"Tôi khá đẹp trai nhưng khi quen cô nào cô ấy đều bỏ chạy vì quá nghèo. Hiện tuy là bác sĩ nhưng tôi nhận mức lương chưa bằng kinh phí một sinh viên bỏ ra để học ngành y", nam bác sĩ giấu tên chia sẻ.

Sau bài Nữ bác sĩ: 'Nếu có kiếp sau, tôi sẽ không chọn nghề y', VnExpress tiếp tục nhận được bài viết của một nam bác sĩ giấu tên, chia sẻ về thu nhập của bác sĩ đa khoa với mong muốn bạn trẻ cân nhắc khi lựa chọn nghề.

Làm bác sĩ 15 năm chưa cưới được vợ vì quá nghèo Trinh100-d4f60-9a063

“Làm bác sĩ 15 năm rồi mà chưa trả được nợ và chưa cưới được vợ”- đó là lời của bố mẹ nói với tôi. Tôi cảm thấy buồn, xin kể câu chuyện về cuộc đời cho quý độc giả VnExpress hiểu và cảm thông với ngành y chúng tôi.

Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, sống nề nếp, bố mẹ buôn bán nhỏ, có đông anh em. Dòng họ nhà tôi ai cũng nghèo, không ai học lên được đại học hết và không ai làm nhà nước. Tôi quyết tâm học thật giỏi để sau này thành công có thể giúp đỡ cha mẹ, anh em, họ hàng. Từ khi học phổ thông, tôi học khá giỏi và đều các môn. Cách đây hơn 20 năm, lần đầu tiên tôi thi đại học.

Bố mẹ khuyên tôi thi y, sau này thành công có để giúp gia đình, rạng danh tổ tiên. Gia đình dòng họ tôi không ai làm bác sĩ cả. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên vào giảng đường trường Y, thầy bảo: Các em có thấy nghề y khác nghề khác ở điểm gì? Rồi thầy trả lời là nghề được kính trọng ở mọi xã hội và mọi thời đại, xã hội càng văn minh thì sự kính trọng càng cao. Đó cũng là người mang lại niềm vui, xoa dịu nỗi đau thể xác và tinh thần cho người bệnh, có thể cứu mạng sống của rất nhiều người từ tay thần chết.

Nghĩ về những ý nghĩa cao đẹp đó, tôi đã cố gắng trở thành bác sĩ giỏi để sau này giúp đỡ mọi người. Sau 6 năm học hành vất vả, tôi cũng ra trường với tấm bằng đỏ với bao ước mơ trong sáng rằng mình sẽ thành công, cứu sống nhiều mạng người, được xã hội tôn trọng, cuộc sống vật chất tinh thần đầy đủ, giúp đỡ bố mẹ, anh em, họ hàng. Ngày tôi nhận bằng đại học, bố mẹ lên thành phố dự lễ tốt nghiệp và dặn dò "cố gắng học hành ráng làm người tốt nghe con, đói cho sạch rách cho thơm, sau này lấy lại vốn rồi từ từ trả lại cho bố mẹ cũng được…". 

Sau 6 năm học đại học, kinh tế gia đình tôi kiệt quệ, nợ nần vay mượn nhiều, ngân hàng và người thân. Các anh chị đầu phải bỏ học cấp 3 nửa chừng để có tiền, nhường chỗ cho tôi học đại học vì tôi là người học giỏi nhất nhà. Tôi đã quyết định bỏ thi cao học, chuyên khoa và bác sĩ nội trú để các em tôi có điều kiện học cấp 3 và học lên đại học.

Cầm tấm bằng bác sĩ đa khoa trong tay xin việc thật khó vì tôi không có “mối quan hệ” và gia đình quá nghèo. Sau khi xin việc khắp nơi, tôi xin được công việc làm bác sĩ đa khoa, làm không lương 3 năm tại một một huyện nghèo, hàng tháng bố mẹ phải trợ cấp. Nhớ lại lời dặn của bố mẹ ngày tốt nghiệp và lời dạy của thầy ngày đầu tiên trên giảng đường, tôi luôn làm theo. Vì nặng nợ với gia đình và chưa lo cho được bản thân, sau khi đi làm 15 năm, 40 tuổi rồi tôi vẫn chưa có vợ.

Tôi đang có kế hoạch đổi xe máy số sang xe tay ga trong năm nay để ăn Tết dù phải vay mượn rất nhiều. Những bạn bè đồng lứa của tôi, sau khi ra trường, mỗi người một nơi, hầu hết có gia đình. Riêng tôi, hiện tại không có mối tình nào. Tôi khá đẹp trai nhưng khi quen cô nào cô ấy đều bỏ chạy vì quá nghèo với hai bàn tay trắng. Gia đình tôi nghèo, đông anh chị em, anh rể chị dâu lao động phổ thông sống chung một nhà. Bố mẹ, anh chị em không cho tôi biết gia đình nợ nần bao nhiêu vì sợ tôi buồn và làm điều sai trái.

Hiện tại, tuy là bác sĩ nhưng tôi nhận mức lương chưa bằng kinh phí một sinh viên bỏ ra để học ngành y. Tôi xin giải thích như sau (những số liệu sau đây, tôi đều đã tham khảo ý kiến chuyên gia tài chính ngân hàng):

Năm 2016, học phí các trường đại học y dược cả nước là 50 triệu đồng/năm (khoảng 4,4 triệu/tháng). Nhưng sinh viên y khoa đi học đâu phải tốn tiền học phí, còn tiền ăn, ở, đi lại, sách vở.... cộng lại thì khoảng thêm 4,4 triệu/tháng cho tiền chi tiêu. Như vậy học phí và chi tiêu khoảng 8,8 triệu/tháng, 100 triệu/năm.

Giả sử tiền chi phí học hành trong 6 năm không tăng, tháng nào gia đình bạn vay ngân hàng 8,8 triệu/tháng thì sau 6 năm học y gia đình bạn nợ bao nhiêu? Tôi tính 6 năm gia đình bạn nợ ngân hàng khoảng một tỷ đồng. Trong 6 năm học, học phí, vật giá luôn tăng, thì chi phí còn cao hơn một tỷ đồng.

Nhưng năm 2016, lương bác sĩ mới ra trường với hệ số là 2,34 x lương cơ sở (1.210.000 triệu/tháng) cộng thêm phụ cấp, trừ đi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương khoảng 3-4 triệu đồng. Hiện tại, sinh viên y khoa chi tiêu cho học hành 8,8 triệu/tháng mà lương bác sĩ là 3-4 triệu đồng/tháng, đây là điều hết sức phi lý. 

Nếu tôi vay ngân hàng một tỷ đồng trong 15 năm, không trả lãi lẫn vốn thì tôi nợ bao nhiêu? Lãi suất hiện tại là khoảng 9%/năm x 15 năm x 1 tỷ đồng = 1,35 tỷ đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, tổng cộng tôi nợ ngân hàng 3 tỷ đồng. Năm 2016, nếu gia đình nào đầu tư cho con học bác sĩ thì sau 6 năm tốn khoảng một tỷ đồng. Lãi suất hiện tại là 9%/năm (90 triệu/năm hoặc 7,5 triệu/tháng cho khoản vay một tỷ đồng). Nếu muốn trả hết số tiền một tỷ đồng cả gốc lẫn lãi thì phải trả cho ngân hàng 13 triệu/tháng trong 15 năm.

Sau 15 năm ra trường nếu bác sĩ chỉ làm lương đủ sống qua ngày thì số tiền nợ ngân hàng trong 6 năm học y là 3 tỷ đồng. Nếu muốn trả hết số nợ 3 tỷ thì phải trả cho ngân hàng 47 triệu/tháng trong 10 năm, hoặc 35 triệu/tháng trong 20 năm hoặc 28 triệu/tháng trong 40 năm, một con số thật khủng khiếp.

Với bài toán như trên, các độc giả VnExpress thấy muốn trở thành bác sĩ đa khoa, một gia đình phải đầu tư rất lớn nhưng ra trường lãnh lương rất thấp. Tôi không biết đến khi nào mình mới trả được nợ và cưới được vợ đây. Khi tôi viết bài này, nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân rất ủng hộ, mong được đăng tải.