60 cảnh sát, binh sĩ, dân thường thiệt mạng trong các vụ đụng độ ở Ankara và Istanbul. 754 người quân đảo chính bị bắt nhưng phe chính phủ vẫn chưa nắm chắc quyền kiểm soát.
“Lúc đó tôi không có thời gian để suy nghĩ, chỉ muốn làm mọi cách để bố hai cháu bé có thêm mấy triệu đồng khi đưa con đi Hà Nội", bác sĩ Chung chia sẻ.
Những ngày gần đây, câu chuyện về một vị bác sĩ, phó giám đốc bệnh viện mang hòm từ thiện ra chợ, xin tiền cứu giúp bệnh nhân đã khiến nhiều người xúc động.
Đó bác sĩ CKII Nguyễn Ngọc Chung, Phó GĐ Bệnh viện Vị Xuyên, Hà Giang - người đứng giữa chợ huyện để kêu gọi mọi người giúp đỡ hai em bé song sinh bị dính liền. Chia sẻ cùng Zing.vn, anh gọi đó là hành động “làm càn”.
Song sự “làm càn” của vị phó giám đốc đã thu được sự quan tâm của cộng đồng nhiều hơn mong đợi, và trở thành niềm an ủi không nhỏ cho gia đình bệnh nhân.
Bác sĩ ra chợ kêu gọi cứu hai bé dính liền: 'Tôi đã làm càn' Bac_si_ra_cho_xin_tu_thien_3_2
Bác sĩ Chung ra chợ kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cháu bé. Ảnh: FB.
[size]
Bác sĩ Chung cho biết, vào đêm 13/7, khoảng 1h, sản phụ Phàn Thị Chẩy, 20 tuổi ở thôn Tân Bình, xã Ngọc Minh, huyện Vị Xuyên nhập viện trong tình trạng suy thai, chỉ định mổ cấp cứu.
Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ bất ngờ phát hiện hai bé dính liền nhau từ ngực đến bụng, chung dây rốn. Trường hợp song thai này rất đặc biệt và cần chuyển gấp lên tuyến trên.
Ra chợ kêu gọi nhanh hơn đăng Facebook
Biết hoàn cảnh gia đình hai cháu bé rất khó khăn, bác sĩ Chung đã trích một phần từ tiền của cán bộ công nhân viên để ủng hộ. Nhận thấy số tiền này không đáng kể, anh đăng lên Facebook kêu gọi giúp đỡ. Lời kêu gọi của anh không được nhiều người ủng hộ. Trong khi đó, bệnh nhân cần chuyển viện gấp. Anh quyết định mang hòm ủng hộ ra chợ kêu gọi bà con làm từ thiện. 
Kể lại hành động của mình, bác sĩ Chung chia sẻ: “Thực sự lúc đó tôi không có thời gian để suy nghĩ, chỉ muốn làm mọi cách để bố hai cháu bé có thêm chút tiền mang theo khi đưa con đi Hà Nội. Có thể nói là tôi đã làm càn”.
10h ngày 14/7, anh Chung mặc áo blouse, đeo bảng hiệu, chức danh, mang hòm từ thiện và hình ảnh hai cháu bé song sinh ra giữa chợ kêu gọi mọi người giúp đỡ. Hình ảnh đẹp của bác sĩ ban đầu khiến mọi người lạ lẫm nhưng sau đó, anh được họ ủng hộ nhiệt tình.
“Khi hình ảnh của tôi xuất hiện trên mạng, nhiều người đã quay lại hỏi tôi và sau khi thấy hoàn toàn tin tưởng, người tặng 50.000, người 100.000 đồng chung tay giúp đỡ”, bác sĩ Chung kể lại.
Sau hai tiếng, tổng số tiền mọi người giúp đỡ là gần 7,5 triệu đồng. Anh tin số tiền này sẽ giúp hành trình người cha đưa con đi phẫu thuật được thuận lợi. Số tiền ngay lập tức được trao cho anh Thiệp (bố hai cháu bé) để làm lộ phí đi Hà Nội.
Không chỉ ra chợ để kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân
Bác sĩ Chung chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh trực tiếp ra chợ kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân. Hành động bột phát và nhanh đến mức anh không kịp suy nghĩ thiệt hơn. Nhưng anh nhận được nhiều hơn mất. Bên cạnh số tiền quý giá gửi cho gia đình bệnh nhân, khi đứng ngoài chợ, anh còn được người dân ủng hộ bằng những hành động khiến bản thân rất xúc động.
“Có người đã mời tôi một ly nước đá, có người chủ động bật quạt từ xa cho tôi. Những điều giản dị này có ý nghĩa rất lớn với tôi bởi trước đó, người dân không quan tâm đến các bác sĩ như vậy”, bác sĩ Chung chia sẻ.
Một ngày sau khi hành động ra chợ kêu gọi từ thiện của bác sĩ Chung được mọi người biết đến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định tặng bằng khen cho anh. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bà rất cảm phục tấm lòng và hành động vì bệnh nhân của bác sĩ Chung. Nghĩa cử cao đẹp, cứu người của bác sĩ Chung, của tập thể bệnh viện Đa Khoa huyện Vị Xuyên cần được học tập và nhân rộng.
Tuy nhiên bác sĩ Chung cho biết, hành động này của anh chỉ là một phần nhỏ bé. Ngay từ đầu, anh làm không phải để được mọi người biết đến nhiều như vậy.
Theo bác sĩ Chung, ở Bệnh viện huyện Vị Xuyên, hàng ngày anh phải tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người đã phải từ chối điều trị chỉ vì không có tiền. Cá nhân anh đã giúp đỡ nhiều bệnh nhi từ những việc nhỏ như tặng sữa, bỉm hay tấm ga bọc em bé.
Khi được hỏi có tiếp tục ra chợ để kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân nữa không, vị phó giám đốc khẳng định: “Tôi sẽ vẫn làm nhưng sẽ làm những việc khác đi chứ không giống lần này”.
Anh cho biết, công việc ngày hôm nay của mình là tìm đến nhà một bệnh nhân không dám đến bệnh viện điều trị vì nghèo. Bởi vậy, anh sẽ đến để thuyết phục bệnh nhân nhập viện và tìm cách giúp đỡ gia đình.[/size]