tạo ra các định chế ràng buộc các quốc gia đơn lẻ vào một khối liên hiệp để đảm bảo một nền hòa bình bền vững trong tương lai. Với mục tiêu này, Monnet đã vận động thành lập Cộng đồng than-thép châu Âu (ECSC). Chỉ bao gồm 6 nước khi mới ra đời năm 1951: Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, mục đích của cộng đồng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp người dân các nước thành viên nâng cao mức sống.

Tuy nhiên, quan điểm về một châu Âu mới mẻ và gắn kết hơn không chỉ giới hạn trong địa hạt chính trị. Năm 1954, cũng tinh thần liên kết và đoàn kết đó đã dẫn tới sự thành lập LĐBĐ châu Âu (UEFA), một tổ chức xuyên biên giới nhằm tạo ra “sự đoàn kết và liên kết” giữa các LĐBĐ độc lập tại từng nước châu Âu.

Không lâu sau khi tổ chức mới ra mắt với phiên họp đầu tiên ở Vienna, giải vô địch bóng đá châu lục cho các CLB, Cúp C1 (nay là Champions League), cũng ra đời. Là đứa con tinh thần của một người Pháp, các đồng tổng biên tập tạp chí bóng đá L’Equipe Gabriel Hanot và Jacques Ferran, giải đấu này là giải quy mô liên châu Âu đầu tiên giữa các CLB, với sự tham dự của đại diện từ 16 quốc gia.

Tương lai nào cho Liên minh châu Âu và bóng đá châu Âu? Chauau20112013-2
Thêm các giải quốc tế nữa được tổ chức ở tầm mức CLB sau đó. Năm 1954 chứng kiến sự ra đời của Inter City Fairs Cup (sau này là UEFA Cup), trong khi năm 1960 là Cúp C2 (Cup Winners Cup, nay đã bị khai tử) và giải vô địch bóng đá các quốc gia châu Âu (European Championships hay EURO). Ý tưởng về một giải đấu liên châu lục cho các ĐTQG ở châu Âu đã manh nha từ lâu, được Henri Delaunay đề xuất năm 1927, nhưng chỉ tới lúc đó mới được triển khai.

Năm 1957, 6 nước thành viên ECSC ký Hiệp ước Rome hình thành một tổ chức mới, một khối liên kết đa quốc gia thật sự, liên châu lục và rất tham vọng. Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) hướng tới thành lập một thị trường chung, dỡ bỏ mọi rào cản của dòng di chuyển hàng hóa và lao động, rồi dần dần là Ủy ban châu Âu (EC), Nghị viện châu Âu và Tòa án công lý châu Âu, tất cả đều có quyền lực bao trùm các nước thành viên. Một hiệp ước khác, Hiệp ước Euratom, hướng tới việc thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên ECSC trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.

Trong cả 2 dự án, Anh đã chỉ tham gia rất hạn chế. Các chính trị gia Anh đứng ngoài EEC và nền bóng đá nước này thì nhìn châu Âu với con mắt nghi ngờ, thậm chí là coi thường. Áp lực từ Football League, ban tổ chức hệ thống các giải chuyên nghiệp, vì lo sợ ảnh hưởng của châu Âu với các trận đấu trong nước, đã thuyết phục Chelsea, đội ĐKVĐ Anh, không tham dự Cúp C1 được tổ chức lần đầu. Chỉ nhờ có quyết tâm sắt đá của Sir Matt Busby, Manchester United mới dự giải mùa 1956/57 và dù đội bóng của ông gặp phải thảm họa Munich không lâu sau đó, bóng đá Anh đã hòa nhập mạnh mẽ với lục địa và vào lúc nước Anh chính thức gia nhập EEC năm 1973, bóng đá đã đi trước một bước dài.

Tương lai nào cho Liên minh châu Âu và bóng đá châu Âu? Chauau20112013-mu
M.U (trái) gặp Real ở European Cup 1956/57
Những sự tương quan đó lặp lại một lần nữa vào những năm 1990, với các bước tiến lớn trên cả hai bình diện chính trị và bóng đá. Hiệp ước Maastricht 1992 đã biến một cộng đồng kinh tế thành một liên minh đa quốc gia thực sự, với tầm nhìn về một đồng tiền chung, một chính sách đối ngoại và an ninh chung và quan trọng nhất là ý tưởng về một quốc tịch châu Âu, đảm bảo quyền tự do đi lại và cư trú, cho mọi thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Cũng năm đó, sau một thử nghiệm về một giải Super League của các đội hàng đầu châu Âu, UEFA đã cải cách toàn diện Cúp C1, biến nó thành Champions League, với vòng đấu bảng trước các trận loại trực tiếp. Logo được thay mới, quả bóng với 8 ngôi sao, gần giống với lá cờ của EU. Cuộc cải cách đã thành công vang dội khi các CLB hàng đầu châu lục ngập trong tiền bạc bản quyền truyền hình và tài trợ, trong khi UEFA trở thành một tổ chức đầy quyền lực cũng như sức mạnh tài chính.

Chỉ vài năm sau, năm 1995, một sự kiện nữa lại làm chấn động bóng đá châu Âu. Jean-Marc Bosman, một cầu thủ Bỉ hết hợp đồng bị cản trở sang chơi cho một CLB Pháp, đã làm thay đổi hoàn toàn nền bóng đá Lục địa già. Theo luật pháp EU, Bosman đã đưa vụ kiện của anh ra Tòa án công lý châu Âu. Tòa phán quyết có lợi cho anh và khái niệm “chuyển nhượng tự do” ra đời. Các cầu thủ không chỉ có nhiều quyền lực hơn trong đàm phán và luật lệ quy định số lượng ngoại binh trong mỗi đội bóng (ít ra là cho những người có quốc tịch châu Âu), cũng bị bãi bỏ.

Tương lai nào cho Liên minh châu Âu và bóng đá châu Âu? Chauau20112013-bosman
Jean-Marc Bosman
Với tiền bạc đổ vào thể thức thi đấu mới Champions League, các CLB hàng đầu lại càng có nguồn lực để chi ra cho những siêu sao. Nhờ có EU, chưa bao giờ các cầu thủ có thể sống và làm việc dễ dàng như thế ở châu Âu. Bóng đá nhanh chóng trở thành một ví dụ hoàn hảo về thị trường lao động rộng mở, duy nhất của cả châu Âu, một giấc mơ của các chính trị gia.

Nhưng tiếp theo sẽ là gì? Với Monnet và những người có tầm nhìn xa khác, mục tiêu là một châu lục liên kết đồng nhất mọi mặt, hay ít ra là một châu Âu, theo lời Monnet, không chỉ là tập hợp các quốc gia, mà là “một liên minh của người dân”. Bóng đá cũng sẽ đi theo con đường đó, với những ý tưởng về một giải đấu đại quy mô, như Intertoto Cup (nay đã giải tán), hay một Super League, hay mới nhất là việc tổ chức EURO ở nhiều nước của Chủ tịch UEFA Michel Platini. Con đường hội nhập của bóng đá châu Âu, giống như chính trị, là không thể tránh khỏi.