Nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ được đánh giá sẽ là một mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.

"Hiểm họa toàn cầu" Donald Trump 23a_MOHE




Tranh cãi giữa người ủng hộ ông Trump và phe phản đối - Ảnh: Reuters 
Như thường lệ, bộ phận tổng hợp phân tích thông tin The Economist (EIU), trực thuộc Công ty truyền thông The Economist Group - Tập đoàn sở hữu tạp chí The Economist, đã công bố báo cáo phân tích cập nhật những nguy cơ đe dọa toàn cầu trong năm 2016. Đáng lưu ý, viễn cảnh ứng viên dẫn đầu và gây tranh cãi của đảng Cộng hòa - tỉ phú Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ đã được xếp hạng gây nguy hiểm đối với thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên một ứng cử viên tổng thống Mỹ bị xem là mối đe dọa toàn cầu nếu đắc cử. 
Ngang ngửa khủng bố
Được chấm điểm 12/25, việc ông Trump thắng cử có thể tạo ra tác động tệ hại đối với nền kinh tế toàn cầu, làm gia tăng các đợt khủng bố của Hồi giáo cực đoan và kích động chiến tranh thương mại với Mexico và Trung Quốc, theo đánh giá của EIU. Với số điểm 12, ông Trump xếp ngang hàng với hiểm họa đến từ nguy cơ gia tăng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan.
EIU đã đưa ra một số nguyên nhân, bao gồm thái độ thù địch của ứng viên Trump đối với mậu dịch tự do, cáo buộc Trung Quốc là “kẻ lũng đoạn tiền tệ”, giọng điệu ủng hộ giết hại gia đình của các thành viên khủng bố, đề xuất đưa bộ binh đến Syria để đánh nhau với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và giành quyền kiểm soát các giếng dầu dồi dào của quốc gia Trung Đông.
Đây cũng là lần đầu tiên EIU nhận định một ứng viên tổng thống Mỹ là mối đe dọa toàn cầu. “Xu hướng quân phiệt của ông ấy đối với Trung Đông (và động thái muốn cấm mọi hoạt động đi lại của các tín đồ Hồi giáo đến Mỹ) có thể trở thành công cụ tuyển mộ đầy thuyết phục cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, từ đó cho phép chúng đủ sức vươn vòi đe dọa khắp khu vực và xa hơn nữa”, theo EIU. 
Mặc dù không cho rằng ông Trump có thể đánh bại được đối thủ tiềm năng nhất của đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton, EIU thận trọng đánh giá “có những rủi ro đối với dự báo này, đặc biệt khi xảy ra một vụ tấn công khủng bố trên đất Mỹ hoặc sự đảo chiều đột ngột về kinh tế”.
Trong một ví dụ mới nhất cho thấy mức độ đáng sợ của ứng viên đang dẫn đầu đường đua của đảng Cộng hòa, ông Trump ngày 16.3 cảnh báo những người ủng hộ mình sẽ gây bạo loạn trên toàn nước Mỹ nếu ông không được đề cử tranh chức tổng thống tại đại hội đảng ở Cleveland vào tháng 7 tới. 
“Tôi cho rằng Mỹ sẽ chứng kiến bạo loạn nổ ra. Tôi đại diện cho rất nhiều triệu người”, theo Đài CNN dẫn lời ông Trump. Tỉ phú Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo lạnh gáy trên trong bối cảnh ngày càng có nhiều cuộc biểu tình phản đối từ những nhóm nhà hoạt động cánh tả, dẫn đến phản ứng dữ dội hơn từ những người ủng hộ ông Trump. 
Theo ABC News, thành phố Cleveland đang nỗ lực vận động trang bị thêm 2.000 bộ trang bị chống bạo động cho các sĩ quan cảnh sát, chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc chiến” vào tháng 7.
Biển Đông và Trung Quốc
Báo cáo của EIU cũng nêu bật quan ngại về âm mưu bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông đang đẩy khu vực vào nguy cơ xung đột vũ trang. Kể từ năm 2014, thế giới liên tục đưa ra các báo cáo về hoạt động nạo vét của các tàu Trung Quốc tập trung vào mục tiêu biến các bãi đá ở Biển Đông thành đảo nhân tạo, và trong một số trường hợp, xây dựng thành các căn cứ quân sự phục vụ cho mục đích phi pháp của nước này.
EIU cũng chỉ ra vào năm 2015, Trung Quốc dường như tập trung chủ yếu vào Trường Sa, nhưng đến tháng 2.2016, các báo cáo mới cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa đất đối không tại Hoàng Sa. 
EIU nhận định rằng với việc Trung Quốc đẩy mạnh các tranh chấp tại Biển Đông và những vùng biển khác, như Hoa Đông, hành vi ngày càng trắng trợn của nước này sẽ đẩy khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang, từ đó làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố hoặc tính toán sai lệch có thể dẫn đến leo thang xung đột trên diện rộng.
EIU tổng kết tình hình tại Biển Đông đang căng thẳng đến mức nếu tình trạng trở nên tồi tệ hơn, các mối quan hệ kinh tế nội vùng có thể bị tổn thất nghiêm trọng, và tăng nguy cơ làm gián đoạn các dòng chảy thương mại thế giới, đồng thời lan tỏa quan điểm tiêu cực gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Quote:
10 nguy cơ toàn cầu
1. Kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng” (tình trạng một nền kinh tế chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp rồi đến suy thoái).
2. Sự can thiệp của Nga vào Ukraine và Syria báo hiệu một cuộc “Chiến tranh lạnh” mới.
3. Sự bất ổn về tiền tệ lên đến đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng nợ của các nền kinh tế mới nổi.
4. Bị bao vây bởi các áp lực từ bên trong và bên ngoài, EU bắt đầu rạn nứt.
5. Việc Hy Lạp rời khu vực sử dụng đồng euro sẽ kéo theo sự sụp đổ của khối này.
6. Donald Trump thắng cử tổng thống Mỹ.
7. Nguy cơ gia tăng của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu.
8. Dân Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu.
9. Âm mưu bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông đẩy khu vực vào nguy cơ xung đột vũ trang.
10. Đầu tư giảm sút trong lĩnh vực dầu mỏ kéo theo cú sốc về giá dầu tương lai.