Trung Quốc chuẩn bị tập trận bắn đạn thật trên biển Đông
Lại
thêm một hành động gây hấn mới của Trung Quốc sau hàng loạt hành động
gây căng thẳng gần đây. Họ lộ rõ âm mưu quân sự hóa để độc chiếm biển
Đông, bất chấp sự phản đối của khu vực và quốc tế.



 Trung Quốc chuẩn bị tập trận bắn đạn thật trên biển Đông 2-3

Tàu chiến Trung Quốc được trang bị “đến tận răng”
để chuẩn bị cho cuộc diễn tập tại biển Đông.

Đài
truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm qua đưa tin, quân đội đang
đợi lệnh để diễn tập bắn đạn thật với quy mô lớn nhất gần quần đảo
Trường Sa của Việt Nam. CCTV tiết lộ, hạm đội hải quân lớn của Trung
Quốc tại khu vực biển Nhật Bản đang cấp tốc quay xuống quần đảo Trường
Sa để chuẩn bị cho cuộc tập trận này. Trung Quốc, thông qua CCTV, trắng
trợn tuyên bố cuộc tập trận là để “các nước láng giềng thấy được thực
lực của Trung Quốc”.

Tình báo Mỹ tiết lộ, hệ thống vệ tinh của Mỹ
phát hiện 20 tàu chiến lớn của hải quân Trung Quốc đang tề tựu để bài
binh bố trận tại khu vực quần đảo Trường Sa. Nguồn tin này khẳng định,
trong số này có tàu ngầm lớp Kilo của hạm đội Đông Hải và 7 tàu của hạm
đội Bắc Hải.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nhật cũng lên tiếng báo động
có 11 tàu quân sự Trung Quốc thuộc hạm đội Đông Hải đi qua khu vực biển
Nhật Bản tới Thái Bình Dương trong 2 ngày 8 và 9/7.

Dồn lực lượng quân sự tới biển Đông

Cùng
lúc, lúc 9h30 hôm qua, chính quyền tỉnh Hải Nam cắt băng ra mắt cái gọi
là “thành phố Tam Sa” và ngang nhiên mời gọi người dân nước mình đến
“thăm thành phố”. Sự kiện này được truyền hình trực tiếp qua CCTV.

Gần
đây, Trung Quốc liên tục có những bước dấn tới để tìm cách gây hấn trên
biển Đông vốn rất căng thẳng. Tháng trước, Trung Quốc cho thành lập cái
gọi là “thành phố Tam Sa” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt
Nam; và mới đây họp “hội đồng nhân dân”, lập đơn vị đồn trú tại thành
phố này để “tiến hành các chiến dịch quân sự”. Trung Quốc cũng xua “hạm
đội” tàu cá đến đánh bắt trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam...

Theo
báo mạng Quân sự 51 của Trung Quốc, “thành phố Tam Sa” nằm trong chiến
lược quân sự lâu dài của Trung Quốc. Bắc Kinh mới đây còn sắp xếp lại
cấp chỉ huy lực lượng hải quân nhằm biến hạm đội Nam Hải trở thành lực
lượng mũi nhọn của hải quân Trung Quốc. Báo này cho biết các quan chức
quân đội Trung Quốc còn tuyên bố sẽ khoanh vùng các mỏ dầu trên biển
Đông để tiếp tục mời thầu...

Báo Philippines Star đưa tin, Trung
Quốc đang dự định xây dựng một đường băng trên bãi đá Xubi thuộc quần
đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc xây 2 tòa nhà 4 tầng, 2 doanh
trại quân đội, một hệ thống rađa và một ngọn hải đăng trên bãi đá này.
Máy bay của hải quân Philippines cũng phát hiện tàu đổ bộ lớp Ngọc Đình
đang luẩn quẩn tại khu vực.

Ý đồ thâm độc

Các diễn biến
liên tiếp này cho thấy Trung Quốc đang tìm cớ gây hấn để thực hiện âm
mưu độc chiếm biển Đông. Giáo sư Renato C. De Castro thuộc Đại học De La
Salle (Philippines) nhận định, Việt Nam và Philippines thời gian tới
liên tục phải đối mặt với các tàu hải giám và ngư chính Trung Quốc. Và
điều nguy hiểm là lẩn sau những con tàu bán quân sự này là các tàu quân
sự của hải quân Trung Quốc. “Rất có thể sẽ có đụng độ xảy ra giữa các
tàu Trung Quốc với lực lượng tuần duyên các nước ven biển Đông”, Giáo sư
De Castro cảnh báo.

Theo ông, việc Trung Quốc liên tục gây hấn
trong những ngày qua không chỉ nhằm gây sức ép lên Việt Nam và
Philippines mà gián tiếp là muốn thăm dò phản ứng của Mỹ khi Washington
đang “tái cân bằng” lực lượng ở châu Á - Thái Bình Dương. Giáo sư De
Castro cũng cảnh báo một nguy cơ nghiêm trọng là các tàu Trung Quốc sẽ
quấy rối, gây khó dễ để tìm cách khiêu khích phía Việt Nam và
Philippines phản ứng trước. Và khi đó, theo ông, “họ chỉ chờ chúng ta
bắn phát súng đầu tiên là hùng hổ trấn áp và tuyên bố là họ chỉ tự vệ”.

Tiến
sĩ David Koh thuộc Đại học Quốc gia Singapore cũng tin rằng, Trung Quốc
đang thật sự có ý đồ sử dụng vũ lực trên biển Đông. Trước nay Trung
Quốc vẫn luôn nói rằng họ không hề theo đuổi chính sách bá quyền. Nhưng
nếu đó là sự thật thì Bắc Kinh phải sẵn sàng thảo luận với ASEAN về COC,
một cơ chế ngăn chặn các hành vi bá quyền trong khu vực chứ”, ông phân
tích.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Ian Storey thuộc Học viện Nghiên
cứu Đông Nam Á (Singapore), Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng vũ lực như một
giải pháp cuối cùng, bởi xung đột sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín
ngoại giao của Bắc Kinh và khiến các nước khác trên thế giới can thiệp.

Báo
Le Figaro (Pháp) nhận định: “Dựa trên sức mạnh ngày càng gia tăng của
các hạm đội “dân sự”, trong đó có những con tàu được trang bị những loại
vũ khí hạng nặng, Bắc Kinh đang không mệt mỏi thực hiện chủ quyền của
mình bằng chính sách “chuyện đã rồi”. Năm 2010, biển Đông được nâng cấp
thành “lợi ích sống còn” ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương.
Điều này có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào”.


Theo Tuổi Trẻ