Lần đầu tiên trong hơn 130 năm lịch sử, Man City xuất phát với một đội hình hoàn toàn không có cầu thủ nào thuộc Vương quốc Anh, sau khi Joe Hart bị HLV Pellegrini “trảm” ở trận gặp Norwich. Có vẻ như thời của các cầu thủ Anh tại sân Etihad đã tới hồi kết.
Hart bị "trảm", người Anh hết đất ở Man City? Hartmancenglish1
Richards, Milner, Barry và Hart, tất cả đều đã đánh mất vị thế tại Etihad
Đầu những năm 2000, Man City được sở hữu bởi David Bernstein và John Wardle. Với tiềm lực tài chính chỉ ở mức “làng nhàng”, Citizens luôn phải ưu tiên chiêu mộ những ngôi sao “quá đát” (như Peter Schmeichel, Steve McManaman, Andy Cole, David James hay Robbie Fowler), hoặc những cầu thủ “giá bèo”, những bản hợp đồng cho mượn.

Với chính sách ấy, lò đào tạo Man xanh cũng từng cho ra đời những tài năng trẻ sáng giá. Joey Barton, Shaun Wright-Phillips, Micah Richards hay Joe Hart… đều là những cầu thủ Anh xuất thân từ đội chủ sân City of Manchester (hiện tại là Etihad). Những bước chạy thần tốc của Wright-Phillips khi ấy từng là chỗ dựa của hàng công Man City, đặc biệt là dưới triều đại Stuart Pearce.

Hart bị "trảm", người Anh hết đất ở Man City? Wright-phillipsmanc1
Shaun Wright-Phillips
Mùa 2007/08, Thaksin Shinawatra mua lại đội bóng áo xanh thành Manchester. Cùng trong năm đó, lò đào tạo Citizens tiếp tục “xuất xưởng” thêm Daniel Sturridge, Nedum Onuoha và Michael Johnson. Cùng với Darius Vassell, Richards và Hart, người Anh vẫn là “xương sống” của lực lượng Man City. Cho tới khi Thaksin nhượng quyền sở hữu CLB lại cho các ông chủ A-rập.

Giai đoạn đầu, khi mới “đánh chiếm” xong Man City, người Trung Đông vẫn còn trung thành với chính sách mua cầu thủ Anh song song với “sao” thế giới. Bên cạnh Robinho, Vincent Kompany, Sergio Aguero, họ cũng đưa về James Milner, Gareth Barry và Wayne Bridge… Đội hình xuất phát của Man City khi ấy luôn đảm bảo 3 hoặc 4 vị trí là người Anh.

Nhưng trong vài mùa giải trở lại đây, khi Man City đã bắt đầu trở thành một thế lực thực sự tại Premier League, tiếng nói của người Anh trong phòng thay đồ đã ngày càng mờ nhạt. Băng đội trưởng được chuyển từ tay một người Anh (Richard Dunne) sang người Bỉ (Kompany), cùng với đó là sự xuất hiện của một chiến lược gia người Italia (Roberto Mancini) thay thế “thầy nội" (Mark Hughes).

Hart bị "trảm", người Anh hết đất ở Man City? Kompanymanc1
Đội trưởng của City là một người Bỉ
Nguyên nhân của quá trình “thay máu” người Anh tại sân Etihad có cả chủ quan lẫn khách quan. Trong khi những ngôi sao thế giới chơi ngày càng ấn tượng và góp công chính trong thành tích của Citizens (Carlos Tevez và Aguero hoàn toàn vượt trội so với Vassell hay Sturridge), thì các cầu thủ đắt giá bản địa được Man xanh đưa về như Barry, Milner hay Joleon Lescott lại ngày càng sa sút. Lối chơi quá nặng về thể lực của họ, dù được các HLV nội ưu ái, nhưng lại không phải “gu” của các ông thầy nước ngoài.

Trong hoàn cảnh đó, Joe Hart là cái tên vớt vát lại niềm tự hào Anh tại sân Etihad. Với đẳng cấp hoàn toàn vượt trội so với hai thủ môn dự bị là Costel Pantilimon và Richard Wright, Hart là cái tên không thể thay thế trong khung gỗ Citizens liên tiếp nhiều mùa giải qua. Tại ĐT Anh, nơi luôn thiếu một “người gác đền” đáng tin cậy, Hart cũng nghiễm nhiên là sự lựa chọn số một.

Thế nhưng, với việc HLV Pellegrini quyết định sử dụng Pantilimon bắt chính trận đấu với Norwich cuối tuần qua, lần đầu tiên trong lịch sử, Man City đã ra sân với một đội hình hoàn toàn vắng bóng người thuộc Vương quốc Anh. Chiến thắng ấn tượng của “đội bóng ngoại quốc” ấy trước một Norwich với 8/11 cầu thủ Vương Quốc Anh (tính cả Ireland) giống như một hồi cáo chung cho cầu thủ bản địa, không chỉ tại đội chủ sân Etihad, mà cả trên bình diện Premier League.