Niềm vui là ẩn số trong những sự vụn vặt nhất của cuộc sống mà con người phải tự tìm lấy

Vác thánh giá vượt hơn 4500km để bảo vệ sự sống 8
Kể từ năm 55 tuổi, ông John Moore đã bắt đầu đi bộ vì những mục đích đặc biệt. Ảnh: Giang Vô Yên

Niềm vui là ẩn số trong những sự vụn vặt nhất của cuộc sống mà con người phải tự tìm lấy, đối với một người sắp đến độ tuổi thất thập cổ lai hy, ai cũng mong có một cuộc sống nhàn nhã, thanh bình. Thế nhưng ông John Moore lại tìm vui cho mình bằng hành động không hề dễ dàng là vác thánh giá vượt hơn 4.500 km xuyên nước Mỹ, trong cuộc hành trình mang tên “Đi bộ vì sự sống”. Cuộc hành trình càng có thêm ý nghĩa khi con gái ông là Laura ủng hộ ông vô điều kiện và quyết định đồng hành cùng cha mình trên toàn bộ chuyến đường. 
Ông John Moore, năm nay 68 tuổi, là một giáo viên đã về hưu, hiện nay ông đang điều hành công việc kinh doanh của gia đình tại thành phố Gallup, bang New Mexico (Mỹ). Ở tuổi của ông Johm Moore, việc đi bộ không mang theo vật gì trên người cả quãng đường dài như vậy đã là một kỳ tích. Thế nhưng, ông John không hề giống bất kỳ người đi bộ nào khác. Trên lưng ông luôn vác theo một trong hai cây thánh giá do chính tay mình đóng và thiết kế cho quãng đường dài xuyên nước Mỹ. khởi đầu từ San Francisco ở bờ Tây Mỹ vào đầu tháng 4 đến Washington D.C trong cuộc hành trình mang tên “Đi bộ vì sự sống”. 
Cây thánh giá thứ nhất được làm để tưởng nhớ cha Emil Kapaun, tuyên úy của quân đội Mỹ vào thời Thế chiến thứ hai tại Triều Tiên.Cha Kapaun đã tử trận tại quốc gia này, và là người được ông John đặc biệt kính trọng. Cây thứ hai được thực hiện với sự giúp đỡ của Roberto Gonzalez, ca sĩ nhạc đồng quê ở thành phố Albuquerque, bang New Mexico. Bên trên thập tự giá mang theo hình ảnh của Đức Bà Guadalupe, đấng bổn mạng của những đứa trẻ chưa được chào đời. Bên dưới là 61 hạt có hình đôi bàn chân nhỏ bé, nhằm tưởng nhớ (gần) 61 triệu hài nhi chưa kịp rời khỏi lòng mẹ đã bị phá bỏ.
Cuộc hành trình có một khởi đầu không mấy suôn sẻ. “Tại San Francisco, có nhiều người la hét vào mặt ba tôi khá thô lỗ. Nhưng càng cách xa San Francisco, cha tôi càng nhận được nhiều sự ủng hộ. Không phải ông không dự kiến trước những điều xấu.Ông chỉ im lặng và bước về phía trước”, con gái Laura kể lại.
Mặc dù vậy, cha con ông John phát hiện ra rằng, có những người không cùng tôn giáo vẫn tỏ ra vô cùng hào hiệp đối với mình. Cô Laura không giấu sự cảm kích: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi có rất nhiều người vô thần cảm thấy chuyến du hành của ba thật đặc biệt. Không ít người dừng lại trò chuyện với chúng tôi, và họ chẳng hề theo một tôn giáo nào. Họ cũng chẳng biết gì về phong trào ‘Đi bộ vì sự sống’. Mọi người dừng lại và trao cho cha tôi nước uống, một số người cùng đi bộ với ông cho đến khi nào họ có thể, một số người dúi cho ông tiền.Có rất nhiều người bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với cuộc hành trình của ông”. Đó chính là động lực mạnh mẽ giúp người giáo viên về hưu vững bước trên đường trở thành “chứng nhân của Chúa Giêsu”.
Ông John bày tỏ. “Ở tuổi 68 và vẫn có thể mang theo cây Thánh giá đi bộ xuyên Mỹ, tôi cảm thấy mình thật sự được ban ơn lành”. Gia đình Moore cũng đã lên kế hoạch quyên tặng mọi khoản tiền mà ông nhận được trong cuộc hành trình cho dự án của tổ chức Knights of Columbus với mục tiêu cung cấp 1.000 máy siêu âm cho các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản trên khắp nước Mỹ. Ước tính nếu mỗi trung tâm được đặt một máy siêu âm, họ có thể cứu được mạng sống của 4 thai nhi/tuần.
Không có nhiều người trẻ tuổi mới tốt nghiệp đại học như Laura quyết định bỏ ra một năm của đời mình để “hộ tống” cha trên con đường đầy khó khăn. Trên đường đi, cô gặp gỡ không ít người, nhưng một trong những cuộc tiếp xúc có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với cô gái trẻ là khi Laura trò chuyện với một phụ nữ tên Nancy tại trạm dừng chân Flying J ở Wells, bang Nevada. Nancy hỏi về chuyến đi và chia sẻ câu chuyện của bản thân nhằm cho thấy tại sao phong trào ủng hộ sự sống lại quan trọng đối với mình. Khi cô mang thai đứa con đầu tiên, không hề xuất hiện tình trạng thai máy (thai cử động) nên rất lo lắng. Thế là bác sĩ muốn tiến hành kiểm tra và xét nghiệm bào thai. Đứa bé khỏe mạnh, và vị bác sĩ cũng nhắc nhở người mẹ tương lai rằng cô sẽ không thể nào tin được các thai nhi có thể đấu tranh dũng mãnh như thế nào khi chúng cho rằng mình có thể bị loại bỏ khỏi bụng mẹ. Giờ đây, Nancy là mẹ của một đứa trẻ tuy mắc chứng tự kỷ nhưng hoàn toàn tuyệt vời.
Đối với Laura, cuộc du hành xuyên Mỹ là một cơ hội để trưởng thành - tập trung vào chuyến hành trình thay vì chỉ mong muốn cán đích đến. Và điều này tất nhiên bao gồm những thời gian quý báu được song hành với cha mình. Hai cha con luôn gần gũi với nhau, nhưng đây là cơ hội để họ bên nhau tại các thị trấn nhỏ, thăm thú những di tích lịch sử, viện bảo tàng và các nhà thờ Công giáo mà họ phát hiện trên đường đi. Họ ăn kem, đến rạp chiếu phim, chơi cờ và chia sẻ những thú vui khác. Cha mẹ của Laura vừa ăn mừng 39 năm kết hôn vào ngày 8.6, dù ông John lúc đấy vẫn rong ruổi trên đường dài. Cả gia đình đều ủng hộ chuyến du hành của cả hai cha con, và coi sóc chuyện kinh doanh trong lúc họ bận bịu ở nơi xa.
Hai cha con có thói quen cập nhật chuyến hành hương của họ trên blog có tên Crossbearerslog, nơi những người theo dõi có thể song hành với họ và để lại những thông điệp động viên nếu muốn. Trước khi khởi hành, ông John đã gặp Đức cha James Sean Wall, Giám mục giáo phận Gallup (bang New Mexico) để xin chúc lành cho mình và cho cuộc hành trình.


ĐỖ HOA