Thất bại ở vòng bảng World Cup 2018 đã là nỗi hổ thẹn lớn của đội tuyển Đức nhưng mọi thứ còn tệ hơn sau quyết định chia tay ĐTQG của tiền vệ Mesut Ozil...

Ozil và nỗi hổ thẹn của tuyển Đức 180723_162748_648

Cách đây 4 năm, sau khi nâng cao chiếc cúp vàng World Cup 2014, đội trưởng Philipp Lahm đã tuyên bố chia tay đội tuyển Đức. Đó là cuộc chia ly trên đỉnh cao, được người Đức trân trọng và thực tế Lahm đã đi vào ngôi đền của những huyền thoại. Sau World Cup 2018, cũng có 1 cuộc chia ly nhưng ở hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược. Đó là câu chuyện của Mesut Ozil. Anh ra đi không kèn, không trống, thậm chí bị coi là “tội đồ” khiến Mannschaft hổ thẹn rời Nga ngay sau vòng đấu bảng.

Ozil từ giã tuyển Đức không phải vì anh hết nhiệt và tắt lửa tham vọng mà bởi sức ép quá lớn có liên quan tới vấn đề chính trị. Thực tế, trước khi VCK World Cup 2018 khởi tranh, tiền vệ của Arsenal và Ilkay Gundogan đã bị chỉ trích rất nhiều khi xuất hiện trong bức ảnh chụp chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan.

Người Đức chỉ trích Mesut Ozil vì coi anh là kẻ “ăn ở hai lòng”, không tận tâm phụng sự màu áo ĐTQG. Nhưng điều tệ hại hơn cả chính là việc LĐBĐ Đức (DFB) đã đổ thêm dầu vào lửa. Nói đúng hơn, Chủ tịch DFB, ông Reinhard Grindel đã yêu cầu Ozil phải giải trình vụ việc, thậm chí lên kế hoạch loại tiền vệ của Arsenal khỏi màu áo ĐTQG để giải tỏa sức ép.

Vai trò quan trọng của một nhà lãnh đạo là giải quyết những mâu thuẫn để tạo ra 1 tập thể đoàn kết nhất. Nhưng ở vụ việc này, DFB đã đi quá xa. Họ không những không xoa dịu mâu thuẫn mà còn khiến vụ việc trở nên phức tạp hơn khi gắn nó với màu sắc chính trị. Nó mang tới cảm giác rằng Ozil đã trở thành bình phong để ông Reinhard Grindel giảm tải sức ép sau thất bại toàn diện của ĐT Đức ở World Cup 2018.

Giống như Ilkay Gundogan, Ozil là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Việc anh gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là điều rất bình thường, thậm chí nó phù hợp với giá trị đạo lý, giống như việc Miroslav Klose hay Lukas Podolski trước đây luôn có tình cảm đặc biệt với Ba Lan. Khó có thể nghi ngờ động cơ chính trị của Ozil khi anh chỉ là 1 cầu thủ bóng đá.

Ozil và nỗi hổ thẹn của tuyển Đức 180723_162920_199

Hình ảnh trái ngược cách đây 4 năm của Ozil

Thực tế, trước đây, Ozil đã nhiều lần gặp gỡ ông Erdogan, kể từ lần đầu tiên vào năm 2010. Nhưng trong quá khứ, có mấy người Đức để ý tới chuyện đó khi Ozil là nhân vật không thể thiếu của ĐT Đức, thậm chí là ngôi sao quan trọng giúp cỗ xe tăng lên ngôi ở World Cup 2014.

Vấn đề có lẽ nằm ở 2 chữ “thời điểm”! Đây là lúc mà đội tuyển Đức nói riêng và LĐBĐ Đức nói chung cần những cái cớ để đổ lỗi cho thất bại hổ thẹn ở World Cup 2018. Họ nhắm tới Mesut Ozil như thể chạy theo số đông. Chuyện sẽ chẳng là gì nếu Đức thi đấu thành công ở Nga. Nhưng khi thất bại, chuyện nhỏ của Ozil cũng là chuyện lớn của ĐTQG.

Thực tế, ở World Cup 2018, Mesut Ozil thi đấu không tốt nhưng đấy là thất bại của cả tập thể. Nguyên nhân sâu xa nằm ở việc HLV Joachim Low quá ưu ái lứa thế hệ đã từng đăng quang ở Brazil cách đây 4 năm.

Thứ hai, Mesut Ozil chưa bao giờ là mẫu tiền vệ bùng nổ. Anh vẫn miệt mài kiến tạo và cống hiến như một người hùng thầm lặng. Khi Đức chiến thắng và thành công, không mấy người ca ngợi Ozil. Nhưng khi thất bại, anh trở thành ngọn nguồn của chỉ trích. Câu chuyện này cũng xuất hiện ở Arsenal. Đấy là sự bất công của Ozil khi anh phải gánh trách nhiệm cho cả một tập thể.

Việc Đức dừng bước ở vòng bảng World Cup 2018 đã là một nỗi hổ thẹn lớn với nền bóng đá nước này. Nhưng mọi thứ còn tệ hơn sau câu chuyện của Ozil. Đúng là trong thất bại, quan điểm trở nên rất khác biệt...