Vntinnhanh.vn - Liên quan đến thông tin thầy Pham Thanh Long, giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói rằng “học đại học là một phi vụ đầu tư”, “nhà trường và sinh viên là quan hệ giữa người bán và người mua”, lãnh đạo nhà trường cho biết đang xác minh tài khoản facebook trên có phải giả mạo thầy Long hay không. 


Trả lời Vntinnhanh, lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, thầy Long hiện đang công tác ở Nhật Bản. Nhà trường đã nắm được thông tin và hiện đang xác minh tài khoản facebooker Pham Thanh Long có phải giả mạo hay không. Lãnh đạo trường cũng cho rằng bài viết của thầy chỉ là quan điểm cá nhân.

Chia sẻ trên mạng xã hội, thầy giáo Long viết: “Nhà trường với sinh viên là quan hệ giữa người bán và người mua... Người mua không có quyền đòi người bán công khai minh bạch chi phí giá thành...”, lãnh đạo nhà trường nói điều này chưa chính xác, minh bạch là yếu tố rất quan trọng trong xã hội dân chủ.

“Nhà trường vẫn thường xuyên đón các đoàn kiểm toán, thanh tra đến làm việc. Các thầy cô, cán bộ, nhân viên trong trường tuân thủ nghiêm mọi quy định của Bộ về chính sách đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh... Tương lai, nhà trường sẽ cố gắng minh bạch hoá thêm các chi phí để sinh viên được nắm rõ”.

Trả lời câu hỏi của PV về việc học phí tăng cao khiến nhiều sinh viên “doạ bỏ học”, một giảng viên của trường nói, đã đến lúc các em cần thay đổi tư duy.

“Sinh viên Việt Nam chăm chỉ, hiếu học nhưng khá thụ động, có thói quen ỷ lại gia đình và xã hội, không dám đi làm thêm để kiếm sống. Sinh viên nước ngoài tự kiếm tiền, trang trải cuộc sống từ khi 18 tuổi. Sinh viên nước ngoài làm được thì các em cũng phải cố gắng vươn lên. Học phí không phải rào cản nếu các em thực sự muốn học”.

“Nhà trường có rất nhiều các khoản phải chi thường xuyên như điện, nước, thuê mặt bằng, trả lương nhân viên... Muốn nâng cao chất lượng đào tạo thì phải bỏ chi phí để đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo giáo viên... Lương của một Tiến sĩ (có 18 năm công tác tại trường) hiện tại là 8,7 triệu đồng/tháng. Trong khi một sinh viên năm nhất ra trường nếu được nhận vào các tập đoàn lớn, có thể được trả lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Giảng viên như chúng tôi cũng phải làm thêm để có thu nhập”.

Thông tin thêm về chính sách hỗ trợ sinh viên, đại diện Phòng công tác chính trị và quản lý sinh viên nói, nhà trường đang xây dựng quỹ học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Quỹ dành 200 suất hỗ trợ sinh viên các khoá k57, k58.

“Hàng tháng, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu hay các cựu sinh viên đều liên hệ với nhà trường vì cần sinh viên thực tập và làm thêm. Nếu các bạn cầu tiến, chăm chỉ, giỏi thật sự sẽ không bao giờ thiếu cơ hội. Thay vì việc bất mãn, kêu than thì hãy cố gắng vươn lên ngay từ bây giờ", đại diện Phòng nói.


Trước đó, ngày 18/7, Fanpage NEU Confessions của đại học Kinh tế Quốc Dân (Hà Nội) đã đăng tải tâm thư của một sinh viên khóa 57 viết về những khó khăn khi học phí năm học 2016-2017 của trường tăng 30% (mức cao nhất là 530 nghìn đồng/tín chỉ), gây "bão" dư luận.

Đáp trả lại những bức xúc, than phiền của sinh viên, Facebooker Pham Thanh Long, giảng viên của trường đã chia sẻ bài viết “Học phí tăng – Học đi kẻo phí” thu hút sự chú ý, tranh luận của rất nhiều sinh viên.