Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia (Mỹ) vừa xướng tên 11 vận động viên hoang dã xứng đáng nhận huy chương vàng cho những khả năng phi thường của chúng ở các nội dung như sức mạnh, tốc độ, sự nhanh nhẹn, sự dẻo dai và các khả năng khác.

1. Rái cá sông

Thành viên thuộc họ nhà chồn này sẽ là đối thủ đáng gờm trong các cuộc đua xe trượt. Rái cá nổi tiếng vì tính hiếu động, ham chơi của chúng. Chúng thích trượt lên trượt xuống các đống bùn thiên nhiên hoặc là ở những đường băng mà chúng tự làm ở các bờ sông. Trò này đối với chúng có vẻ rất vui.

2. Báo Cheetah và linh dương có gạc nhiều nhánh (pronghorn)

Báo cheetah đoạt chức vô địch ở nội dung chạy nước rút. Chúng là loài chạy nhanh nhất trên hành tinh của chúng ta với vận tốc gần 97 km/h. Tuy nhiên, vận tốc đáng kinh ngạc này không phải lúc nào cũng bảo đảm cho những “chú mèo to xác” này có được những bữa ăn như ý. Món ăn ưa thích của những vận động viên có đốm này là linh dương; tuy linh dương không chạy nhanh bằng báo cheetah nhưng sức bền và sự linh hoạt trong các cuộc rượt đuổi tốc độ cao của chúng lại hơn nhiều so với báo, vì thế mà chúng thường có thể thoát thân khỏi các tay đua cự phách này.

Có lẽ môn trượt tuyết là thích hợp nhất với những chú linh dương pronghorn có gạc nhiều nhánh này. Là loài chạy nhanh thứ 2 trên hành tinh, vận tốc cao nhất của chúng gần như là bằng với vận tốc của báo cheetah. Cũng giống như bất kỳ vận động viên đẳng cấp cao nào, việc thi đua với những đối thủ hạng nhất thường giúp chúng tiến bộ. Và đối thủ của loài linh dương này chính là báo cheetah. Mặc dù ngày nay báo cheetah chỉ còn ở châu Phi và một phần của châu Á, nhưng ngày xưa chúng đã từng sinh sống ở bắc Mỹ và công việc ưa thích của chúng là săn linh dương pronghorn. Chỉ có những con pronghorn nhanh nhất mới có thể thoát khỏi cheetah; trải qua nhiều thế hệ, loài linh dương này đã tiến hóa với vận tốc xếp ở hạng thứ 2.

3. Linh miêu và thỏ rừng (snowshoe hare)


Cả 2 loài trên đều có khả năng di chuyển trong tuyết dày rất tốt. Sở hữu những bàn chân lớn là một lợi thế giúp chúng có thể lướt đi nhẹ nhàng trên mặt băng. Thỏ rừng có lợi thế với màu lông trắng tiệp với môi trường xung quanh vào mùa đông (chúng thay lông trắng vào mùa đông); tuy nhiên lợi thế này không phải lúc nào cũng giúp chúng thoát khỏi sự nhanh nhẹn, thị lực, thính giác và khả năng đánh hơi siêu đẳng của linh miêu.

4. Vượn mắt to đuôi dài (Bush-baby)

Loài linh trưởng nhỏ bé này sống trên những ngọn cây. Chúng có khả năng nhảy cao siêu đẳng. Khi đi loanh quanh trong rừng kiếm mồi vào ban đêm (chúng ăn trái cây và côn trùng), loài linh trưởng này có thể nhảy những cú nhảy cao tới hơn 6 mét - dài gấp nhiều lần chiều dài cơ thể của chúng. Chúng là những vận động viên nhảy cao và nhào lộn cừ khôi, rất thích hợp với các môn thể thao tự do trên không. Ngoài ra, chúng còn có khả năng di chuyển trong bóng tối đen kịt mà không gây ra một tiếng động nào nhờ vào cặp mắt to ngoại cỡ của mình.

5. Linh cẩu đốm, chồn least (least weasel) và Tasmanian devil

Linh cẩu đốm
Hãy ghi danh những anh chàng này vào đội khúc côn cầu. Linh cẩu đốm có quai hàm cực khỏe - là vũ khí sinh tồn của chúng; và vì các vận động viên khúc côn cầu thường bị bể hàm và gãy răng trong lúc thi đấu, nên những anh chàng này có thể giúp ích cho đội của mình rất nhiều. Thật ra, linh cẩu đốm có thể ăn những phần cơ thể rất cứng của con mồi như xương, sừng, và cả răng.

Chồn least
Tuy nhiên, nếu có một cuộc thi cắn dành cho các động vật ăn thịt có vú thì chồn least mới là vận động viên có triển vọng đoạt giải cùng với sói xám, sư tử, và cả gấu panda (panda thông thường không ăn thịt mà ăn những cây tre rất cứng). Kết quả, giải vô địch nội dung “cắn” cuối cùng lại thuộc về loài Tasmanian devil – với lực cắn mạnh hơn bất kỳ loài nào trên Trái đất.

Tasmanian devil
6. Én biển Bắc cực và hải âu

Én biển Bắc cực
Ở nội dung "chạy đường dài”, một cuộc cạnh tranh sôi nổi giữa 2 loài chim biển với sức dẻo dai, bền bỉ đáng khâm phục. Én biển Bắc cực đang giữ danh hiệu là những vận động viên di cư với quãng đường dài nhất. Hằng năm, chúng di cư từ Bắc cực đến tận Nam cực rồi sau đó lại trở về. Nói cách khác là chúng đã đi từ đầu mút này đến đầu mút kia của Trái đất.

Hải âu
Và các nhà khoa học cũng đã phát hiện rằng hải âu cũng có lộ trình di cư rất ấn tượng. Chúng bắt đầu từ New Zealand và kết thúc ở bắc Thái Bình Dương. Hằng năm, mỗi con hải âu phải bay gần 65 ngàn kilomet (nhưng vẫn ít hơn én biển Bắc cực với thành tích hơn 80 ngàn km).

Theo VietNamNet (Discovery)