Tham khảo :trang 204 sách " the subtlety of emotions" , Aaron Ben Zeev.

Shelley Taylor chỉ ra 3 khía cạnh mà con người có định kiến tích cực :
(1) sự đánh giá của họ về bản thân, (2) sự đánh giá về khả năng kiểm
soát của họ đối với những gì xung quanh họ và (3) sự đánh giá của họ về
tương lai.

(1) Phần lớn người trưởng thành và trẻ em lưu giữ những quan điểm tích
cực về bản thân họ. Khi được yêu cầu mô tả về bản thân, hầu hết mọi
người đề cập đến những phẩm chất tích cực và rất ít phẩm chất tiêu cực.
Phần lớn mọi người xem bản thân mình là tốt hơn những người khác và có
những phẩm chất cá nhân tốt hơn trung bình .Do đó, hầu hết mọi người tin
là họ lái xe tốt hơn người khác. Tương tự, mọi người thường quy cho
những điều tốt xảy đến là do năng lực của họ và phủ nhận trách nhiệm đối
với những chuyện không may. Xu hướng này mạnh hơn ở những người đàn
ông, có thể đổ lỗi cho người khác cho những thất bại của họ và tự thưởng
cho bản thân về những thành công. Do đó, mặc dù các em gái học tốt hơn
em trai ở trường cấp hai ( theo trung bình ) nhưng các em gái có xu
hướng quy cho thất bại của mình là do thiếu khả năng.

(2) Phần lớn mọi người tin là thế giới này vốn có thể kiểm soát được và
khả năng của họ trong việc kiểm soát những sự kiện xung quanh họ là đặc
biệt, khác thường. Những người đánh bạc có ảo tưởng về khả năng kiểm
soát , họ tin là họ có thể kiểm soát được con số xuất hiện trên mặt xúc
xắc. Mọi người thích tự lựa chọn tờ vé số cho họ hơn là để người khác
chọn thay; họ tin là sự lựa chọn của họ sẽ làm tăng cơ hội chiến thắng.

(3) Con người hy vọng và tự tin rằng mọi chuyện sẽ được cải thiện; họ
lạc quan một cách phi thực tế về tương lai. Con người có xu hướng xem
xét bản thân là đã có tiến bộ ngay cả khi không có tiến bộ thực sự nào
được thực hiện.

Taylor khẳng định rằng , tâm lý con người bình thường là sự định kiến
tích cực. Những ảo tưởng đó không chỉ là bình thường mà còn có tính
thích nghi, thúc đẩy hơn là làm hao mòn sức khỏe tinh thần. Người khỏe
mạnh về mặt tâm lý không phải là người nhìn mọi việc như chúng đang là
như thế , mà là người nhìn mọi việc theo cách họ thích chúng là. Những
phát hiện khác cho thấy những ảo tưởng tích cực thậm chí còn đóng góp
vào sức khỏe thể chất.

Mặc dù có những tranh cãi liên quan đến định nghĩa chính xác về sức khỏe
tinh thần ( mental health ) , thì hầu hết các chuyên gia đều đồng ý
rằng, khả năng trở nên hạnh phúc, hoặc ít nhất là sự bằng lòng một cách
tương đối, là tiêu chuẩn quan trọng của sức khỏe tinh thần và hạnh phúc.
Những ảo tưởng tích cực của một người về những phẩm chất cá nhân, mức
độ của sự kiểm soát và tương lai sẽ như thế nào,trong thực tế làm thúc
đẩy hạnh phúc. Những người có lòng tự trọng cao xem bản thân là hạnh
phúc hơn người khác. Lòng tự trọng cao cũng quan trọng trong việc ngăn
ngừa tỷ lệ tự tử cao. Những người tin rằng họ có nhiều khả năng kiểm
soát trong cuộc sống của họ và tin là tương lai sẽ mang lại cho họ nhiều
hạnh phúc hơn, theo báo cáo của họ, là hạnh phúc hơn những người thiếu
những sự nhận thức này.

Những ảo tưởng tích cực cũng thúc đẩy những khía cạnh quan trọng khác của sức khỏe tinh thần, những mối quan hệ xã hội tốt hơn.

Những ảo tưởng tích cực cũng dẫn đến động cơ hành động cao hơn, kiên trì
hơn trước những nhiệm vụ, hiệu quả hơn trong thực hiện, và cuối cùng,
thành công lớn hơn. Do đó, một quan điểm tích cực về bản thân thường
khiến một người làm việc chăm chỉ hơn và kéo dài hơn trong các nhiệm vụ.
Điều tương tự cũng đúng với người lạc quan, bao gồm cả sự lạc quan phi
thực tế. Một lợi ích khác của những ảo tưởng tích cực là nó thúc đẩy khả
năng trí tuệ, đó là khả năng sáng tạo hơn hoặc thông minh hơn trong
công việc. Có bằng chứng cho thấy mọi người nhớ lại thông tin dễ dàng
hơn và nhanh hơn khi họ đang ở trong một tâm trạng tốt hơn là tâm trạng
tồi tệ; những tâm trạng tốt cũng làm tăng tốc quá trình tâm lý. Một kỹ
năng quan trọng của sức khỏe tinh thần đó là trì hoãn sự hài lòng (
postponing gratification ) . Kỹ năng này đặc biệt quan trọng để đạt được
những mục tiêu quan trọng trong dài hạn. Quả thật có bằng chứng cho
thấy những tâm trạng tích cực giúp trẻ em và người trưởng thành chịu
đựng sự thất vọng và trì hoãn sự hài lòng tốt hơn.

Nhưng ảo tưởng tích cực không chỉ mang lại những khía cạnh tích cực.
Những ảo tưởng, dù là tích cực hay tiêu cực, đều bao hàm sự bóp méo thực
tế và điều này có thể gây nguy hại trong những hoàn cảnh nhất định. Xác
minh giá trị mang tính thích nghi của những ảo tưởng tích cực cần tính
đến 2 khá cạnh : (1) một khía cạnh định tính chỉ về sự khác nhau giữa
những ảo tưởng thích nghi và những ảo tưởng không có tính thích nghi ,
(2) một khía cạnh chỉ về tỷ lệ phù hợp trong việc sử dụng mỗi loại ảo
tưởng.

Taylor phân biệt giữa những ảo tưởng tích cực với sự kìm nén (
repression ) hoặc sự chối bỏ ( denial ) . Bà cho rằng, trong khi sự kìm
nén hoặc chối bỏ sửa đổi lại thực tế, thì những ảo tưởng tích cực chỉ
đơn giản là diễn giải thực tế theo cách tích cực nhất có thể.

Trong khi lưu giữ những ảo tưởng tích cực, mọi người đã lưu giữ những
niềm tin có tính tích cực hơn thực tế có thể chấp nhận ; tuy nhiên, hy
vọng vào những điều tốt nhất, nghĩ tốt về bản thân , không phải là sự
hiểu sai về thực tế. Hãy lấy ví dụ về môi ương xã hội của chúng ta. Mọi
người xây dựng môi trường xã hội của họ theo cách mà họ sẽ nhận được
những đánh giá tích cực về bản thân và né tránh những đánh giá tiêu cực.
Chúng ta lựa chọn những người bạn mà họ đánh giá cao những phẩm chất
tích cực của chúng ta, và vẫn yêu chúng ta mặc cho những lỗi lầm và
nhược điểm của chúng ta. Một môi trường xã hội như vậy không phải là ví
dụ đầy đủ về mọi người trong thế giới, nhưng nó không phải là sự hiểu
sai về thực tế, nó chỉ đơn thuần lựa chọn những người chúng ta yêu
thích. Chú ý có chọn lọc và trí nhớ có chọn lọc là những cách tương tự
để sàng lọc những thông tin tiêu cực và tạo ra một môi trường tốt hơn.
Ngay cả nếu những ảo tưởng tích cực trong nhiều trường hợp là sự lừa dối
bản thân ( self-deception ) thì chúng vẫn có giá trị mang tính thích
nghi.

Tuy nhiên, sử dụng quá mức những ảo tưởng tích cực có thể có hại, vì
chúng bóp méo thực tế hơn là chỉ đơn thuần diễn giải chúng theo cách
tích cực.

Tóm lại, có nhiều hoàn cảnh mà ở đó những ảo tưởng tích cực là có lợi;
nhưng trong những hoàn cảnh khác thì có hại. Nói chung, có vẻ như một
liều lượng vừa phải của những ảo tưởng tích cực ( được gọi là sự tự đánh
lừa bản thân ) luôn luôn có ích trong việc đương đầu với cuộc sống hằng
ngày và đạt được những mục tiêu của chúng ta. Biết được chính xác về
tất cả những chi tiết tiêu cực của cuộc sống của chúng ta không phải
luôn luôn có lợi. Nhưng những ảo tưởng tích cực cũng có những hậu quả
nguy hại.