Kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, kèm nhiều hệ lụy như tai nạn, ẩu đả, bia rượu, tâm lý chây ì đi làm sau Tết… Bởi vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết ta vào Tết dương lịch.

Trước ý kiến cho rằng "Cần bỏ Tết cổ truyền dân tộc", những ngày gần đây xuất hiện hai luồng dư luận tranh cãi gay gắt.

Trong một phỏng vấn mới nhất trên VTC, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân cho rằng “Muốn kinh tế hội nhập, cần bỏ Tết Âm lịch”.

Đây không phải lần đầu tiên có chuyên gia đưa ra vấn đề xem lại thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán. Cách đây 3 năm, GS. TS Võ Tòng Xuân đã từng chia sẻ quan điểm ăn Tết Ta theo ngày dương lịch để cùng hội nhập thế giới. Ý kiến này ngay sau đó đã đã nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều.

Sớm có lộ trình gộp Tết Âm lịch vào Tết dương lịch Tet1-bb-baaac7gfDN

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, tính từ 28 đến hết ngày mồng 4 Tết Bính Thân, cả nước có đến trên 5.400 người nhập viện do đánh nhau, với 19 người tử vong, tiếp đó là sự chây ì, uể oải khi bắt tay vào làm trở lại.

Với những con số tệ nạn, tai nạn giao thông tăng vọt trong những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, Đại biểu Quốc hội, ông Lê Như Tiến Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) bày tỏ quan điểm trên báo Tiền phong:

“Theo tôi được biết, chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc mới có kỳ nghỉ Tết kéo dài như vậy. Nhật Bản không ăn Tết Âm lịch từ lâu rồi. Họ chỉ ăn Tết Dương lịch nhưng vẫn giữ gìn được những truyền thống văn hóa riêng có. Tất cả các nước trên thế giới ăn Tết Dương lịch trong ngày 1/1 và ngày Noel chứ không nghỉ tới 9 ngày như Việt Nam..."

Sớm có lộ trình gộp Tết Âm lịch vào Tết dương lịch Tet2-bb-baaacupqQM

"Kỳ nghỉ Tết dài tạo ra nhiều hệ lụy như khiến con người trì trệ trong công việc, lười biếng không muốn trở lại với công việc", ông Tiến nói

Trao đổi trên VTC News, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý chính sách kinh tế Trung ương cho rằng, cần có những thống kê cụ thể về các vấn đề liên quan đến Tết Nguyên Đán ảnh hưởng như thế nào đối với kinh tế, văn hóa nước nhà. “Phải có số liệu chứ không đánh giá cảm quan được. Nếu ảnh hưởng nhiều thì nên tính đến phương án gộp Tết ta vào Tết tây như Nhật Bản. Nhưng phải có phương án cực kỳ cẩn thận và tỉ mỉ”, ông nói.

Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh – Công ty cổ phần Trần Dương Đồng Tiến thì cho rằng, Tết cũng có 2 mặt trái ngược. Nghỉ Tết quá lâu, các doanh nghiệp sản xuất có thể bị đình trệ nhưng lại là cơ hội cho ngành bán lẻ, du lịch, giải trí.

Xét ở khía cạnh khác, nghỉ Tết sẽ ảnh hưởng đến ngoại thương. Những công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có thể bỏ lỡ không ít cơ hội vì đối tác ngoại không nghỉ Tết.

“Tôi thấy bây giờ không cần phải trả lời câu hỏi nên hay không nên mà tin rằng đây là điều gần như không thể thực hiện được dù nó mang lại những lợi ích nhất định về mặt kinh tế”, ông nói.

Trả lời trên Diễn đàn Doanh nghiệp Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng sau Tết Nguyên Đán kéo dài phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là qua Tết Nguyên Tiêu thì nhiều cơ quan mới thực sự bắt nhịp công việc ổn định. Vì vậy, bà Lan cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết ta vào Tết Tây.