Người
Di-gan (gypsy) nổi tiếng khắp châu Âu vì những trò phù thủy huyền hoặc.
Và đã hơn một lần, những bộ lạc du mục thần bí ấy đặt những lời nguyền
lên các CLB bóng đá Anh vì xâm phạm đến lợi ích của mình.












Lời nguyền của các CLB Anh: Cướp đất người Di-gan, bất lực trong những trận chung kết 95018cc56cd1ce
"Chết" trước cổng thiên đường

Thời
mới thành lập, Birmingham City không có sân bóng cố định. Họ vạ vật hết
sân này tới sân khác, bị các ông chủ đất hành hạ vì giá thuê cắt cổ.
Những năm đầu thế kỷ 20, trong buổi sơ khai của bóng đá, khi chưa có thị
trường chuyển nhượng và kinh doanh ngoài sân cỏ, mà mỗi năm Birmingham
City phải chi tới 2.000 bảng, tương đương với 159.000 bảng ngày nay mỗi
năm để thuê sân.

Năm 1905, lãnh đạo CLB quyết định xây dựng sân
St.Andrew's. Họ chọn được một khu đất rộng 3 hecta, vốn là một khu công
nghiệp đã bị bỏ hoang trong sình lầy, nhưng rất thuận tiện giao thông và
gần khu dân cư. Một kế hoạch rất khoa học được vạch ra bởi Thomas
Turley, giám đốc CLB và cũng đồng thời là nhà thầu xây dựng. Ông thậm
chí còn thông minh tới mức trả cho cộng đồng dân cư quanh đó 800 bảng
(tương đương 63.000 bảng theo thời giá hiện tại) để họ vứt rác vào khu
đất mới. Quá trình "san lấp mặt bằng" của sân St.Andrew's đã được thực
hiện với... 100.000 túi rác.

Tuy nhiên, có một nhóm người mà
Turley không tài nào mua nổi: những người Di-gan du mục đang trú chân
tại khu đất Birmingham City đã mua. Thời ấy, người Di-gan lang thang
khắp châu Âu trên những cỗ xe ngựa, hát rong, xem bói và làm ảo thuật.
Họ trú chân ở mọi nơi có thể, nhưng lại là một cộng đồng có lối sống khá
thu mình và dị biệt. Rất khó khăn để nói chuyện với những người lãnh
đạo cộng đồng này. Không có cách nào thuyết phục người Di-gan trả đất,
Birmingham City đành nhờ đến chính quyền địa phương. Cảnh sát được điều
động, hàng trăm người Di-gan bị tống cổ.

Những thày phù thủy
Di-gan nổi giận. Trước khi rời đi, họ dành một đêm để thực hiện những
nghi lễ thần bí, đặt một lời nguyền kéo dài một thế kỷ lên "những kẻ
cướp đất". Một lời nguyền đầy cay độc: Birmingham sẽ vào được các trận
chung kết, nhưng không thể chiến thắng.
Lời nguyền của các CLB Anh: Cướp đất người Di-gan, bất lực trong những trận chung kết 95018cc58a40fc
CLB Birmingham City từng thất bại trong 2 trận CK Cúp FA vì lời nguyền cướp đất
Kết
quả là một thế kỷ sau đó, từ năm 1906 đến năm 2006, Birmingham lọt vào 2
trận chung kết FA Cup, và đáng kể nhất, 2 trận chung kết Cúp Hội chợ
(Cúp UEFA cũ) liên tiếp vào các năm 1960 và 1961. Nhưng tất cả đều kết
thúc với thất bại đau đớn. Khó hiểu nhất phải kể đến trận chung kết FA
Cup năm 1931 với West Brom, khi Birmingham tiến quân vào Wembley với khí
thế hừng hực khi đã "tiêu diệt" những đội hạng Nhất Chelsea, Sunderland
và Liverpool. Nhưng phút 58, chỉ vài chục giây sau khi Birmingham san
bằng tỷ số 1-1 và đang có tâm lý thăng hoa, hậu vệ George Liddell bất
ngờ trượt ngã trong vòng cấm, để bóng đến chân Richardson, và anh này ấn
định chiến thắng 2-1 cho West Brom.

Birmingham City không phải
CLB duy nhất đẩy người Di-gan ra khỏi nơi trú chân của họ và chịu một
lời nguyền. Năm 1895, trước đó vài năm, Derby County cũng đã đuổi dân
Di-gan khỏi sân Baseball, vốn là sân bóng chày bị bỏ hoang của của đội
bóng chày thành phố Derby.

Derby County hứng chịu đau thương với
tần suất cao hơn Birmingham City nhiều lần: chỉ trong vòng 8 năm từ 1896
đến 1903, họ lọt vào 6 trận bán kết FA Cup, trong đó có 3 lần vào đến
chung kết, nhưng không thu được một danh hiệu nào. Trận thua 0-6 của họ
trước Bury tại trận chung kết FA Cup năm 1903 cho đến nay vẫn là trận
chung kết cách biệt lớn nhất trong lịch sử giải đấu này.

Lời nguyền được hóa giải

Nếu
Birmingham, trong suốt một thế kỷ thi đấu tại St.Andrew's, chỉ có được
một danh hiệu League Cup năm 1963, vốn gần như không được tính là "danh
hiệu" trong giai đoạn nó mới ra đời (giải đấu này thậm chí không có nhà
tài trợ cho tới tận năm 1980), thì Derby County may mắn hơn nhiều. Lời
nguyền của họ được gỡ bỏ sau một sự kiện kỳ lạ.

Năm 1946, Derby
lại lọt vào trận chung kết FA Cup gặp Charlton Athletic. Không phải nói
cũng biết họ sốt ruột thế nào. Trước mắt họ là một đội bóng có biệt danh
"Charlton quyền lực", và một lời nguyền. Không ai muốn chứng kiến thảm
cảnh lặp lại. Một nhóm cầu thủ đã được Derby County cử đến gặp cộng đồng
Di-gan trong thành phố để thương thuyết, với nguyện vọng duy nhất: gỡ
bỏ lời nguyền quái ác.

Các cầu thủ van nài người phù thùy Di-gan
già nhất của vùng Derbyshire, xin ông hãy cho họ thắng cuộc dù chỉ một
lần này thôi. Thày phù thủy lạnh lùng trả lời: "Chỉ một lần này thôi",
rồi đuổi cả nhóm về.

Toàn đội Derby ra sân trong âu lo, vì không
được chứng kiến phù thủy làm phép. Nhưng rồi điều kỳ lạ xảy ra: giữa
trận đấu, quả bóng đột nhiên phát nổ khi không va chạm vào bất cứ thứ
gì. Đó là lúc lời nguyền được gỡ bỏ. Nhưng vinh quang vẫn không đến dễ
dàng, mà sau một chuỗi những kịch tính. Phút 85, sau một cú sút của
Dally Duncan, bóng đập chân Bert Turner bên phía Charlton, đi vào lưới,
mở tỷ số cho Derby. Đúng một phút sau đó, lại chính Bert Turner ghi bàn
gỡ hòa cho Charlton từ một quả đá phạt. Turner trở thành cầu thủ đầu
tiên trong lịch sử FA Cup ghi bàn cho cả 2 bên.

Hai đội bước vào
hiệp phụ, nhưng rất bất ngờ, Charlton, đội đã chơi kiên cường trong suốt
90 phút, lại đá như những người mất hồn. Derby ghi liên tiếp 3 bàn
trong 2 hiệp phụ, giành chiếc cúp FA đầu tiên trong lịch sử đội bóng.
Sân Wembey vỡ òa trong nỗi xúc động của những CĐV tội nghiệp đến từ
thành phố Derby.

Nhưng lời nguyền không vì thế mà mất đi hoàn
toàn. Ngay cả khi chiến thắng, các cầu thủ Derby cũng không được nhận
huy chương vàng. Đó là năm 1946, khi Thế chiến 2 vừa kết thúc, vàng vô
cùng khan hiếm trên khắp châu Âu. Họ chỉ được nhận một chiếc huy chương
bằng... đồng tượng trưng. Và đúng như lời thày phù thủy nói: "Chỉ một
lần này thôi", lời nguyền quay trở lại chỉ vài ngày sau đó bằng đúng
cách nó đã được hóa giải.

Những người lý tính nhất cũng không dám
nói mạnh với chuyện đã diễn ra vào ngày 2/5/1946, 5 ngày sau trận chung
kết. Derby và Charlton gặp lại nhau tại giải vô địch miền Bắc. Tất cả
khán đài sân Baseball chết lặng giữa hiệp 2, khi quả bóng lại phát nổ.
Đó là lúc lời nguyền quay trở lại. Derby County không còn quay lại trận
chung kết FA Cup thêm một lần nào kể từ sau ngày hôm ấy, cho dù trong
thập kỷ 70, họ là một đội rất mạnh với 2 chức vô địch nước Anh các năm
1972 và 1975.
Lời nguyền của các CLB Anh: Cướp đất người Di-gan, bất lực trong những trận chung kết 95018cc5976286
Đến
nay nguồn gốc của người Di-gan vẫn là một bí ẩn, bởi họ sống lang thang
trên khắp châu Âu, và không lưu giữ một văn bản lịch sử nào về gốc tích
của mình. Nhiều học giả tin rằng người Di-gan có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Cho tới tận đầu thế kỷ 20, cộng đồng này vẫn sống lang bạt trên lưng
ngựa và những cỗ xe, làm thuê hay diễn trò ở những nơi mình đi qua. Suốt
lịch sử, người Di-gan đã chịu sự kỳ thị khắp châu Âu vì sự bí hiểm. Họ
là đối tượng của những cuộc săn phù thủy tàn bạo cho tới tận những năm
1940.

Mặc dù người Di-gan vẫn đi theo những tôn giáo chính thống ở
các quốc gia họ sinh sống (hầu hết là đạo Thiên chúa), nhưng cộng đồng
này vẫn nuôi niềm tin về sức mạnh bí ẩn của riêng họ. Người Di-gan sử
dụng những câu thần chú và nhiều nghi thức truyền thống, đặc biệt là các
điệu nhảy kỳ bí để điều khiển sức mạnh của tự nhiên, các thành tố đang
bao bọc thế giới. Người Di-gan tin rằng bất kỳ ai cũng có quyền sử dụng
sức mạnh tự nhiên cho riêng họ. Phép thuật của người Di-gan đã trở thành
một mảng đề tài hấp dẫn của văn chương trong hàng thế kỷ qua, trong đó
có thể kể đến "Phù thủy phố Portobello" của văn hào Paulo Coelho đã được
dịch ra tiếng Việt.



Nguồn: beta.bongda.com.vn