Vào giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, việc phát minh ra bộ font chữ việt VNI sử dụng trên máy vi tính đã không chỉ đơn thuần là một thành tựu kỹ thuật, mà còn có tác động lớn trong việc truyền bá tiếng Việt và văn hoá Việt Nam trong các cộng đồng trên thế giới. Người đã phát minh ra VNI là kỹ sư Việt kiều Hồ Thành Việt. Và nhà sáng tạo font chữ VNI ấy đã từ trần tại tư gia ở Fountain Valley, California, Hoa Kỳ hôm 28/8/2003. Với lòng tiếc thương kỹ sư Hồ Thành Việt, Tạp chí Quê Hương đã giới thiệu cùng bạn đọc thân thế và sự nghiệp của ông qua bài viết của tác giả Trọng Minh (Hoa Kỳ).

Qua Mỹ năm 1975 chỉ có một mình, cả gia đình ông còn ở lại Việt Nam. Với cá tính kiên nhẫn vừa đi làm, vừa đi học và tự tìm tòi, học hỏi những cái hay của ngành điện toán, ông tốt nghiệp kỹ sư điện năm 1984 tại Cal-State Fullerton. Trong thời gian còn đi học, ông đã mang mộng ước phải làm thế nào đưa bộ chữ Việt chúng ta vào máy điện toán, ông thực sự bắt tay vào việc nghiên cứu từ năm 1979.

Năm 1981, khi hãng IBM cho ra đời loại máy điện toán cá nhân IBM-PC (Personal computer). Với tinh thần yêu mến ngôn ngữ mẹ hối thúc, ông bắt tay ngay vào việc thực hiện chữ Việt trên máy IBM-PC. Sau khoảng thời gian dài cố gắng, cặm cụi ngày đêm và âm thầm làm việc, ông đã đạt được thành quả khích lệ ban đầu, chữ Việt xuất hiện trên máy điện toán IBM. Tuy nhiên để bảo đảm thành quả tốt như mong muốn, mãi đến cuối năm 1986, ông mới chính thức cho phát hành bộ chữ Việt VNI đầu tiên, được dùng chung với những software hiện có của ngoại quốc như: Wordstar, Dbase, WordPerfect v.v… và chữ Việt được in trên máy Dot mattix printer với phẩm chất cao, để dùng trong lãnh vực sách báo Việt ngữ và dùng chung với những bộ software như: Ventuna Publisher, CorelDraw, WordPerfect v.v…

Phải vô tư mà nhìn nhận rằng, sự cải tiến bộ chữ Việt VNI đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngành xuất bản sách báo Việt ngữ trong những năm gần đây, nếu nhìn xa hơn một chút chúng ta sẽ thấy bộ chữ Việt VNI đã giữ một vai trò trọng yếu trong việc phát triển nền văn hoá Việt tộc, mà như đã nói ở trên, tất cả những người đã góp công trong việc phát huy văn hoá dân tộc là những người đã làm vẻ vang cho dân tộc, vậy thì chúng ta không thể phủ nhận công lao của kỹ sư Hồ Thành Việt, một người đã tốn rất nhiều tim óc trong việc làm “vẻ vang dân Việt”.

Mặc dù bộ chữ Việt VNI đã có những bước tiến thật dài, đạt những thành quả ngoài sự mong đợi của mọi người, nhưng kỹ sư Hồ Thành Việt không lấy thế làm tự mãn, vẫn ngày đêm miệt mài trong việc nghiên cứu để đưa chữ Việt tiến đến mức ngang hàng với các ngôn ngữ chính trên thế giới được sử dụng trong hệ thống máy điện toán.

Đài BBC, VOA đã làm nhiều buổi phỏng vấn kỹ sư Hồ Thành Việt về bộ chữ VNI và những kỹ thuật mới trong ngành điện toán. Ngoài ra báo Los-Angeles Times cũng đã phỏng vấn để viết bài tường thuật và khen ngợi, đây là một niềm hãnh diện chung cho cộng đồng người Việt Nam chúng ta.

Bắt đầu từ năm 1992, công ty điện toán VNI đã cho phát hành bộ chữ Việt dùng trong Microsoft 3.1 để dùng với những bộ software Pagemaker, Ventura publisher for Windows, Amipro, Microsoft Word v.v… Năm 1995, công ty VNI phát hành bộ chữ “VNI- Tân Kỳ for windows 3.1 &95” với phương pháp đánh dấu chữ Việt mới, lạ “đánh sai dấu, tự động sửa”, còn nhiều chi tiết rất hay và độc đáo, đã được các nhà làm báo hết lời khen ngợi. Chữ Việt in được trên những máy Postscript printer với phẩm chất in thật đẹp từ 1600 dpi đến 2500 dpi.

Đối với ngành xuất bản báo Việt thì đây là giai đoạn chữ Việt chúng ta in ngang hàng với những ngôn ngữ khác. Song song với việc phát minh tiếng Việt cho PC, công ty VNI đã cho phát hành bộ chữ Việt trên máy Apple Macintosh. Từ nay cả hai loại máy IBM và Macintosh đều có thể trao đổi bài vở, tài liệu lẫn nhau với phương pháp đánh dấu chữ Việt của VNI từ PC, Macintosh giống như nhau.

Ngoài lãnh vực xuất bản, sách báo, kỹ sư Hồ Thành Việt và công ty VNI đã thực hiện nhiều nhu liệu (software) cho những lãnh vực khác như phim ảnh, video…. chẳng hạn như software cho karaoke, hầu hết những video hoặc Laser Disk karaoke ở trong và ngoài nước, đều dùng bộ chữ VNI- karaoke để chạy chữ và ngoài ra công ty VNI còn làm ấn bản để chạy với nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Tầu, Đại Hàn, Nhật, Thái Lan… đã được các công ty ngoại quốc sử dụng và khen ngợi vì đã giúp họ tiết kiệm rất nhiều thì giờ và tiền bạc.

Kỹ sư Hồ Thành Việt cho biết, trong tương lai gần sẽ còn phát hành thêm nhiều sản phẩm mới, như những bộ từ điển điện toán cho nhiều phân ngành khác nhau. Ngày nay máy điện toán đã trở nên thông dụng cho mọi người, ai cũng có thể sử dụng được, đi đâu cũng thấy điện toán hoá, từ trường học, công, tư sở, gia đình, thương mại. Điện toán đã giúp cho công việc được thực hiện mau chóng, mức sản xuất gia tăng.

Nguồn: vysajp.org/news/h%E1%BB%93-thanh-vi%E1%BB%87t-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-phat-minh-b%E1%BB%99-ch%E1%BB%AF-vi%E1%BB%87t-vni-tren-may-tinh/