Với các vận động viên (VĐV) CHDCND Triều Tiên, Olympic không phải là một nơi để tranh tài, đó là một cuộc chiến thực sự. Sự khắc nghệt của dân tộc đã mang tới trách nhiệm vô cùng lớn lao cho những VĐV của đất nước này.

Sức ép thành công cực lớn

Dù CHDCND Triều Tiên là quốc gia “khép kín” với thế giới nhưng họ chưa bao giờ từ chối tham dự những đại hội thể thao lớn ở khu vực châu Á cũng như trên thế giới. CHDCND Triều Tiên đã tham dự mọi kỳ Olympic kể từ năm 1972, ngoại trừ hai lần họ tẩy chay ở Olympic 1984 (Los Angeles, Mỹ) và Olympic 1988 (Seoul, Hàn Quốc).

Olympic và sự khắc nghiệt của vận động viên CHDCND Triều Tiên Olympicvasukhacnghietcuavandongvienchdcndtrieutien
Những VĐV CHDCND Triều Tiên nhận "mệnh lệnh" giành 5 huy chương vàng ở Olympic 2016

Thực tế, CHDCND Triều Tiên đã giành huy chương ở mọi kỳ Olympic. Tính tới thời điểm này, họ đã có 49 huy chương trong lịch sử. Thế mạnh của đoàn thể thao này là cử tạ và vật.

Christopher Green, nhà nghiên cứu về CHDCND Triều Tiên thừa nhận rằng bất kỳ VĐV nào cũng chịu sức ép thành công ở Olympic nhưng ở CHDCND Triều Tiên, sự khắc nghiệt lớn hơn rất nhiều. Nhà lãnh đạo đất nước, Kim Jong Un có quan điểm rõ ràng rằng ông rất tự hào về nền thể thao của đất nước mình và ông muốn CHDCND Triều Tiên giành được nhiều thành công hơn nữa.

Nhà nghiên cứu Christopher Green chia sẻ: “Ở Olympic 2012, đoàn thể thao CHDCND Triều Tiên đã giành được 4 huy chương vàng và họ nhận được sự chào đón ở Bình Nhưỡng sau khi trở về. Thành tích ấy đã tạo nên hiệu ứng lớn cho nền thể thao của đất nước này. Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện của 4 năm trước, ở Olympic 2016, Chủ tịch Kim Jong Un đã chỉ thị cho các VĐV phải giành 5 huy chương vàng”.

Điều này tạo ra sức ép rất lớn cho 31 thành viên của đoàn CHDCND Triều Tiên ở kỳ Olympic (bao gồm VĐV và các thành viên hỗ trợ). Bởi lẽ, chẳng ai dám chắc sẽ duy trì thành tích 4 năm về trước bởi trong thể thao, đôi khi thắng thua chỉ được quyết định bởi khoảnh khắc rất nhỏ (thậm chí là 0,1 giây). Tuy nhiên, chỉ thị của Chủ tịch Kim Jong Un tựa như mệnh lệnh với họ.

Trước đây, những người hâm mộ cũng biết về sự khắc nghiệt của CHDCND Triều Tiên qua việc ĐTQG đất nước này bị loại khỏi vòng bảng World Cup 2010 (dù đó là thành tích ai cũng có thể dự đoán trước). Sau khi trở về từ Nam Phi, những cầu thủ CHDCND Triều Tiên không những không được chào đón mà còn phải chịu phạt.

Những người dân của CHDCND Triều Tiên sẽ được theo dõi Olympic 2016. Thế nhưng, họ chỉ được xem phần thi của những VĐV nổi bật của đất nước và… không được xem trực tiếp. Ví dụ như phần thi của VĐV Om Yun Chol ở nội dung cử tạ 56 kg (giành huy chương bạc) diễn ra vào Chủ nhật thì tới thứ Tư, đài truyền hình CHDCND Triều Tiên mới phát sóng.

Những quy định khắc nghiệt

Có chi tiết đáng chú ý. Ở kỳ Olympic 2016, hãng Samsung đã tài trợ cho mỗi VĐV một chiếc điện thoại Galaxy S7. Họ được phát ngay trong lễ diễu hành khai mại giải đấu này. Thế nhưng, những VĐV CHDCND Triều Tiên đã từ chối món quà này vì đó là “mệnh lệnh của quốc gia”.

Olympic và sự khắc nghiệt của vận động viên CHDCND Triều Tiên Olympicvasukhacnghietcuavandongvienchdcndtrieutien
Họ sẽ phải đối diện với quy định khắc nghiệt

Cũng theo quy định của nhà nước CHDCND Triều Tiên, những VĐV không được phép tiếp xúc với các VĐV khác cũng như phóng viên. Theo lời kể của phóng viên John Canzano, ở kỳ Olympic 2008, anh đã cố gắng tiếp cận những VĐV của CHDCND Triều Tiên để phỏng vấn. Đáp lại, anh nhận được thông tin quý giá từ VĐV nhảy cầu Wang Ok Gyong: “Chúng tôi không được phép tham quan bất kỳ địa điểm nào và không được tiếp xúc cùng những người lạ”.

Tất nhiên, ở mỗi kỳ Olympic, mối lo ngại VĐV “đào tẩu” luôn thường trực ở CHDCND Triều Tiên. Thế nhưng, đất nước này luôn có biện pháp kiểm soát chặt chẽ những VĐV. Vì vậy, trong quá khứ, chưa chứng kiến trường hợp VĐV nào của CHDCND Triều Tiên “đào tẩu”.

Theo tiết lộ của Christopher Green, nguyên nhân bởi sự giám sát chặt chẽ của lực lượng an ninh của CHDCND Triều Tiên. Bên cạnh đó, một phần cũng bởi số phận của những kẻ đào tẩu sẽ không tốt đẹp. Gia đình của họ sẽ phải lĩnh hậu quả nặng nề.

Đổi lại, CHDCND Triều Tiên cũng có chính sách tốt với những VĐV mang vinh quang về cho dân tộc. Christopher Green tiết lộ: “Những VĐV thi đấu tốt ở Olympic sẽ được nhận nhà ở Bình Nhưỡng và nhiều quà tặng khác từ Chính phủ”.

Thế nhưng, cần phải nhấn mạnh, “vinh quang dân tộc” ở đây chính là tấm huy chương vàng (huy chương bạc, đồng không quá được coi trọng). VĐV Om Yun Chol (người vừa giành tấm huy chương bạc) tiết lộ: “Tôi không phải là người hùng của đất nước CHDCND Triều Tiên bởi tôi đã không giành huy chương vàng”.

Dù sao, vượt qua sự khắc nghiệt, những VĐV CHDCND Triều Tiên luôn cho thấy ý chí mãnh liệt ở mỗi cuộc thi. Đó là điều đáng quý của họ.

H.Long