Hàng trăm học sinh ê a đọc đồng thanh từng chữ trong tài liệu có sẵn, đi học không cần mang giấy bút, xen kẽ giữa những lúc học là ca hát, biểu diễn văn nghệ... Đó là những cảnh vẫn diễn ra ở đây hàng ngày.
Như chúng tôi đã thông tin, tại một trung tâm luyện thi đại học ở Hà Nội, hơn 900 học sinh chen chúc đến nghẹt thở trong một phòng học suốt nhiều giờ đồng hồ. Người viết bài đã tham gia từ đầu đến cuối một buổi luyện thi môn Văn tại “lò” này để trực tiếp trải nghiệm nỗi vất vả của các em học sinh và chứng kiến một số điều lạ lùng ở đây.

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Một lớp luyện thi đại học môn Văn ở Hà Nội chật cứng học sinh.
Đi luyện thi không cần mang giấy, bút

Lẽ thông thường, đi học thì phải mang giấy và bút để ghi chép. Nhưng tại lớp luyện thi đại học môn Văn này, một điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là đa số học sinh đi học… tay không.

Thắc mắc của chúng tôi nhanh chóng được giải đáp sau khi chen chân đươc qua các “cửa ải” để vào lớp học. Ngay bên ngoài phòng học ở tầng 5, những người của trung tâm luyện thi kê một chiếc bàn xếp đầy các tài liệu photo để bán cho học sinh. Các tài liệu này gồm các bộ đề theo cấu trúc đề thi đại học và phần văn mẫu chi tiết các bài văn trong sách giáo khoa. Giá bán của mỗi tài liệu (một đề văn hoặc một bài văn mẫu) từ 3.000 – 5.000 đồng, tùy độ dày.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu như tất cả học sinh khi vào đây học đều mua tài liệu này. Những hôm có nhiều tài liệu, mỗi học sinh có thể phải bỏ đến vài chục nghìn đồng để mua hết. Sau các màn chen lấn nhau ở cổng, ở bàn soát vé, hàng trăm học sinh lại một phen khổ sở để cố mua được tài liệu trước giờ vào học.

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Nhân viên trung tâm luyện thi vào tận nơi bán tài liệu cho học sinh.
Và khi vào giờ học, thay vì nghe giáo viên giảng và học sinh ghi chép như cách thông thường, những tài liệu này được mang ra sử dụng để học sinh theo dõi bài giảng của cô – nghĩa là cô giáo sẽ giảng lại y hệt những gì đã được ghi trong tài liệu.

Như chúng tôi đã phản ánh ở bài viết trước, trong phòng học chỉ rộng chừng 200m2 mà có tới hơn 900 học sinh, đến mức muốn cựa mình cũng khó khăn, nhiều em còn không có bàn hay phải ngồi bệt dưới sàn để nghe giảng, thì nếu có mang giấy, bút đi cũng sẽ khó có thể ghi chép gì được.

Hàng trăm học sinh ê a đọc bài học thuộc lòng

Người viết bài tiếp tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi bắt đầu tham gia buổi giảng văn tại lò luyện thi này.

Việc học sinh không mang giấy, bút ghi chép và phải mua các tài liệu in sẵn để học đã được giải thích ở trên. Sau đó, phương pháp giảng bài và học bài lạ lùng tại lớp học có lẽ sẽ khiến không ít người ngạc nhiên. Đó là cảnh tất cả học sinh trong “lò” đồng thanh đọc ê a các nội dung đã được ghi sẵn trong các tài liệu các em vừa mua.
Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Nhiều học sinh phải ngồi ngoài hành lang, ngóng cổ vào trong lớp để nghe giảng.

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Không riêng lớp Văn, ở nhiều lớp luyện thi khác ở trung tâm này, học sinh cũng phải ngồi ngoài hành lang để học.
Cô giáo yêu cầu các học sinh đọc đi đọc lại nhiều lần các nội dung bài học, các câu chữ trong các bài văn mẫu không sai một từ, một chữ. Theo cách dạy của cô giáo này, học sinh không cần phải tư duy hay tự sáng tạo trong bài văn của mình mà chỉ cần học thuộc lòng toàn bộ những gì cô đã viết mẫu, khi đi thi gặp đúng bài này thì cứ thế mà viết ra.

Khung cảnh 900 học sinh đồng thanh đọc to nhiều lần từng câu văn sẽ khiến nhiều người liên tưởng tới cảnh các em học sinh tiểu học đang ê a đánh vần hay học thuộc lòng những lời cô giáo nói.
Mỗi khi học sinh đọc nhỏ, không đều hoặc không trôi chảy, cô giáo lại yêu cầu đọc lại. Trong cái nóng của lò luyện thi chật cứng người, nhiều em học sinh phải gân cổ, mặt đỏ tía tai đọc bài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lớp học văn của cô giáo tại “lò” có tất cả gần 2.000 học sinh nên phải chia thành hai ca học sáng – chiều. Mỗi tuần cô giáo sẽ dạy hàng ngàn học sinh theo phương pháp như trên trong 3 ngày. Với phương pháp bắt học sinh học vẹt như vậy, các em có thể nhớ được hết tất cả những ý văn hay? Hay có thể kì thi đại học tới sẽ có hàng ngàn bài văn giống hệt nhau đến từng từ từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy?

Một điều khá lạ lùng nữa là đa phần học sinh trong lớp học tỏ ra khá hào hứng với phương pháp dạy này của cô giáo. Một học sinh (xin giấu tên) cho biết: “Đi học lớp đông như thế này nên không phải ghi chép, có tài liệu sẵn để học thuộc lòng là em thích rồi. Học vẹt cũng được, chỉ cần đi thi đại học được điểm cao, thi xong quên hết cũng chẳng sao. Với lại ngồi trong lớp nóng lắm, đọc thế này cũng đỡ buồn ngủ”.

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Cách đọc đồng thanh cũng không thể giúp học sinh này tỉnh ngủ.
Theo quan sát, học sinh hào hứng đọc to trong khoảng thời gian đầu của buổi học. Khi đến gần trưa, lúc đã thấm mệt vì nóng và đói, nhiều em học sinh không còn sức hòa cùng “dàn đồng ca” nữa. Thỉnh thoảng, khi học sinh vừa đọc xong, cô giáo bất chợt hỏi lại nội dung các em học sinh vừa đọc như cháo chảy cách đó không lâu, rất nhiều học sinh ú ớ không trả lời được, phải giở lại tài liệu để xem.

Cô say mê kể chuyện, cho học sinh hát, chơi trò chơi

Một ca học chính thức (không tính thời gian chờ đợi) kéo dài cả buổi, từ 7h30 sáng đến gần 12h trưa và chỉ nghỉ giải lao giữa giờ 10 phút. 

Xen giữa các phần “nội dung chính” - cô giáo giảng lại những thứ đã ghi trong tài liệu bán sẵn và học sinh đồng thanh đọc theo – là những màn biểu diễn văn nghệ của cô giáo và một số học sinh. Nhiều lúc, đang giảng văn, cô giáo đột ngột cao hứng chuyển sang kể chuyện, hay truyền đạt những kinh nghiệm ứng xử trong cuộc sống.

7h30, cô giáo đến lớp. Mất khoảng 10 phút để cô giáo len qua một rừng học sinh tiến đến khu bục giảng và ổn định trật tự. Nhưng sau đó, cô giáo không bắt đầu vào nội dung bài giảng ngay mà dùng đến nửa tiếng đồng hồ để kể khá nhiều chuyện ngoài lề: “cô vừa phải vào viện tiêm thuốc để đến đây dạy các em”, rồi kể chuyện cô đã miễn phí tiền học cho vài chục em học sinh trong lớp, hay chuyện đã có những học sinh làm cô buồn khi “hỏi vay tiền cô”…

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Những câu chuyện ngoài lề của cô luôn được học sinh hưởng ứng thích thú...

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Lúc này, cô giáo đang cho học sinh chơi trò chơi.

Một hoạt động văn nghệ trong lớp luyện thi đại học.

Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với cách dạy xen lẫn vui chơi, giải trí này của cô giáo. Các em học sinh lý giải rằng, “vì cô giáo dạy hay lại nhiệt huyết, máu lửa trong khi giảng bài, và biết tạo sự thoải mái cho học sinh trong giờ học nên dù chen chúc nhưng tụi em vẫn thích học cô”.

Đến phần biểu diễn văn nghệ, nhiều học sinh hào hứng tham gia và có cả những màn thể hiện tình yêu của các bạn này với người yêu cũng đang học trong lớp.

Tuy nhiên, khi biết thông tin hơn 900 học sinh bị nhồi chật ních trong lò luyện thi và suốt hơn 4 tiếng mệt mỏi không hoàn toàn dành cho việc học, một phụ huynh đang có con học tại đây nghi ngại: “Khi cháu nói trung tâm này dạy tốt lắm thì tôi đồng ý cho cháu đi học, chứ không hình dung là chừng ấy học sinh phải chen chúc nhau trong một cái phòng giữa trời nóng thế này. Học liên tục cả buổi mấy tiếng là quá mệt rồi, tôi không đồng ý với việc cô giáo vừa dạy vừa kể chuyện, ca hát. Sắp thi rồi, sức khỏe là rất quan trọng. Nếu không dạy hết cả buổi thì chỉ dạy 2 tiếng thôi, còn để các cháu có thời gian nghỉ ngơi ở nhà cho khỏe chứ”.

Cách dạy lạ ở lò luyện thi chật cứng 900 học sinh Cach-day-la-o-lo-luyen-thi-chat-cung-900-hoc-sinh
Những học sinh này đội nắng đứng đợi để vào chiếm chỗ đẹp ngay khi lớp học buổi sáng tan.
Gần 12h, kết thúc ca học văn buổi sáng, hàng trăm học sinh lại chen lấn nhau để ra về, cầu thang lại chật cứng. Nhiều em không được về nhà mà lại tất bật chuẩn bị “tranh chỗ” ở lớp luyện thi môn khác. Dù ca học chiều 13h mới bắt đầu, giờ mới gần 12h, nhưng bên ngoài cổng trung tâm luyện thi, rất nhiều học sinh đã đội nắng đứng chờ từ lâu để sẵn sàng ào vào “chiếm chỗ đẹp” khi các học sinh học ca sáng vừa ra hết…