Các con bà Nguyệt từng rất yêu thương nhau và có hiếu với mẹ. Từ ngày nhận thừa kế, họ ghen ghét, đùn đẩy trách nhiệm nuôi mẹ già.
Năm nay bà Nguyệt (ở quận 8, TP HCM) đã bước qua tuổi 88, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, nói trước quên sau, nhưng chẳng có nơi ở ổn định. Nay bà ở với con gái, vài hôm lại qua nhà con trai. Nhiều lúc buồn chán, bà đi lang thang xin ăn, tối vào chùa ngủ cho yên lòng. “Ở với đứa nào cũng có chuyện, tôi mệt vô cùng”, bà kể.

Trực tiếp giải quyết vụ việc các con bà kiện nhau về việc nuôi mẹ và sở hữu nhà đất vào năm 2016, vị thẩm phán của TAND TPHCM cho biết ông rất thương cho cảnh cuối đời của người mẹ già mấy chục năm nuôi các con. 

Vợ chồng bà có 8 người con, sáu trai, hai gái. Nhà có hai căn, vợ chồng bà tính bán đi một căn chia đều cho các con. Căn còn lại sẽ giao cho người con cả là ông Hưng (56 tuổi) để làm nơi thờ cúng cha mẹ, tổ tiên. Đổi lại, ông Hưng sẽ đưa cho các em một ít tiền để bù đắp và được các em ký giấy để hợp thức hóa căn nhà. Thời gian này, anh em ông Hưng rất thương yêu nhau và có hiếu với mẹ. 

Sau khi chồng mất, bà Nguyệt nhận được 8 tỷ tiền đền bù giải tỏa một căn nhà. Bà chia đều cho các con và giữ lại một tỷ đồng dưỡng già. Căn còn lại thì giao con trai lớn như thỏa thuận ban đầu. Còn bà dự định sẽ lần lượt ở với các con mỗi người một tháng để cảm nhận tình thương của con cháu. Quyết định này được các con hoàn toàn đồng ý.
Chia xong thừa kế cho 8 con, bà cụ 88 tuổi sống không yên ổn Bacu3-3920-1533024911_m_460x0
Bà Nguyệt cho biết số tiền một tỷ cuối cùng bà dự định dưỡng già giờ đã tiêu và đưa cho các con hết. Ảnh: P.T

Nhận tiền thừa kế của mẹ, 7 người còn lại người dành dụm mua nhà, người góp vốn làm ăn, người tiêu hết. Cũng từ đó, anh em ông Hưng thường bất đồng quan điểm. Các em ông cho rằng mẹ thiên vị anh cả mới cho phần nhiều hơn, vì thế, nhất quyết không ký giấy sang tên căn nhà còn lại cho ông Hưng, dù đã nhận thêm tiền anh đưa. Thuyết phục không được, ông Hưng kiện ra tòa, yêu cầu các em thực hiện trách nhiệm. 

7 người em yêu cầu ông Hưng phải đón mẹ về ở hẳn thì mới đồng ý ký giấy. Nếu bà Nguyệt được người khác nuôi, ông Hưng phải cấp dưỡng cho mẹ 3 triệu đồng/tháng. “Anh cả được đi học đầy đủ, lương cao, được mẹ cho nhà thì phải có trách nhiệm. Chúng tôi giờ phải lo cho con và gia đình của mình”, 7 người còn lại cùng quan điểm.

Để được nhận giấy tờ nhà, ông Hưng đồng ý nuôi mẹ và được tòa chấp thuận. Nhưng suốt hai năm nay, bà Nguyệt vẫn không ổn định được chỗ ở. Nay bà ở với người con này, mai lại đến nhà người khác, có khi buồn lại đi lang thang, đến chùa tá túc.

Tổ trưởng khu phố của phường 12, quận 8 (TP HCM), nơi bà Nguyệt đăng ký hộ khẩu, cho biết thời gian qua chính quyền nhiều lần đứng ra hòa giải mối quan hệ giữa bà Nguyệt và vợ chồng người con cả nhưng không được. Bà Nguyệt tâm sự, vì không hợp với con dâu cả nên ở nhà ông Hưng bà rất khó chịu, ngột ngạt và thấy mình như đứa trẻ bị bỏ rơi. Bà muốn ở với con gái út, nhưng cô này kinh tế khó khăn và không được ông Hưng đưa tiền. 

Ông Hưng thì cho hay, những năm trước, tháng nào ông cũng đưa cho cô út 3 triệu để nuôi mẹ, nhưng bà Nguyệt chẳng được chăm sóc chu đáo, vì thế giờ ông không đưa nữa.

"Tôi mệt mỏi vô cùng. Ngày trẻ, vợ chồng tôi gắng làm lụng, tiết kiệm cho có của ăn của để sau này cho con. Bây giờ, tụi nó có gia đình, tôi già rồi, nhìn anh em nó tị nạnh nhau, buồn lắm", bà Nguyệt tâm sự.

Bà bảo không hối hận vì đưa hết tài sản cho con, nhưng rất buồn vì cách các con đối xử với mình. 

Bàn về vấn đề phụng dưỡng cha mẹ già, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, có hai góc độ cần xem xét. Một là góc độ đạo đức. Hai là quy phạm pháp luật. Trong luật hôn nhân gia đình quy định, cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi, chăm sóc con và ngược lại, khi cha mẹ già không còn khả năng lao động thì con cái phải phụng dưỡng. Nếu các con thỏa thuận được với nhau ai là người nuôi trực tiếp thì ổn thỏa, còn không thì phải chia đều. Có nghĩa rằng, nếu chi phí sinh hoạt của cha mẹ hết 5 triệu/tháng, nhà có năm người con thì phải chia đều.
Câu chuyện của các con bà Nguyệt phần nhiều nằm ở góc độ đạo đức. Vị luật sư cho biết, thực tế rất nhiều trường hợp con cái đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, nhưng chỉ diễn ra ở gia đình chứ đưa ra pháp luật như nhà bà Nguyệt là rất hy hữu. 

Giáo sư Vũ Gia Hiền, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa Du lịch cho rằng, câu chuyện của bà Nguyệt vô cùng đau lòng. Tình huống này thường xảy ra với các gia đình khá giả. Cha mẹ thường có sự yêu thương, chia tài sản cho con cái không đồng đều, dẫn đến việc anh em tị nạnh, ghen ghét, đưa nhau ra tòa giành giật từng tý tài sản mà quên đi tình mẫu tử. 

Vị giáo sư cho biết, thông thường, việc nuôi cha mẹ, theo quan niệm của người Bắc thì trách nhiệm thuộc về anh cả. Còn người miền Nam thì trách nhiệm thuộc em út. Tài sản hoặc căn nhà của cha mẹ sẽ được giao cho người trực tiếp nuôi. Khi ông bà đau bệnh, các con trong gia đình sẽ cùng nhau hùn tiền lo lắng. Quan niệm đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên một số gia đình hiện nay đã thay đổi một chút, nhiều cha mẹ, sợ liên lụy với con đã ở riêng, tự lo cho cuộc sống của mình. Cũng có gia đình, cha mẹ muốn giúp con trông cháu nên đứa nào cần sẽ đến ở để phụ giúp.

* Tên nhân vật đã được thay đổi


Phan Thân