Việt Nam Nên Bỏ Chế Độ Hộ Khẩu 4chot_de635
Hệ thống hộ khẩu không còn phù hợp với một xã hội hiện đại vì gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội cho rất nhiều người dân.

Hệ thống hộ khẩu không còn phù hợp với một xã hội hiện đại vì gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội cho rất nhiều người dân, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hôm nay, 16/6.

“Hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng về cơ hội cho người dân Việt Nam,” ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết tại hội thảo Công bố báo cáo nghiên cứu hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tiến hành.

Ông nói: “Cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam.”

Báo cáo cho biết có ít nhất 5,6 triệu người tại địa bàn khảo sát hiện không có hộ khẩu thường trú ở nơi họ cư trú, và chỉ đăng ký tạm trú, trong đó có 36% dân cư ở TPHCM và 18% ở Hà Nội.

Đa số làm việc ở khu vực tư nhân, phần lớn trong lĩnh vực chế tạo, và chiếm tới ba phần tư tổng số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài ở các tỉnh, thành khảo sát là TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông.

Khả năng tiếp cận của họ tới các dịch vụ như trường học công, mua bảo hiểm y tế và thậm chí cả việc đăng ký xe máy đều bị hạn chế.

Báo cáo cho biết, trẻ em đăng ký tạm trú ít có khả năng được nhận vào học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, và một phần tư số trẻ tạm trú vẫn không có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù có chính sách trên toàn quốc về việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi mà lý do chính là do tình trạng hộ khẩu của các em.

Ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cho biết: “Ngày nay, hệ thống đăng ký hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội ở Việt Nam, vốn đang trải qua những thay đổi lớn theo định hướng đổi mới và hội nhập quốc tế.

Hệ thống này cần được thay thế bởi một công cụ hiện đại và khoa học hơn, thông qua đó tạo điều kiện dễ dàng và hòa nhập hơn cho cuộc sống người dân.”

Ông Vũ Hoàng Linh từ Ngân hàng Thế giới nhận xét, hiện chỉ còn rất ít nước như Việt Nam, Trung Quốc và vài nước thuộc Liên Xô cũ duy trì hệ thống đăng ký hộ gia đình, trong đó gắn với việc cung cấp các dịch vụ xã hội và hạn chế thay đổi nơi cư trú.

Hệ thống hộ khẩu ra đời từ 50 năm trước như là một biện pháp nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý di cư.

Theo TBKTSG