Việc bấm "like" tất cả bài đăng của bạn bè, hội nhóm hay bài quảng cáo sẽ giúp hacker tận dụng để khai thác thông tin cá nhân của người dùng Facebook.

'Like dạo' trên Facebook nguy hiểm thế nào? 3a-3978-1457338906

Thủ thuật mà nhiều tội phạm mạng sử dụng có tên “like-farming”. Like-farming là hành động các hacker đăng những dòng "tít" có nội dung giật gân lên Facebook với mục đích thu hút càng nhiều lượt like và chia sẻ càng tốt.

Dựa trên cách thức hoạt động của Facebook, nếu nhiều bạn bè của bạn like và chia sẻ một bài đăng nào đó, khả năng cao là nó sẽ xuất hiện trên News Feed của bạn bè. Sau khi bài đăng nhận được một lượng like và chia sẻ nhất định, hacker sẽ thay đổi nội dung của nó và chèn vào những phần mềm gián điệp hoặc link download chứa virus. Một khi người dùng ấn vào link này, virus sẽ lấy đi những thông tin cá nhân nhạy cảm trên máy họ.

Theo các chuyên gia, điều nguy hiểm là những phần mềm gián điệp như vậy có thể lấy đi không chỉ những thông tin về tên tuổi, ngày sinh, địa chỉ email mà thậm chí còn cả tài khoản ngân hàng. Nhưng người dùng lại không hề hay biết về điều này.

'Like dạo' trên Facebook nguy hiểm thế nào? 51276853-4868-1457338906
Những nội dung câu "like" thường có tính chất xúc động hoặc kêu gọi like để trúng thưởng.

Những bài đăng mang tính chất xúc động trên Facebook là một trong những thủ đoạn phổ biến của hacker. Ví dụ chuyện về trẻ em nghèo, người khuyết tật, tai nạn giao thông thảm khốc hay những con thú bị đối xử tàn nhẫn. Để câu like và lượt chia sẻ, những câu chuyện này thường đi với dòng trạng thái như "Hãy like và share nếu bạn đồng cảm".

Một trong những dạng bài đăng khác mà bạn cần chú ý là trúng thưởng. Các tổ chức, công ty có thể yêu cầu bạn like, chia sẻ bài đăng lên dòng thời gian và sau đó bạn sẽ có cơ hội nhận quà, ví dụ một chiếc iPhone 6s. Gần đây, người dùng Facebook tại Việt Nam bị lừa bởi một fanpage có tên Mercedes-Benz 2016. Trang này hứa tặng 2 chiếc xe dòng E Class 2016 trị giá từ 2 đến 2,8 tỷ đồng, việc của người dùng là bấm nút Like trang này, comment màu sắc yêu thích và chia sẻ tấm hình lên tường. Trang này còn cho biết, họ sẽ bốc thăm ngẫu nhiên và trao quà vào ngày 8/3. Tuy nhiên, bộ phận Truyền thông Mạng xã hội của Mercedes-Benz nói đây không phải là chương trình của họ và khuyến cáo người dùng nên cẩn trọng chia sẻ thông tin trên các kênh trực tuyến. 

Ngoài ra, hacker cũng có thể tạo lập những fanpage "ma" để giăng bẫy like-farming. Một khi bạn thích trang Facebook nào đó, những bài đăng mới của trang sẽ hiện lên News Feed của bạn, và thậm chí những bạn bè khác.

Cách tốt nhất để tự bảo vệ mình trước nguy cơ đến từ like-farming ngừng việc like tất cả bài đăng trên Facebook. Hãy dành thời gian để tìm hiểu bài đó đến từ đâu, được đăng tải bởi ai hoặc fanpage nào. Nếu nội dung hứa hẹn việc like và chia sẻ sẽ đem đến cho bạn một món quà, rất nhiều khả năng đó là cái bẫy của hacker.

Ngừng thói quen “like dạo” không những giúp bạn bảo vệ an toàn cho bản thân. Nó còn giúp bảo vệ an toàn cho người khác, bởi lẽ những bài đăng có tính chất scam sẽ không còn cơ hội lan truyền đến News Feed của cộng đồng.

Nguyễn Mai Đức