Ngôi trường 5 lần được Bác Hồ đến thăm 5-1_opt_FHIQ

Thầy và trò Trường ĐHCĐ báo công về công tác dạy và học trước tượng đài Bác Hồ trong khuôn viên trường. Ảnh: H.A

LTS: Trường Đại học Công đoàn (ĐHCĐ) ngày nay có tiền thân là lớp đào tạo Cán bộ Công vận đầu tiên, khai giảng ngày 15.5.1946 tại đình Khuyến Lương (thôn Khuyến Lương, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông - nay thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Năm 1950, sau khi tổ chức Đại hội Công đoàn (CĐ) Việt Nam lần thứ I, trường mang tên Trường CĐ Hoàng Quốc Việt, năm 1954 đổi tên thành Trường Cán bộ CĐ, năm 1961 đổi tên thành Trường CĐ T.Ư, năm 1981 đổi thành Trường Cao cấp CĐ và ngày 19.5.1992 chuyển thành Trường Đại học CĐ. Ngay khi hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc dân, trường tích cực mở rộng quy mô đào tạo và trở thành trường đa ngành, đa cấp. Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập trường, Báo Lao Động xin trân trọng giới thiệu bài viết về Trường Đại học CĐ.

Giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo


Qua 4 năm thực hiện Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (2011-2015), Trường ĐHCĐ đã triển khai thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ mới trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động của mỗi cán bộ, giảng viên. Ban chỉ đạo cuộc vận động phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, xây dựng các tiêu chí cụ thể và sát thực cho cán bộ, đảng viên, CNV và sinh viên. Nhà trường đã gắn chặt việc thực hiện cuộc vận động với các nội dung cụ thể phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng khoa, phòng, bộ môn trong nhà trường như thực hiện quy chế chuyên môn; chấp hành nội quy nền nếp giảng dạy, học tập; ý thức tổ chức kỷ luật trong công tác, trong học tập rèn luyện; cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm chống tham ô lãng phí…

Bà Mai Thị Dung - Phó Trưởng khoa Lý luận chính trị - cho biết, quá trình thực hiện cuộc vận động tác động tích cực đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, CNV về cả tư tưởng và hành động. Mỗi người đều tự giác nâng cao hơn chất lượng giảng dạy, thực hiện tốt quy chế chuyên môn, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đặc biệt là rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức của giáo viên. Bà Dung tâm sự, mỗi cán bộ, giảng viên, CNV và sinh viên của trường đều tự hào vì khi sinh thời Bác Hồ quan tâm đến trường - đó vừa là động lực nhưng cũng là mục tiêu phấn đấu cho mỗi cá nhân khi tham gia Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Mỗi bức ảnh trước tượng đài Bác Hồ là động lực vươn lên


Đã thành truyền thống, từ khi tượng đài Bác Hồ được xây trong khuôn viên Trường ĐHCĐ, trước mỗi lễ khai giảng, bế giảng hay trước mỗi hoạt động, cán bộ, giảng viên, sinh viên đều làm lễ dâng hương, báo công với Bác. Đối với cán bộ, giảng viên, CNV, đây vừa là sự tri ân, vừa là lời hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ với Bác. Còn với mỗi sinh viên, như Nguyễn Tri Phương - sinh viên năm thứ 2 khoa CĐ - chia sẻ: “Mỗi khi được chụp ảnh trước tượng đài Bác, được báo cáo với Bác trước mỗi chuyến đi làm tình nguyện không chỉ là niềm tự hào, mà còn như một sự động viên to lớn để chúng em học tập tốt hơn, làm tốt hơn công việc của mình”. Sinh viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được nhà trường cụ thể hóa trong việc vận động sinh viên tiết kiệm điện, dành nhiều thời gian hơn cho học tập. Theo sinh viên Nguyễn Tri Phương, nhà trường phát động trong toàn trường về tiết kiệm, đặc biệt là tiết kiệm về thời gian lên lớp và làm việc, tiết kiệm phương tiện làm việc, cũng như tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình. Từ đó, mỗi sinh viên thường xuyên nhắc nhở nhau trên lớp và trong sinh hoạt về việc tiết kiệm, chăm chỉ, hành động đúng mực.

Qua học tập, cán bộ, đảng viên, CNV và sinh viên trong toàn trường đều nâng cao nhận thức, tạo bước chuyển biến về tư tưởng, hành động, dần trở thành những chuẩn mực về nếp sống, đồng thời giúp mỗi cán bộ, đảng viên, CNV và sinh viên xác định rõ tránh nhiệm của cá nhân.

Báo cáo kết quả thực hiện “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011-2015 của Đảng ủy Trường ĐHCĐ nêu rõ: “Cuộc vận động đã giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát triển các ngành đào tạo, các cấp đào tạo; mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), gắn NCKH phục vụ sát thực vào việc giảng dạy, học tập của nhà trường; tăng cường các biện pháp quản lý; nâng cấp cơ sở vật chất…”.