Lợi nhuận kém cỏi, rắc rối pháp luật, dính sự cố thảm họa là những gì mà ba đại gia Phố núi đã phải đối mặt trong thời gian vừa qua.

Xuất hiện trên thị trường chứng khoán từ những năm 2008-2010, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) và CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã DLG) là 3 doanh nghiệp hùng mạnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: nông, lâm nghiệp, bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng… 

Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, các đại gia đến từ Phố núi này lại gặp không ít vấn đề trong kinh doanh, thị giá của cả ba cổ phiếu HAG, QCG, DLG đều đang dưới mệnh, thậm chí có lúc chỉ còn bằng ly trà đá vỉa hè. Chưa dứt, trong Quý II năm 2018 vừa rồi, “vận đen” lại tiếp tục đeo đuổi các doanh nghiệp này.

Bầu Đức kinh doanh thua lỗ, ế nặng trái phiếu và dính thảm họa tại Lào 

Sau khi lỗ “khủng” hơn ngàn tỷ vào 2016, bầu Đức đã quyết định chuyển hướng kinh doanh sang trồng cây ăn trái. Năm 2017, mảng này đã đem lại cho bầu Đức 4.841 tỷ đồng doanh thu và lãi hơn 372 tỷ đồng. Bước sang năm 2018, HAGL vẫn tập trung toàn lực vào trồng cây ăn trái và tự tin sẽ trở thành doanh nghiệp hàng đầu châu Á trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của HAGL vẫn là dòng vốn và nợ đang rất tiêu cực.

Từ Bầu Đức đến Cường đôla: Hàng loạt đại gia Phố núi liên tục “gặp hạn” Tu-Bau-duc-den-Cuong-dola-Hang-loat-dai-gia-Pho-nui-lien-tuc-gap-han-1-1533280218-width440height270
Cuối tháng 6, HAGL phát hành lô trái phiếu với giá trị 2.217 tỷ đồng nhằm mục đích huy động vốn để mở rộng trồng chuối và ớt. Tuy nhiên, kế hoạch của bầu Đức đã thất bại hoàn toàn khi chỉ bán được vỏn vẹn 22 trái phiếu, thu về 220 triệu đồng. 

Sau đó, nhiều tin xấu liên tiếp ập đến với bầu Đức. Ngày 20/7, Chứng khoán SSI đã bán giải chấp để siết nợ 3,83 triệu cổ phiếu của cá nhân ông Đức, ước tính giá trị gần 24 tỷ đồng. Không lâu sau, thảm hỏa vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attepau tại Lào lại khiến bầu Đức và các cổ đông một phen hoảng hồn. Tại nơi xảy ra sự cố này, có 3 doanh nghiệp của HAGL đang hoạt động về lĩnh vực nông nghiệp và thủy điện. Tuy nhiên, HAGL cho biết thảm họa này không ảnh hưởng lớn tới tình hình đầu tư và kinh doanh của công ty. 

Mới đây nhất, HAGL lại báo lỗ 14 tỷ đồng trong Quý II, kết quả này khiến 6 tháng đầu năm lỗ ròng 11 tỷ đồng. Nợ phải trả tiếp tục tăng cao cả ngàn tỷ, trong khi đó tiền mặt chỉ vỏn vẹn 203 triệu đồng. Niềm an ủi lớn nhất của bầu Đức và HAGL có lẽ là thị giá cổ phiếu trên sàn, bộ đôi HAG và HNG đã trở thành ngôi sao sáng của thị trường khi tăng giá cả trăm phần trăm bất chấp thị trường trồi sụt.

Quốc Cường Gia Lai dính rắc rối pháp lý đất đai, bão lãi kém 

Trong thời gian gần đây, Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã "dính" nhiều chuyện lùm xùm về đất đai như mua phải hơn 32ha đất công của công ty Tân Thuận tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) và buộc phải hủy hợp đồng theo yêu cầu của Thành ủy TP.HCM. Một số dự án chung cư khác của QCG tại quận 7, Nhà Bè cũng đang "vấp" phải vấn đề pháp lý nên tiến độ xây dựng đang "thụt lùi". 

Từ Bầu Đức đến Cường đôla: Hàng loạt đại gia Phố núi liên tục “gặp hạn” Tu-Bau-duc-den-Cuong-dola-Hang-loat-dai-gia-Pho-nui-lien-tuc-gap-han-2-1533280218-width640height397
Chủ tịch HĐQT và Phó TGĐ của Quốc Cường Gia Lai

Thêm vào đó là rắc rối trong dự án Khu Dân cư Phước Kiểng, Nhà Bè trong hơn 2 năm qua vẫn chưa đi đến hồi kết. QCG đang chật vật với việc đền bù giải tỏa cho các hộ dân còn lại tại vị trí đẹp của dự án. Chủ tịch HĐQT của QCG, Bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ của Cường đôla) cho biết công ty vẫn đang theo đuổi dự án này nhưng không biết khi nào có kết quả. QCG vẫn đang nắm trong tay số tiền 2800 tỷ đồng mà tập đoàn Sunny Land đặt cọc.

Mới đây nhất, Quốc Cường Gia Lai đã công bố kết quả kinh doanh với doanh thu sụt giảm 71%, lãi ròng giảm 98% chỉ còn 4,5 tỷ đồng. Hiện tại cổ phiếu QCG vẫn đang trồi sụt dưới mệnh giá quanh mức 9.000 đồng/cổ phiếu.

Đức Long Gia Lai lãi sụt, cổ phiếu kém hơn ly trà đá

Cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai đã giảm về mức đáy thấp nhất trong lịch sử niêm yết tại 2.510 đồng/cổ phiếu, một mức giá quá rẻ mạt đối với một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu lên tới hơn 3.300 tỷ đồng. 

Theo BCTC Qúy II mới công bố, DLG báo lãi ròng của công ty mẹ vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng, trong khi đó cùng kì năm ngoái lãi 19,2 tỷ đồng. 

Từ Bầu Đức đến Cường đôla: Hàng loạt đại gia Phố núi liên tục “gặp hạn” Tu-Bau-duc-den-Cuong-dola-Hang-loat-dai-gia-Pho-nui-lien-tuc-gap-han-3-1533280218-width650height481
Ông Bùi Pháp – Chủ tịch HĐQT của Đức Long Gia Lai. Nguồn: Duc Long Group

DLG cũng đang gặp phải vấn đề về vay nợ lớn mặc dù chưa đến mức tràn lan như Hoàng Anh Gia Lai. Tính đến 30//2018, DLG cũng đang có hơn 3.773 tỷ đồng nợ vay, tương đương 45% tổng tài sản, trong đó có 769 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.004 tỷ đồng nợ dài hạn. Chi phí lãi vay riêng trong nửa đầu năm lên đến hơn 167 tỷ đồng, chiếm 12,5% doanh thu của doanh nghiệp.

Niềm tin của cổ đông và các nhà đầu tư có lẽ là điều mà 3 đại gia phố Núi này cần nhất trong thời điểm hiện tại, giống như lời bầu Đức nói tại ĐHCĐ 2018: “Tôi không biết tại sao cổ phiếu HAG cứ thấp, tôi không can thiệp được thị trường. Tôi sẽ làm cho HAGL trở lại, hãy tin tưởng tôi. Còn nếu nói mất thì có lẽ tôi là người mất nhiều nhất. Tôi đang tìm cách đưa HAGL về vị thế cũ cách đây 10 năm".