(TNO) Đêm qua (5.6), tại sân Red Bulls Arena ở thành phố Leipzig (Đức), Michael Ballack,
thủ lĩnh một thời của tuyển Đức, chính thức nói lời giã từ sân cỏ. Anh
đã tuyên bố điều này từ tháng 10 năm ngoái nhưng đến bây giờ mới có điều
kiện tổ chức một trận bóng tri ân khán giả.


Michael Ballack - Ánh sáng duy nhất trong kỷ nguyên tăm tối của Bóng đá Đức Ballack1
Ballack có trận đấu cuối tri ân khán giả - Ảnh: Sport Mail





Ballack đã giành 4 chức vô địch Bundesliga, 3 Cúp Quốc gia Đức, vô
địch Premier League và 3 FA Cup với Chelsea. Anh ghi 42 bàn trong 98
trận cho tuyển Đức và nhiều năm làm thủ quân đội bóng này. Nhưng nhiều
người vẫn xem Ballack là kẻ thất bại.

Vận rủi luôn đeo bám Ballack, anh luôn vắng mặt ở những trận quan
trọng nhất vì thẻ phạt: trận chung kết Champions League 2002 khi Bayer
Leverkusen thua Real Madrid, trận chung kết World Cup 2002 sau đó một
tháng khi tuyển Đức thua tuyển Brazil.

Rồi tiếp theo là các trận đấu buồn khác: Đức thua Ý tại hiệp phụ bán
kết World Cup 2006 trên sân nhà, Chelsea thua Manchester United sau loạt
sút luân lưu 11m ở chung kết Champions League 2008. Ở Đức, Ballack được
mô tả như "unvollendeter", tức là người không được toại nguyện.

Nhưng phải ghi nhận lại những giá trị của Ballack. Anh chẳng bao giờ
có cơ hội chơi bóng cùng với những cầu thủ tuyệt vời bây giờ như Mario
Gotze hay Marco Reus, đồng đội của anh chỉ là những cầu thủ cơ bắp như
Torsten Frings hay Carsten Jancker. Anh giống như “ánh sáng duy nhất
trong kỷ nguyên tăm tối của bóng đá Đức” nên những gì bóng đá Đức có
trong những năm đầu thập niên 2000 là nhờ đóng góp rất lớn của anh.

Liệu anh có phải chịu trách nhiệm về việc không vô địch Champions
League của Bayer Leverkusen khi họ phải đối đầu với Real Madrid của
Zinedine Zidane, Luis Figo, Raul? Liệu anh có lỗi trong cú trượt chân
trên chấm 11m của John Terry ở Moscow năm 2008? Dĩ nhiên là không.

Michael Ballack - Ánh sáng duy nhất trong kỷ nguyên tăm tối của Bóng đá Đức M_Ballack1
Ballack luôn gặp vận rủi trong những trận đấu quyết định - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, những gì khủng khiếp nhất xảy ra với Ballack không phải là
các thất bại trên sân cỏ. Mà đó là sự ghẻ lạnh của những người Ballack
đã từng tin tưởng nhất, tất nhiên theo cảm nghĩ của anh.

Chuyện bắt đầu từ cú chuồi bóng của Kevin Prince Boateng khi Chelsea
gặp Portsmouth trong trận chung kết Cu1p FA 2010 khiến Ballack chấn
thương không thể dự World Cup 2010. Đức vẫn chơi tuyệt vời, vào đến bán
kết mà không cần anh.

Người ta bắt đầu nhận thấy anh bắt đầu hết thời, trở thành người
thừa. Băng thủ quân sau đó chuyển cho Philipp Lahm, thủ lĩnh tuyến giữa
chuyển qua tay Bastian Schweisteiger. Ballack tổn thương, hình thành cảm
giác của một "công thần ba triều" không được trọng dụng nữa, một cảm
giác đã từng có ở những thủ lĩnh tuyển Đức trước đó như Lothar Matthaus,
Stefan Effenberg. Anh quay ra hục hặc với HLV Joachim Loew, dù giữa họ
từng là tình bạn lớn.

Mùa hè 2011, Loew đề nghị Ballack đá một trận và thêm một trận giao
hữu giữa tuyển Đức và Brazil để chia tay Ballack với tuyển Đức, cũng là
để anh đạt đến con số 100 lần khoác áo đội tuyển. Ballack gọi đó là “trò
hề” vì trận giao hữu Đức - Brazil được lên kế hoạch từ năm 2010 và đó
không phải là trận “thiết kế” riêng cho anh.

Nhẽ ra, anh phải cảm nhận được với thời thế, tuyên bố giã từ đội
tuyển trước để tìm cái kết đẹp trước người hâm mộ, thay vì bị “ép” rời
đội tuyển theo cách như vậy. Nhưng cũng thông cảm cho Ballack, không
phải ai cũng đủ sáng suốt để tìm cho mình một sự kết thúc hoàn hảo.

Trận đấu chia tay anh đêm qua được tổ chức tại Leipzig, một thành phố
ở Đông Đức, nơi anh sinh ra và chơi bóng ở đó đến mãi tận năm 1997, chứ
không phải ở Berlin, Munich. Đó là trận giữa đội “Ballack &
Friends” và đội “World XI” với sự góp mặt của nhiều cựu cầu thủ Chelsea
cùng HLV Jose Mourinho. Chelsea tuy là nơi anh đã thi đấu 4 mùa bóng
nhưng không phải nơi thân thiết nhất trong sự nghiệp của anh. Điều đó
cho thấy Ballack vẫn còn giận bóng đá Đức.

Nhưng thôi, mọi chuyện qua hết rồi. Ballack cần được tôn trọng như
một cầu thủ đặc biệt, “ánh sáng duy nhất trong kỷ nguyên tăm tối của
Bóng đá Đức”.