Nước Mỹ sẽ nhớ Obama, một vị Tổng thống vĩ đại 2016f6d5d776-b48f-48f8-9417-deb13c5dcd69
Ảnh: Getty

Người dân Mỹ, dù vẫn còn hơi sớm, hẳn đã phần nào cảm nhận được sự thật rằng: Barack Obama thực sự xuất chúng. Và nước Mỹ rất may mắn khi có ông.

Trên nhiều khía cạnh, Obama tài giỏi hơn những gì người Mỹ nghĩ, và chắc chắn là hơn rất nhiều so với điều kẻ thù của ông sẵn sàng thừa nhận. Nhưng một ưu điểm của việc vĩ đại là mọi nhận định của phe đối lập đều chẳng hề quan trọng.

Theo tổng biên tập của tạp chí GQ, Jim Nelson, trong tương lai, vị thế của Obama trong lòng công chúng chắc chắn sẽ vươn cao hơn cả Bill Clinton, và trở thành một trong những Tổng thống thuộc đảng Dân chủ vĩ đại nhất từ thời Franklin Roosevelt.

Điều này, theo ông Nelson, bắt nguồn từ bản chất phong cách lãnh đạo đặt trọng tâm vào việc để lại một "di sản" (legacy) mà Obama vẫn luôn theo đuổi.

Bill Clinton được tôn sùng bởi ông thu hút, là người chỉ đạo việc chấn hưng lại nền kinh tế, thay đổi và nâng tầm đảng Dân chủ.

Còn Barack Obama sẽ được nhiều đời sau ca ngợi bởi ông, bên cạnh việc làm được những điều Clinton từng thành công, còn thay đổi và nâng tầm hình ảnh người Tổng thống trong lòng dân.

Di sản của Obama thuộc hàng chắc chắn sẽ đi vào sử sách. Bởi từ xưa đến nay luôn có một luật bất thành văn: "Thời thế tạo anh hùng".

Nội chiến, Chiến tranh Thế giới, khủng hoảng và đình trệ kinh tế là những yếu tố cấu thành nên một Tổng thống vĩ đại, và cũng chính bởi lý do này, những Washington, Lincoln hay Roosevelt được yêu mến hơn hẳn người kế nhiệm.

Cũng giống như Obama, các vị Tổng thống này đều phải đối phó với trở ngại, vượt qua nó và rồi đưa nước Mỹ tiến lên.

Nước Mỹ sẽ nhớ Obama, một vị Tổng thống vĩ đại 2016c74ee064-7afb-41a8-b25d-d87cf0fcd184
Theo đánh giá của nhà báo Jim Nelson, Tổng thống Obama sẽ vượt qua vị trí của Bill Clinton trong lòng người Mỹ. Ảnh: Pete Souza

Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân người Mỹ xem thường những Jimmy Carter và Herbert Hoover. Trong nhiệm kỳ của mình, họ có thực sự yếu kém như ngày nay ta vẫn nói hay không? Có lẽ là không hẳn, ông Nelson viết.

Nhưng hai vị Tổng thống trên, khi gặp phải tình thế bất lợi lại rút lui chỉ sau một nhiệm kỳ, đẩy đất nước rơi vào cảnh khốn khó hơn trước. Vậy là di sản "đi tong".

Ngoài những thành tựu cụ thể như Obamacare, cứu vãn nền kinh tế hay khiến Mỹ cởi mở hơn với người đồng tính, Tổng thống Obama cũng sở hữu các điểm sáng khác giúp ông nổi bật lên trong chiều dài lịch sử.

Trở thành Tổng thống da màu đầu tiên tất nhiên là một trong số đó. Dù vậy, đúng như Martin Luther King Jr. từng mơ ước, thời gian trôi qua, ông sẽ được đánh giá dựa trên khả năng nhiều hơn trên màu da của mình.

Khả năng đó bộc lộ rõ ràng mỗi khi những cá nhân phản đối ông đứng ra cố gắng bôi nhọ hay ngờ vực về tính "Mỹ" của Obama. Ông vượt lên trên tất cả.

Và, may mắn thay, ông đưa gần như cả nước Mỹ theo cùng. Không chỉ lãnh đạo đất nước, vị Tổng thống này còn dẫn dắt cả xúc cảm và suy nghĩ của người dân, điều khó khăn hơn gấp bội phần.
Nước Mỹ sẽ nhớ Obama, một vị Tổng thống vĩ đại 20165d78024e-210a-40de-8b00-5e568fae42dd
Obama sẽ sớm được thừa nhận là một trong những vị Tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ảnh: Getty

Thời điểm Mỹ rơi vào cảnh phân hóa, các mối bất hòa thêm sâu sắc, Obama luôn xuất hiện như một "tấm gương sáng", khiến tất thảy đều muốn lắng nghe và noi theo.

Mỉa mai thay, một trong những điều cốt yếu đưa ông vào Đài danh vọng lại từng là điểm yếu của ông: tài hùng biện.

Obama trước đây vấp phải không ít chỉ trích do "dựa dẫm" vào các bài diễn thuyết, như thể người phản đối ông cho rằng trò chuyện với đất nước như một khối thống nhất, gắng sức kết nối hay truyền cảm hứng tới người dân, là một hành động thiển cận.

Song, những câu từ then chốt vào giây phút quyết định không chỉ khiến chúng ta ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo tài năng, đó còn là điều đầu tiên chúng ta nhớ về họ.

Nhắc đến Lincoln, người ta nghĩ ngay tới bài diễn văn Gettysburg, đối với Roosevelt, đó là loạt bài phát thanh trò chuyện với nhân dân.

Về phần Obama, từng bước đi của ông đều được tính toán thấu đáo, từ bài diễn văn nhậm chức đầy xúc động, bài diễn thuyết về chủng tộc và tôn giáo tới bài phát biểu sau vụ xả súng hàng loạt hay câu nói mở màn tại Cuba ("Chúng ta đều là người dân châu Mỹ").

Trong rất nhiều khoảnh khắc lịch sử, Barack Obama luôn biết cách chạm tới những mặt tốt đẹp nhất của con người, ngay cả trong tình cảnh khó mà tìm được điều gì tốt đẹp.
Nước Mỹ sẽ nhớ Obama, một vị Tổng thống vĩ đại 20164f717de4-20df-4e06-a5a1-78861465d32a
Tài hùng biện chính là một trong những điểm cốt yếu nhất đưa Obama vào Đài Danh vọng của các Tổng thống Mỹ. Ảnh: Reuters

Cuối cùng, đường cong lịch sử có xu hướng đi xuống. Tình đoàn kết của nước Mỹ ngày một mỏng manh hơn, khả năng làm việc của hầu hết chính trị gia giảm sút, công việc của Tổng thống vì vậy cũng sẽ ít mang tính chiến thuật hay thương thuyết hơn trước.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ chính người Tổng thống phải đảm đương là dẫn đường và đoàn kết người dân toàn quốc bất cứ khi nào, theo bất cứ cách nào có thể.

Bằng cách này, Obama đã "soi đường chỉ lối" cho nước Mỹ tiến về phía trước.

Có lẽ hiện nay nhiều công dân Mỹ vẫn chưa nhận thức được rõ ràng, nhưng đối diện với tình cảnh hỗn loạn tăng cao, con người ta rồi sẽ càng thêm khao khát mối đoàn kết dân tộc.

Vậy nên, trong tương lai, bất kì người nào diễn thuyết lôi cuốn nhất về tình cảm thiêng liêng này sẽ được tôn vinh. Và có lẽ, trong lĩnh vực trên, ít ai đánh bại được Tổng thống Obama.

Cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi năm nay, với sự xuất hiện của một ứng viên tai tiếng như Donald Trump, chỉ càng khắc sâu sự khác biệt, nâng Obama lên một tầm cao mới, như thế ông đến từ một thế kỉ khác, văn minh hơn rất nhiều.

Dù điều gì xảy ra tiếp theo, theo ông Nelson, người Mỹ sau này cũng sẽ nhìn lại lịch sử, và cùng nhau gật gù thừa nhận rằng: Một Tổng thống như Obama thật hiếm. Và ta thật quá may mắn khi có ông.