Xét bối cảnh Syria hiện nay, Nga đang thực sự “nắm đằng chuôi” việc thực hiện thỏa thuận này và các “kế hoạch B” của các lực lượng liên quan khó có khả năng được triển khai trên thực tế.

Sau khi Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, các phương tiện truyền thông đã nhắc nhiều đến các “kế hoạch B” của các lực lượng liên quan đến xung đột Syria. Tuy nhiên, xét bối cảnh Syria hiện nay, Nga đang thực sự “nắm đằng chuôi” việc thực hiện thỏa thuận này và các “kế hoạch B” của các lực lượng liên quan khó có khả năng được triển khai trên thực tế.

Nga và Syria đang hưởng lợi từ thỏa thuận ngừng bắn

Tiến trình ngừng bắn ở Syria đang diễn ra theo kịch bản có thể lường trước được. Các bên tham gia quá trình này đang trong trạng thái chờ đợi tiến trình này sẽ sụp đổ và sẵn sàng “đe dọa nhau” bằng các “kế hoạch B” nào đó.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Nga – một trong những đối tác đảm bảo chính cho tiến trình ngừng bắn, bác bỏ mạnh mẽ. “Chúng tôi bác bỏ việc đặt ra các kế hoạch B”. Những người muốn thực hiện kế hoạch này rõ ràng là đang theo đuổi một mục đích mà ai cũng biết là phá hỏng tiến trình chính trị” - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Rizbkov nhấn mạnh.

Xét bối cảnh chiến sự hiện nay, Nga và Syria là hai lực lượng được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận ngừng bắn. Moscow và Damascus hầu như đã chia nhỏ được các lực lượng phiến quân để tiến hành đàm phán với từng lực lượng.

Hàng trăm nhóm phiến quân vũ trang bất hợp pháp đã ngừng các hành động tấn công vào chính quyền trung ương Syria để đổi lấy việc không bị lực lượng Syria và Nga tấn công. Nếu như quy chế ngừng bắn bị phá vỡ, lực lượng Quân chính phủ Syria dưới sự yểm trợ của lực lượng không quân Nga vẫn có thể quay lại thời kỳ tấn công mạnh mẽ vào lực lượng này.

Hơn nữa, khi các chiến dịch quân sự của lực lượng Nga và Syria ngày càng thành công thì sẽ ngày càng có nhiều nhóm phiến quân ngừng các hành động tấn công vào quân Syria để bảo toàn mạng sống cho mình.

Trên thực tế, phe đối lập Syria hoàn toàn không có bất cứ “kế hoạch B” nào. Đối với lực lượng này, thỏa thuận ngừng bắn có thể coi là công cụ thể lực lượng này tạm thời duy trì được quy chế nguyên trạng đối với khu vực lãnh thổ đang chiếm giữ chứ không tạo ra các cơ hội để củng cố lực lượng và bổ sung quân số.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Nga “nắm đằng chuôi”, hết cửa cho “kế hoạch B” Obama__Assad__Putin

Phe đối lập Syria không có được ê kíp chỉ huy thống nhất, không có được các nguồn lợi dự bị và không được Moscow, Damascus và Tehran coi là các lực lượng độc lập. Các lực lượng này chỉ có cơ hội giữ phần lãnh thổ đã chiếm đóng trong trường hợp nếu như thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út bắt tay triển khai thực hiện “kế hoạch B”. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các lực lượng này cũng sẽ không thể có được “kế hoạch B” này.

Không “còn cửa” cho “kế hoạch B” của cả Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

Về phía Ả Rập Xê Út, đại diện của El-Riyadh là bên lớn tiếng cáo buộc Moscow vi phạm Thỏa thuận ngừng bắn, cũng như nói nhiều hơn tất cả các bên về một “kế hoạch B” nào đó của riêng mình.

Theo giới phân tích, “kế hoạch B” được Ả Rập Xê Út đề cập đến ở đây là khả năng nước này sẽ đưa lực lượng quân sự của mình vào khu vực lãnh thổ đang do phe đối lập Syria kiểm soát. Vấn đề là ở chỗ hiện Ả rập Xê Út không đủ lực lượng để có thể đưa vào Syria vì hiện nước này đang vướng vào chiến dịch can thiệp quân sự vào Yemen và đang bị sa lầy ở đó.

Tất nhiên Ả Rập Xê Út có thể lôi kéo các nước đồng minh của mình như Jordan, Ai Cập, Marocco tham gia vào chiến dịch ở Syria nhưng cho dù Ả Rập Xê Út có chi tiền tài trợ thì nhiều khả năng các nước này cũng sẽ không thực hiện theo kế hoạch của mình. Quốc vương Jordan Abdulla II hoàn toàn không muốn xuất hiện thêm một “Somali” mới gần biên giới để từ đó có thể làm mất ổn định tình hình Jordan.

Một “kế hoạch B” khác đối với Ả Rập Xê Út có thể là kịch bản cung cấp cho lực lượng phiến quân ở Syria các loại vũ khí mới. Trên thực tế, Ả Rập Xê Út đã đưa đến Syria các loại vũ khí chống tăng mới do Mỹ sản xuất, cũng như mong muốn đưa đến Syria các tổ hợp phòng không vác vai có thể đe dọa đến các máy bay Nga. Tuy nhiên, liệu Mỹ có cho phép nước này cung cấp cho lực lượng phiến quân các tổ hợp Stinger hay không mới là vấn đề cần quan tâm.

Rõ ràng, Washington sẽ phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng vấn đề này vì nếu như các tổ hợp Stinger rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan, không loại trừ các hệ thống này sẽ được sử dụng để chống lại chính các lực lượng Mỹ ở Iraq và kịch bản tồi tệ hơn là sử dụng để bắn hạ các máy bay dân sự. Nếu khả năng này xảy ra, uy tín của Mỹ nói chung và của Tổng thống Obama nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Xuất phát từ các yếu tố này, các chuyên gia cho rằng Ả Rập Xê Út trên thực tế không có bất cứ “kế hoạch B” nào. “Kế hoạch B” được nước này được đề cập đến chủ yếu là cái cớ để giành lại cho mình chút lợi thế nào đó.

Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, “Kế hoạch B” duy nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ là khả năng đưa bộ binh can thiệp trực tiếp vào Syria. Hiện có hai cản trở lớn đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu như nước này muốn đưa quân vào Syria và giải phóng Aleppo.

Thứ nhất, Nga đã công khai lên tiếng khẳng định Không quân Nga sẽ “xóa sổ” lực lượng viễn chinh Thổ Nhĩ Kỳ nếu can thiệp vào Syria.

Thứ hai, Mỹ không đưa ra bất cứ đảm bảo nào rằng sẽ ủng hộ các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Những cản trở này nhiều khả năng sẽ vẫn còn tồn tại ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ. NATO sẽ không ủng hộ các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ vì nếu ủng hộ, NATO sẽ phải đối mặt với khả năng đối đầu trực tiếp với Nga. Trong khi đó, người Mỹ cũng đã thể hiện rõ quan điểm rằng không muốn phía Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào các lực lượng người Kurd.

Người Mỹ hiện vẫn đang theo đuổi khả năng sẽ biến người Kurd thành các lực lượng đối tác tin cậy của mình ở miền Bắc Syria. Đây có thể coi là “Ranh giới đỏ” đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà nước này không nên vượt qua.

Thỏa thuận ngừng bắn Syria: Nga “nắm đằng chuôi”, hết cửa cho “kế hoạch B” Erdogan__Obama
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Mỹ Obama (Trái)

Thổ Nhĩ Kỳ có thể được Mỹ “làm ngơ” trước các hành động như đe dọa, cung cấp vũ khí cho các lực lượng phiến quân, bắn pháo từ lãnh thổ của mình vào lực lượng người Kurd và quân đội Syria. Tuy nhiên, chắc chắn Mỹ sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào lãnh thổ miền Bắc Syria.

Nếu như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn “phớt lờ” các cảnh báo của Mỹ thì cuộc phiêu lưu của Erdogan ở Syria nhiều khả năng sẽ kết thúc bằng những thất bại ê chề, hạ thấp uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ nói chung và cá nhân ông Erdogan nói riêng.

Liên quan đến “kế hoạch B” của Mỹ, một số chuyên gia phân tích nhận định rằng Mỹ thực sự có phương án dự phòng này. Một số chuyên gia phân tích tin tưởng rằng nếu như thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ, Washington sẽ hành động theo sơ đồ chia cắt Syria thành 4 lực lượng: phe đối lập, lực lượng IS, Quân đội Tổng thống al-Assad và các lực lượng người Kurd. Tuy nhiên, việc thực hiện sơ đồ này sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.

Thứ nhất, phương án này sẽ bị chính một số đồng minh của Mỹ phản đối như Jordan, Israel (các quốc gia không muốn có các lực lượng hồi giáo gần biên giới của mình) cũng như Thổ Nhĩ Kỳ (việc thành lập nhà nước Kurdistan đối với Thổ Nhĩ Kỳ thực sự là thảm họa).

Thứ hai, Mỹ không có đủ lực lượng để đảm bảo khả năng phân rã này vì Syria không phải là Serbia, còn V.Putin, Rouhani và al-Assad không phải là Tổng thống Eltsin.

Cho dù có “kế hoạch B” nhưng rõ ràng “kế hoạch B” của Mỹ không phải là khả năng can thiệp vào Syria. Mỹ có đủ khả năng để xúi giục đưa lực lượng của Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đến Syria để phát động chiến dịch quân sự trên bộ nhưng rõ ràng Mỹ không muốn thực hiện kế hoạch này để tranh đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, cũng như không làm phá vỡ thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran, và nhất là không muốn làm hại đến uy tín của đảng Dân chủ trước các cuộc tranh cử vào ghế Tổng thống Mỹ năm 2016.

Như vậy, “kế hoạch B” của Mỹ trên thực tế không có cơ sở nào để hy vọng. Cũng giống như giai đoạn các cuộc cách mạng “Mùa xuân Ả Rập”, Mỹ không có một chiến lược rõ ràng mà vẫn hay phải dựa vào các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Xê Út.

Trong khi đó, Nga vẫn đang có nhiều lợi thế buộc Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện bước đi nào đó nhằm phá vỡ thực trạng hiện nay ở Syria.

Từ bối cảnh trên, các chuyên gia phân tích cho rằng cho dù thỏa thuận ngừng bắn ở Syria có vẻ mong manh và có nguy cơ bị phá vỡ bất cứ lúc nào nhưng Nga hiện đang nắm những quân bài quan trọng nhất để có những bước đi chủ động tiếp theo đối với giải quyết tình hình Syria.