Ả Rập Xê Út thừa nhận nợ hàng tỉ USD vì giá dầu giảm 5825984ec46188437a8b45ae_LJYG
ộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê Út vừa thừa nhận nước này nợ các nhà xây dựng tư nhân và lao động nước ngoài hàng tỉ USD vì doanh thu dầu thô sụt giảm.
Theo Russia Today, lao động nước ngoài ở Ả Rập Xê Út chật vật trong nhiều tháng qua vì không có lương. Quốc gia giàu dầu thô đã chi trả cho 70.000 người nhưng vẫn còn hàng ngàn nhân công khác chưa nhận được tiền. Nước này cũng đình chỉ nhiều hợp đồng mới.
Hội đồng Kinh tế và Phát triển (CEDA) không kỳ vọng tất cả lao động nhận được lương vào cuối năm nay. “Tôi không nhắc lại con số đó nhưng nó là hàng tỉ đô la Mỹ. Hiện tại mỗi ngày Bộ đều tìm cách thanh toán cho hàng ngàn người. Doanh thu dầu mỏ lao dốc và các biện pháp mà đất nước thực hiện nhằm giảm chi tiêu vào nhiều dự án là lý do việc trả lương chậm đi”, Bộ trưởng Tài chính Mohammed Aljadaan cho hay, theo tờ The Guardian.
3/4 nguồn thu của Ả Rập Xê Út đến từ dầu mỏ. Giá dầu sụt giảm năm 2014 tạo ra lỗ hổng 98 tỉ USD trong ngân sách Ả Rập Xê Út vào năm ngoái. Để kiềm chế thâm hụt, Ả Rập Xê Út lần đầu bán trái phiếu quốc tế, đem về 17,5 tỉ USD. Theo CEDA, hội đồng do Phó hoàng Thái tử Mohammed bin Salman đứng đầu, “gói giải pháp toàn diện” đang được chuẩn bị để “thanh toán đầy đủ các khoản nợ khu vực tư nhân”.
Chính phủ đất nước Trung Đông dường như trì hoãn các đợt thanh toán và hủy hợp đồng để bù đắp thâm hụt ngân sách, song động thái này khiến nhiều công ty xây dựng lớn nhất đất nước, trong đó có Saudi Binladen Group và Saudi Oger, đi đến cảnh gần phá sản. Nhân công của hãng Oger, công ty của thủ tướng Lebanon, chưa được trả lương trong nhiều tháng.
Ả Rập Xê Út chi 1 tỉ USD chi trả cho một phần lao động châu Á mắc kẹt với hãng xây dựng Saudi Binladin. Động thái trên nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lao động, giúp công nhân trở về nhà sau đợt sa thải hàng loạt. Chiến lược lớn hơn nhằm hoãn thanh toán, hủy hợp đồng có thể ảnh hưởng xấu đến nhà thầu phụ và công ty nhỏ hơn, từ đó có thể đe dọa các ngân hàng nước này.
Quốc gia giàu dầu thô dự kiến thâm hụt 87 tỉ USD trong năm nay. Theo chuyên gia Giyas Gokkent thuộc Viện Tài chính quốc tế ở Mỹ, con số trên tương đương khoảng 13% GDP đất nước.