Rất nhiều những sơ đồ đã được sử dụng tại EURO lần này, từ 4-3-3 đến 4-4-2 hay 4-2-3-1. Có những người đã thành công song cũng không ít kẻ thất bại.
EURO 2016 & sự biến thiên của chiến thuật Phap
Mỗi đội bóng ở EURO lại có cách tiếp cận trận đấu khác nhau, tuỳ thuộc vào tình hình nhân sự và điều kiện của họ. Điều đặc biệt là ở EURO lần này không có một sơ đồ chiến thuật nào chiếm ưu thế. 
Mỗi HLV, nhờ vào tài xoay sở cũng như khả năng của mình mà hướng đội bóng tới một sơ đồ chiến thuật cụ thể. Cũng vì thế mà ở EURO 2016 trên đất Pháp yếu tố hệ thống, tinh thần tập thể được đề cao hơn là việc sở hữu những ngôi sao sáng trong đội hình.
Italia là một minh chứng cụ thể như thế. Họ tới EURO 2016 với một đội hình có chất lượng thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. Với sơ đồ 3-5-2, họ không triển khai bóng theo cách thông thường mà tập trung vào di chuyển, lấy sức mạnh tập thể để bù đắp những bất lợi của từng cá nhân. 
EURO 2016 & sự biến thiên của chiến thuật Italia
Italia thể hiện bộ mặt xù xì nhưng hiệu quả
2 trận đấu với Bỉ và Thuỵ Điển, sơ đồ 3-5-2 của Italia được biến thiên thành 3-3-4, có khi lại là 5-3-2, với hạt nhân là tam tấu B-B-C (Barzagli-Bonucci-Chiellini). Với sơ đồ trên, nó đem lại sự vững chắc cho hàng thủ của Italia. 
Đội bóng áo thiên thanh giữ rất tốt cự ly đội hình, bóp nghẹt không gian chơi bóng của đối thủ. Rõ ràng, thành công của Italia cho đến hiện tại là thành công của tổ chức, của chiến thuật và của những cầu thủ “trưởng thành”.
Trong khi đó, những đội bóng có thiên hướng tấn công, sở hữu nhiều ngôi sao như Pháp, Đức, Tây Ban Nha lại sử dụng những sơ đồ “thời thượng” hơn như 4-3-3, 4-2-3-1. Cách tiếp cận trận đấu của họ khá giống nhau: nhập cuộc với tâm lý của một đội bóng cửa trên, dâng cao đội hình và sẵn sàng pressing từ xa với một cự ly ổn định.
Với những cầu thủ có chất lượng hơn họ dễ dàng đẩy đối thủ của mình lùi sâu về phần sân nhà. Một phần ba không gian sân cuối cùng mới là nơi họ gặp khó khăn khi đối phương chơi tử thủ và phòng ngự số đông.
EURO 2016 & sự biến thiên của chiến thuật Duc
Đức vẫn trung thành với lối chơi pressing
Ngoài ra, những đội bóng nhỏ hơn, không có ngôi sao trong đội hình thì họ thường quay trở về với sơ đồ truyền thống 4-4-2 như Iceland, Ba Lan…. Trong sơ đồ đó tiền đạo thường là tuyến pressing đầu tiên. 
Đội hình được giữ ở cự ly thấp, với các khoảng trống bị bịt chặt khiến không gian xử lý bóng của đối phương bị hạn chế đáng kể, qua đó chia cắt tuyến tiền vệ với các tiền đạo.Với cách chơi như vậy, không ít các đội bóng nhỏ đã gây ra bất ngờ ở EURO năm nay. 
Một EURO hấp dẫn, sôi động đang chứng kiến những xu hướng chiến thuật khác nhau. Cơ hội là chia đều cho tất cả, từ “đại gia” cho đến những đội bóng nhỏ hơn. Sự sáng tạo, khả năng vận dụng chiến thuật sẽ là yếu tố tiên quyết để giành thắng lợi và cùng chờ xem ai, đội bóng nào sẽ làm được điều này.