Xứ Wales khiến cả UEFA lẫn FIFA đau đầu Kinhthi
Xứ Wales khiến cả UEFA lẫn FIFA đau đầu
Ở khía cạnh nào đó, việc Xứ Wales dừng chân ở bán kết hay trận chung kết xem ra không khác nhau là mấy. Đằng nào cũng đã xuất hiện một cột mốc mới, quá hào hùng về lịch sử cho nền bóng đá vốn không nổi tiếng bằng rugby ở Xứ Wales.
Đấy không phải là câu chuyện may mắn, nếu nhìn vào những nỗ lực, những đổi thay, những giá trị đáng ghi nhận của bóng đá Xứ Wales trong quá khứ. Đấy cũng có thể chỉ là khởi đầu cho những câu chuyện thú vị tiếp theo, cho tương lai của bóng đá Xứ Wales.

Tóm lại, bất ngờ hay không bất ngờ, đội bóng của HLV Chris Coleman vẫn xứng đáng với những gì họ vừa đạt được. Xứ Wales có phải đội bóng một người hay không, chẳng hề quan trọng. Suy cho cùng, đấy chỉ là sự ước lệ. Nếu Bale không thật sự xuất sắc thì dù anh có muốn hy sinh hào quang cá nhân cho lợi ích chung của đồng đội, cũng chả được. Ngược lại, tuy đồng đội còn nhiều người hay nhưng nếu không có hẳn một ngôi sao vượt trội như Bale, có khi giá trị đồng đội cũng trở nên vô nghĩa. Khái niệm “đội bóng một người” tự thân nó chưa chắc đã có ý nghĩa tiêu cực hay tích cực.

Đấy là những gì thiên hạ đã thấy hoặc đã bàn. Còn một chuyện “đã thấy” nữa, nhưng UEFA hoặc FIFA chưa bàn. Ai nấy đều biết, Xứ Wales mất 2 trụ cột Ben Davies và Aaron Ramsey ở trận bán kết. Đấy là cái lợi khá lớn của Bồ Đào Nha. Và đấy là chỗ phi lý trong thông lệ treo giò các cầu thủ đã lĩnh đủ số thẻ quy định. Giả sử Ramsey hoặc Davies thô bạo đến nỗi gây ra chấn thương nghiêm trọng, làm sứt mẻ lực lượng các đối thủ đã qua, thì các đội ấy chẳng hề được đền bù gì, trong khi Bồ Đào Nha vẫn cứ hưởng lợi!

Xứ Wales khiến cả UEFA lẫn FIFA đau đầu Kinhthi1
Tất nhiên, Bồ Đào Nha chỉ là một ví dụ cụ thể (nói ra điều này chẳng phải là ác ý với Cristiano Ronaldo và đồng đội). Vấn đề là điều lệ như thế hoàn toàn bất công, vô lý, lại quá gượng ép. Vẫn biết, EURO không phải là giải duy nhất áp dụng điều lệ kiểu này. Nhưng, từ một trường hợp cụ thể, có hệ lụy khá rõ ràng như trận bán kết vừa qua chênh lệch hẳn vì Xứ Wales mất 2 trụ cột, vẫn phải đặt ra câu hỏi đối với ban tổ chức các giải đấu lớn: Tại sao cứ phải duy trì thông lệ này khi soạn thảo điều lệ? Đấy không phải là luật bóng đá. Đấy chỉ là trào lưu hơi bị phản chuyên môn, cứ tồn tại mãi như sự mặc định. UEFA mà không lưu ý đến chi tiết này thì xem ra, họ cũng chẳng mấy xứng đáng với tư cách cơ quan điều hành “trung tâm bóng đá thế giới”. 

Nếu được tranh hạng ba, Xứ Wales sẽ hào hứng cống hiến lần nữa trước khi chia tay EURO 2016? Có lẽ thế. Đây là vấn đề tiếp theo mà các quan chức UEFA có lẽ cũng nên suy nghĩ. Sẽ chẳng nảy sinh vấn đề này nếu Bồ Đào Nha thắng Italia hoặc Tây Ban Nha thay vì Xứ Wales ở trận bán kết rạng sáng qua. 

Sở dĩ EURO không có trận tranh hạng ba (từ năm 1984) vì người ta cho rằng đấy chỉ là trận đấu gượng gạo giữa những nỗi thất vọng. Nhưng, Xứ Wales đâu có thất vọng hoặc suy sụp vì không lọt được vào trận chung kết. Bây giờ, VCK EURO đã có đến 24 đội tham dự, sẽ còn những đội bóng bị cho là nhỏ nhưng tiến đến bán kết trong tương lai, như Xứ Wales? Chắc chắn là thế. Hàn Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy họ khao khát tranh ngôi số ba ở World Cup như thế nào. EURO cũng nên tính lại điều này?