(2Sao) - Đây là những điểm chung được đúc kết từ các thảm họa
“tài năng”, điều mà bất kỳ ai cũng có thể tránh được nếu như không muốn
cố tình trở thành thảm họa thi hát.

Tránh khoe mẽ quá đà

Đây chính là nguyên nhân đã từng tạo ra 2 quả bom scandal lớn là “Sơn ca
biết hát 6 thứ tiếng” và "Bồ Tát đi thi hát" tại Vietnam’s Got Talent
và Vietnam Idol. Tự tin khẳng định bản thân là điều cần thiết, thế nhưng
với cương vị là thí sinh dự thi, các tài năng trẻ cần biết rằng quyền
đánh giá vẫn nằm trong tay giám khảo và công chúng, thế nên những phát
ngôn tự tin quá đà có thể dễ dàng đưa “thần đồng” đến hậu quả “nói nhiều
mà lại làm chẳng được bao nhiêu” khi mất quyền đi tiếp.
https://www.youtube.com/watch?feature=player_embedded&v=BgsWlXlMlpQ
Hiện tượng nổi tiếng vì nói nhiều tại
Viet nam’s Got Talent


Ông bà ta vốn có câu “nói trước bước không qua”, hãy đợi thêm vài phút
sau khi phần thi đã hoàn thành, biết được kết quả chính xác rồi hãy hoạt
ngôn cũng chưa muộn. Thêm vào đó đến với các sân chơi tài năng, thứ duy
nhất có thể giới thiệu đến giám khảo và khán giả chung quy cũng chỉ là
thực lực bản thân, ngoài ra mọi yếu tố khác đều nên xem là mang tính bên
lề.

Trên cương vị của người xem, khán giả muốn các thí sinh phải có trách
nhiệm hơn với lời lẽ trước công chúng, hãy chỉ tập trung giới thiệu về
những khả năng bản thân có thể làm được thay vì mải mê lăng xê quá khứ,
hay phóng túng trí tưởng tượng về một tương lai siêu thực xa vời. Hiện
tại ở Trung Quốc, Hàn Quốc, các cuộc thi ca hát đang bị lên án gay gắt
vì thí sinh thường xuyên lạm dụng kể chuyện mủi lòng, thậm chí là bịa
đặt để lấy lòng đại chúng, đây cũng có thể xem là hồi chuông cảnh báo
cho sân chơi nội địa trước khi bị lây bệnh từ “anh bạn láng giềng”.

“Có sức chơi-có sức chịu”

Khi quyết định tham gia đăng ký vào một cuộc thi, các thí sinh cần chuẩn
bị tâm lý chấp nhận sự định đoạt từ BTC và giám khảo, vì đó là những
người tạo ra sân chơi với những quy định do chính họ đề ra, ekip chương
trình hoàn toàn có quyền quyết định điều gì sẽ được chấp nhận, cũng như
ngược lại. Thế nên mọi bức xúc, bất phục, thậm chí là gay gắt đối với
kết quả từ giám khảo đều có thể bị xem là hội chứng “trung tâm vũ trụ”,
tự xem mình là nhất.

Nếu không đồng tình, hoặc xem thường khả năng chuyên môn của những người
cầm cân nảy mực, thiết nghĩ các thí sinh nên cân nhắc có tham gia hay
không ngay từ đầu, tránh tình trạng thi xong rồi mới phản ánh lung tung
chuyện giám khảo “mập, lùn, béo, xấu” v.v… như một thí sinh từng làm.

[30.07.12] Bí kíp cần tránh để không trở thành "Thảm họa âm nhạc 2407Truki01

(Ảnh mang tính minh hoạ)


Bên cạnh đó, người đi thi cũng cần mở lòng hơn trước những nhận định
“trái ý nguyện” từ giám khảo. Không thể đòi hỏi, chấp nhặt trong từng
câu chữ, phân tích dài dòng nhạy cảm khiến mọi phát ngôn của giám khảo
trở nên nặng nề thái quá. Dù ít hay nhiều thì chuyện chê bai cũng là
điều không thể tránh khỏi tại các cuộc thi âm nhạc. Hơn nữa, những người
ngồi ghế nóng đều là nghệ sĩ nổi tiếng, họ chẳng dại gì “vùi dập” một
tài năng trẻ để đánh đổi bằng cả danh dự trước công chúng. Các thí sinh
đều có quyền tự xem mình là “hàng độc”, “thiên tài” chưa được công nhận
v.v… Thế nhưng, đừng tự biến mình thành thảm họa văn hóa ứng xử khi trót
buông lời xem thường những người có chuyên môn cao hơn.

Hãy “soi gương” chuẩn bị kỹ càng trước khi “ứng thí”

Người ta thường nói “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, tuy
nhiên khi xem các chương trình tìm kiếm tài năng, nhiều khán giả phải
choáng ngợp trước các thí sinh hoàn toàn mất khả năng nhận biết mình là
ai, đang đi đâu và sẽ làm gì, kết quả cuối cùng chỉ có thể trở thành 2
thứ: hoặc là trò cười hoặc là thảm họa. Bỏ qua những trường hợp cố tình
xem sóng truyền hình là nơi “chơi nổi”, muốn được cả nước biết mặt gọi
tên, mà bất chấp thủ đoạn, thì vẫn có những “thiên tài ngộ nhận”, tự
biến mình thành thảm họa bất đắc dĩ.

[30.07.12] Bí kíp cần tránh để không trở thành "Thảm họa âm nhạc 2407Truki02

Thí sinh dự thi Vietnam Idol
(Ảnh mang tính minh hoạ)


Trong thực tế, không phải ai cũng có khả năng tự nhận biết những điểm
được và còn chưa được của bản thân. Trước khi đến với các sân chơi âm
nhạc, thí sinh chí ít cũng đã đôi ba lần nghêu ngao hát trước người thân
bạn bè, thậm chí là đăng quang trong một cuộc thi có mẹ làm chủ khảo
v.v… Lắm thí sinh lầm tưởng những tràng pháo tay khích lệ, dăm ba câu
nói tâng bốc chính là thước đo khẳng định giá trị tiềm tàng của một nghệ
sĩ lớn trong tương lai. Và chính lối ảo tưởng mông lung này đã là cơ sở
vững chắc sản sinh ra hàng loạt hiện tượng truyền hình khiến thiên hạ
phải ngày đêm ném đá.

[30.07.12] Bí kíp cần tránh để không trở thành "Thảm họa âm nhạc 2407Truki03

Thí sinh dự thi Vietnam Idol
(Ảnh mang tính minh hoạ)


Để tránh trở thành thảm họa, có lẽ thí sinh cần phải biết cách tự ngồi ở
ghế khán giả thưởng thức chính bản thân mình, theo một cách công tâm
nhất. Đó chính là điều mà một bộ phận “tài năng tự sướng” chưa thể làm
được. Không khó để chứng kiến một thảm họa truyền hình vẫn có thể tự tin
xem mình là “hàng độc”, là “cái hay BTC muốn khoe ra” thậm chí còn hơn
cả vài thí sinh lọt vào vòng trong, hoặc “có khả năng gây ra tranh cãi
khác với hát dở, khi nào khán giả buồn ngủ thì mới là hát dở, còn đến
antifan cũng phải căng mắt ra ngồi nhìn thì đó gọi là có sức hút“ v.v….
Những lối suy nghĩ bao biện cho bản thân, kém tiếp thu thế này suy cho
cùng chỉ dễ dẫn đến dạng thảm họa tài năng tự "đâm sầm" vào các sân chơi
âm nhạc hơn là sản sinh ra nhân tài đích thực.

[30.07.12] Bí kíp cần tránh để không trở thành "Thảm họa âm nhạc 2407Truki04

Thí sinh dự thi The Voice
(Ảnh mang tính minh hoạ)


Dẫu sao thì chuyện lùm xùm của các thí sinh cũng không bao giờ có thể
loại bỏ hết khỏi sóng truyền hình, vì đó đã là một khía cạnh tất yếu.
Tuy nhiên, việc quyết định xuất hiện theo chiều hướng đáng cảm thông, do
sự cố ngoài ý muốn hay được xem là hình mẫu cần bị lên án, trước sự ngộ
nhận quá đà về bản thân, tất cả đều hoàn toàn nằm trong khả năng tự chủ
của mọi thí sinh.

Hãy suy nghĩ thật kỹ trước “cơ hội” trở thành thảm họa tài năng, vì sự
tự tin có thể không chỉ làm hại đến bản thân người tạo ra nó, mà bên
cạnh đó còn gây ra biết bao hệ lụy đến người thân, gia đình, bạn bè
v.v….Đừng chỉ vì vài phút chủ quan mà trở thành tâm điểm của hàng triệu
con người, chắc chắn đó không phải là loại “sức hút” mà một tài năng
đích thực cần phải có.

Trung Kiên
2sao