Giới quân sự NATO cho rằng Type 052 chỉ là một dạng chắp vá để thử nghiệm công nghệ chứ không thể hoạt động như một tàu chiến thực thụ.

Cuối những năm 1980, hạm đội tàu chiến của Hải quân Trung Quốc bắt đầu trở nên lạc hậu, không còn đáp ứng được các yêu cầu của chiến tranh hải quân hiện đại. Trong khi đó, các nước lớn trên thế giới đã cho ra đời các thế hệ tàu khu trục mới với khả năng tác chiến vô cùng mạnh mẽ.

Trước tình hình đó, giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã hạ quyết tâm phát triển một thế hệ tàu khu trục mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của chiến tranh hiện đại nhằm sánh vai cùng các nước lớn trên thế giới.

Cụ thể hóa cho tham vọng này, cuối những năm 1980, Trung Quốc đã bắt tay triển khai chương trình tàu khu trục đa chức năng mang tên lửa điều khiển Type 052 lớp Lữ Hộ. Chương trình được phát triển bởi Viện đóng tàu số 701 ở Thượng Hải Trung Quốc và nhà máy đóng tàu Hudong ở Thượng Hải được giao trách nhiện thực hiện dự án này.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Capnhitan-62e35
Tàu khu trục 112 Cáp Nhĩ Tân, chiếc đầu tiên của Type 052, trong chuyến thăm lịch sử đến Mỹ năm 1997. Tàu này cũng chính là soái hạm của hạm đội Bắc Hải.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành đóng mới loại tàu tham chiến mặt nước đa chức năng và hiện đại nhất Hải quân Trung Quốc lúc đó. Tàu được thiết kế với khả năng tấn công phòng thủ, chống ngầm toàn diện. Đây cũng là lần đầu tiên một tàu chiến Trung Quốc trang bị vũ khí, các loại cảm biến tinh vi của phương Tây.

Chiếc đầu tiên thuộc lớp này mang số hiệu 112 Cáp Nhĩ Tân được khởi đóng vào năm 1986, hạ thủy vào năm 1991. Ngay sau khi được biên chế hoạt động ở Hạm đội Bắc Hải vào năm 1994, tàu này nhanh chóng trở thành soái hạm của hạm đội mạnh nhất Hải quân Trung Quốc khi đó.

Chiếc thứ hai mang số hiệu 113 Thanh Đảo được đưa vào trang bị năm 1997 cũng biên chế thuộc hạm đội Bắc Hải. Tàu 112 Cáp Nhĩ Tân cùng với hai tàu khu trục khác đã có một chuyến đi lịch sử đến cảng San Diego, bang California Hoa Kỳ ngày 21/03/1997 như là một sự quảng bá thành tựu và sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc.

Hệ thống vũ khí khá rối rắm

Type 052 được thiết theo công nghệ những năm 1980 nên hình dáng thủy động lực học của tàu không có gì tiêu biểu. Tàu được thiết kế theo truyền thống Liên Xô và được trang bị dày đặc các hệ thống vũ khí trong khi khả năng tác chiến lại không cao.

Tàu được vũ trang 1 pháo hạm nòng kép 79A (PJ-33) 100mm, tốc độ bắn khoảng 18 viên/phút, với tầm bắn khoảng 22km. Tàu được trang bị bốn bệ pháo phòng không nòng kép loại 76A 37mm, với hai ở phía trước và hai phía sau đuôi tàu. Pháo có tốc độ bắn khoảng 180 viên/phút, với tầm bắn khoảng 4,5km chống máy bay.

Hệ thống phòng không, phòng thủ chính của tàu là một bệ phóng tên lửa phòng không loại HHQ-7, phiên bản hải quân của tổ hợp HQ-7. Với 8 tên lửa sẵn sàng phóng và 16 tên lửa dự phòng, được bố trí phía sau pháo hạm chính. Đây là bản sao của tổ hợp Crolate của Pháp, hệ thống có khả năng tác chiến chống máy bay trong mọi điều kiện thời tiết, với tầm bắn khoảng 8-12km. Tuy nhiên, hệ thống này có khả năng chống tên lửa diệt hạm rất hạn chế với tầm bắn hiệu quả chỉ khoảng 4-6km.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Thandao-06131
Tàu khu trục 113 Thanh Đảo chiếc thứ 2 cũng là cuối cùng của Type 052.

Tàu được trang bị một hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 được bố trí ở đuôi tàu giữa hai bệ pháo phòng không 37mm. Hệ thống tên lửa chống hạm loại YJ-81 (C801A) với 8 tên lửa được bố trí trong các ống phóng giữa thân tàu. YJ-81 là một tên lửa chống hạm sao chép loại Exocet của Pháp. Loại tên lửa này chỉ có tầm bắn khoảng 42km. Lần hiện đại hóa năm 2004, tàu này được tái trang bị bằng loại YJ-83 (C-802) với tầm bắn 120km, đầu đạn nặng 165kg.

Về chống ngầm, tàu được trang bị hai ống phóng ngư lôi loại 324mm, sử dụng ngư lôi loại Yu-7 (bản sao của ngư lôi Mk46 của hải quân Mỹ). Ngư lôi này mang đầu đạn nặng 45kg với tốc độ khoảng 43 hải lý/h, tầm bắn khoảng 7,3km. Tàu được trang bị một hệ thống rocket chống ngầm loại RBU-1200 của Nga với 12 ống phóng rocket 240mm, tầm bắn 1.200m cơ số 120 quả.

Tàu được trang bị động cơ diesel kết hợp với hai động cơ tuabin khí GE LM 2500 công suất 55.000 mã lực, hai động cơ diesel MTU 12V 1163TB83 công suất 8840 mã lực. Tàu có tốc độ tối đa 32 hải lý/ h, chiều dài 142,6m , rộng 15,3m, mớn nước 5m , tải trọng 4.200 tấn tiêu chuẩn, 5.700 tấn đầy tải.

Hệ thống điện tử lai tạp

Type-052 được trang bị hệ thống điện tử khá rối rắm xuất xứ từ nhiều quốc gia khác nhau. Đây là tàu tham chiến mặt nước đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống chiến đấu biển Thomson-CSF TSR 3004 Tiger (Trung Quốc sao chép lại với tên gọi Type 360S/SR60), radar Type- 518 Rel 2 Haiying cho giám sát và cảnh báo sớm tầm xa, radar 345 MR35 kiểm soát bắn cho tổ hợp tên lửa phòng không HHQ-7.

Ngoài ra, tàu còn được trang bị radar 344 MR34 kiểm soát bắn cho tên lửa chống hạm và pháo hạm 100mm, hai hệ thống radar 347G dùng kiểm soát bắn cho pháo phòng không 37mm và hai radar hàng hải Racal Decca RM-1290.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Type052_test_soha_vn-26d6d
Type-052 là một lớp tàu quá yếu cả về công nghệ và khả năng tác chiến, nó đơn thuần chỉ là một dạng thử nghiệm công nghệ chứ chưa phải là một tàu chiến thực thụ.

Tàu được trang bị hai hệ thống định vị thủy âm DUBV-23 (SJD-8/9) gắn trên thân tàu cho nhiệm vụ tìm kiếm và tấn công tàu ngầm, hệ thống định vị thủy âm kéo theo DUBV-43 (ESS-1). Tàu có hai hệ thống phóng mồi bẫy Type 826C (BM-8610).

Type-052 là tàu tham chiến mặt nước đầu tiên của Trung Quốc được trang bị hệ thống tích hợp dữ liệu chiến đấu ZJK-4. Đây là bản sao của hệ thống Alenia Marconi Systems (nay Selex Sistemi Integrati) IPN-10 của Ý.

Các máy tính trung tâm tính toán, đánh giá dữ liệu về mục tiêu và phân bố đến các hệ thống vũ khí. Hệ thống có khả năng tìm kiếm và theo dõi nhiều mục tiêu, đánh giá mục tiêu nguy hiểm, tự động phân bổ vũ khí cho mục tiêu. Các hệ thống phụ trợ bao gồm hai loại 630 (GDG-775), SNTI-240 (Satcom) và đường truyền dữ liệu vệ tinh.

Điểm yếu

Dù là chiến hạm hiện đại nhất Hải quân Trung Quốc lúc đó, nhưng Type 052 vẫn lạc hậu khá nhiều khi so với các tàu chiến cùng thời của NATO và Nga.

Hệ thống điện tử tích hợp nhiều nguồn khác nhau gây ra sự không đồng bộ trong vận hành, tàu được tích hợp tới 40 công nghệ khác nhau của nhiều nước. Thủy thủ đoàn phải học thuộc ít nhất 1.000 từ tiếng Anh chuyên ngành để vận hành các thiết bị nhập khẩu.

Khi tàu 112 Cáp Nhĩ Tân ghé thăm Mỹ, giới quân sự NATO đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy rằng các thiết bị trong phòng điều khiển được dán các nhãn với đủ loại ngôn ngữ, tiếng Anh, Pháp, Italia, Trung Quốc. Một chi tiết khá thú vị là các hệ thống này không được thiết kế để hoạt động cùng với nhau.

Giới quân sự NATO kết luận Type 052 chỉ là một dạng chắp vá để thử nghiệm công nghệ chứ không thể hoạt động như một tàu chiến thực thụ. Rất may cho lớp tàu này là nó không phải tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang nào.

-------------------------------------------


Sau thất bại của dự án Type 052 lớp Lữ Hộ, Trung Quốc đã bắt tay phát triển một thế hệ tàu khu trục khác là Type 051B lớp Lữ Hải song cũng không mấy thành công.

Thiết kế của thế hệ tàu khu trục Type 052 lớp Lữ Hộ đã bộc lộ nhiều điểm yếu, mặt khác, hệ thống điện tử chắp vá trên tàu khiến nó hoạt động không đồng bộ. Cuộc “vi hành” đến Mỹ của tàu khu trục Type 052 đã khiến Trung Quốc bẽ mặt khi giới truyền thông phương Tây nhanh chóng chỉ ra hàng loạt điểm yếu của loại tàu chiến này.

Các nhà thiết kế Trung Quốc đã phát triển một thế hệ tàu khu trục mới nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân. Loại tàu khu trục mới được chỉ định là Type 051B lớp Lữ Hải. Tàu có thiết kế thủy động lực học hoàn toàn mới. Hai bên mạn tàu được thiết kế hơi dốc để giảm mặt cắt radar.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Type051B_soha_vn-8eada
Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Type051B_soha_vn-d519b
Tàu khu trục Type 051B số hiệu 167 Thâm Quyến trong chuyến thăm đến cảng Apra, đảo Guam, Mỹ.

Type 051B được xem là người đi tiên phong trong các thiết kế nhằm làm giảm diện tích phản hồi radar RCS. Chiếc đầu tiên được đóng tại nhà máy đóng tàu Đại Liên và đưa vào biên chế trong hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc vào năm 1998 với số hiệu 167 Thâm Quyến và trở thành loại tàu chiến hiện đại nhất Trung Quốc vào thời điểm đó.

So với tàu khu trục Type 052, Type 051B có tải trọng tăng thêm khoảng 2.000 tấn, lượng giãn nước toàn tải của tàu lên đến 7.100 tấn, đưa nó trở thành tàu khu trục có tải trọng lớn nhất từng được chế tạo tại Trung Quốc vào thời điểm đó.

Thêm một tác phẩm thất bại

Theo bản thuyết minh dự án do thiết kế trưởng ông Pan Jingfu trình bày trước các quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc thì Type 051B sẽ được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng VLS cho hệ thống tên lửa phòng không mới nhằm nâng cao khả năng phòng không cho tàu, cùng hàng loạt các nâng cấp về hệ thống điện tử và vũ khí.

Tuy nhiên, khi con tàu đi vào hoạt động, các quan chức Hải quân Trung Quốc nhận thấy rằng so với Type 052, tàu khu trục mới chẳng có gì thay đổi ngoài hình dáng mới. Hệ thống phóng thẳng đứng VLS cho tên lửa phòng không mới chẳng thấy đâu mà vẫn là loại HHQ-7 cũ đã được đánh giá không thành công trên tàu khu trục Type 052.

Hệ thống vũ khí trên tàu Type 051B vẫn y chang như trên tàu Type 052 bị chê tơi bời. Pháo chính nòng kép 100mm, 8 tên lửa phòng không tầm thấp HHQ-7 với 8 tên lửa sẵn sàng phóng và 8 tên lửa dự phòng được bố trí phía sau pháo chính.

Ngoài ra, trên tàu còn có 16 tên lửa chống hạm loại C-802 tầm bắn 120km, tên lửa này được dẫn hướng kết hợp quán tính và radar bán chủ động, đầu đạn nặng 165kg; 4 pháo phòng không nòng kép 37mm; 2 cụm phóng ngư lôi với 3 ống phóng/cụm. Đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho 2 trực thăng chống ngầm Z-9C của Trung Quốc hoặc Ka-28 của Nga.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Type051B_002_soha_vn-ea34b
Type 051B chỉ là một loại tàu thuộc kiểu “bình mới rượu cũ” so với Type 052 trước đó.

Hệ thống điện tử trên tàu không có gì nổi bật ngoài hệ thống radar tìm kiếm mục tiêu mới. Type 051B là tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc được trang bị radar tìm kiếm mục tiêu Type 381, loại radar này được cho là sao chép từ radar Fregat-MAE-5 của Nga.

Type 381 là một radar giám sát 3 tọa độ, radar này có thể phát hiện 50 mục tiêu và theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu. Type 381 hoạt động ở băng tần C, phạm vi tìm kiếm mục tiêu khoảng 100km. Radar khác bao gồm radar tìm kiếm mục tiêu mặt nước Type 360, radar điều khiển hỏa lực cho pháo chính Type 344.

Type 051B được trang bị hệ thống dữ liệu chiến đấu ZKJ-6 với tốc độ xử lý dữ liệu khoảng 10 Mbit/giây. Hệ thống liên kết dữ liệu HN-900 được cho là tương đương với Link-11 của NATO, hệ thống liên lạc vệ tinh SNTI-240 SATCOM.

Hệ thống động lực trên tàu được cho là sử dụng lại hệ thống động lực của tàu khu trục Type 052 trước đó, cũng có nguồn tin nói rằng tàu khu trục Type 051B sử dụng động cơ tuabin hơi nước do Trung Quốc tự sản xuất. Tốc độ tối đa của tàu khu trục Type 051B được cho khoảng 31 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động khoảng 14.000km.

Ngay khi được mời đến nghiệm thu tàu khu trục Type 051B mới mang số hiệu 167 Thâm Quyến, các quan chức Hải quân Trung Quốc đã vô cùng thất vọng với thiết kế mới. Chất lượng con tàu thực tế so với bản thuyết minh dự án có một khoảng cách khá xa.

Dự án tàu khu trục Type 051B lập tức bị đình chỉ, chiếc 167 Thâm Quyến trở thành chiếc duy nhất của lớp tàu này. Các nhà thiết kế tàu chiến Trung Quốc vội vàng phải giới thiệu một bản thiết kế mới là Type 051C với nhiều cải tiến.


-----------------------------------------------


Sau thất bại của dự án tàu khu trục Type 051B, các nhà thiết kế Trung Quốc đã vội vàng lấp liếm bằng dự án Type 051C nhưng sự thành công vẫn chưa đến với họ.

Dự án tàu khu trục Type 051B đã bị các quan chức Hải quân Trung Quốc chê tơi bời vì đặc tính kỹ thuật của nó không hơn gì các thế hệ tàu khu trục trước đó. Type 051B vẫn là một thế hệ tàu chiến “bình mới rượu cũ”. Ngoài vỏ tàu mới, bên trong không có nhiều thay đổi, đặc biệt là hệ thống vũ khí.

Trước yêu cầu cấp bách của Hải quân Trung Quốc về việc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa lực lượng tàu chiến mặt nước. Nhà máy đóng tàu Đại Liên đã trình lên Hải quân Trung Quốc một thiết kế tàu khu trục mới được chỉ định là Type 051C lớp Lô Châu.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc 257498f25a6dc4520d499vz5-79896
Tàu khu trục 115 Thẩm Dương, chiếc đầu tiên của thế hệ tàu khu trục Type 051C.

Nhằm rút ngắn giai đoạn phát triển, nhà máy đóng tàu Đại Liên đã sử dụng lại thiết kế của tàu khu trục Type 051B. Có thể nói rằng, tàu khu trục lớp Lô Châu là một thiết kế kiểu “bình mới rượu cũ”, các hệ thống điện tử, vũ khí trên tàu đã có sự thay đổi đáng kể, đặc biệt là hệ thống phòng không.

Chiếc đầu tiên của Type 051C mang số hiệu 115 Thẩm Dương được hạ thủy vào năm 2004, đưa vào sử dụng trong Hải quân Trung Quốc từ tháng 10/2006. Chiếc thứ 2 mang số hiệu 116 Thạch Gia Trang được đưa vào sử dụng từ năm 2007, cả hai chiếc này đang hoạt động trong biên chế Hạm đội Bắc Hải.

Điểm nổi bật của tàu khu trục Type 051C là hệ thống phòng không. Các nhà thiết kế Trung Quốc đã mạnh dạn nhập khẩu hệ thống phòng không trên hạm tầm xa Rif-M, biến thể hải quân của hệ thống tên lửa phòng không S-300.

Hệ thống phòng không tầm xa Rif-M được bố trí với 2 cụm phóng ở phía sau pháo chính với 8 tên lửa/cụm và 4 cụm phóng ở phía sau đuôi tàu. Tổng số tên lửa phòng không mà tàu có thể mang theo là 48 quả.

Hệ thống sử dụng đạn tên lửa 48N6 với tầm bắn tối đa 150km, tầm cao tối đa 27km. Việc điều khiển hỏa lực cho hệ thống phòng không Rif-M do hệ thống radar 30N6 Tomb Stone đảm nhận thay thế cho radar Volna sử dụng trên các tàu chiến của Nga.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Type051c_soha_vn-0366c

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc B00508054d01a9957e7a9-e1bff
Sơ đồ bố trí vũ khí, radar trên tàu khu trục Type 051C. Loại tàu này đã mang lại bước đột phá lớn trong năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc.

Radar này có khả năng cung cấp kênh dẫn hướng cho 12 tên lửa tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Việc nhập khẩu và trang bị hệ thống phòng không tầm xa trên hạm Rif-M đã mang lại một bước đột phá lớn cho năng lực phòng không trên hạm của Hải quân Trung Quốc.

Type 051C là thế hệ tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc có khả năng đảm đương nhiệm vụ phòng không cấp hạm đội. Vũ khí khác trên tàu bao gồm pháo hạm 100mm, 8 tên lửa chống hạm YJ-83 với tầm bắn khoảng 120km. Tên lửa YJ-83 được kết hợp dẫn hướng quán tính và radar bán chủ động giai đoạn cuối.

Vũ khí phòng vệ gồm có 2 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 được bố trí ở 2 bên mạn tàu với tầm bắn tối đa 3km. Kiểu bố trí này khiến tàu gặp khó khăn khi đối phó với các tên lửa chống hạm tấn công vào tàu từ phía trước hoặc phía sau. Khả năng tác chiến của hệ thống Type 730 bị giới hạn ở một góc nhỏ hơn 180 độ do vướng phải mạn tàu.

Về chống ngầm, tàu khu trục Type 051C được trang bị 2 cụm phóng ngư lôi hạng nhẹ 324mm với 3 ống phóng/cụm sử dụng ngư lôi Yu-7 sao chép từ ngư lôi Mk46 của Mỹ với tầm bắn tối đa 7,3km.

Hệ thống điện tử trên tàu chủ yếu nhập khẩu từ Nga. Trên đỉnh cột buồm chính của tàu được trang bị radar Type 346 được sao chép từ radar MR36 của Nga sử dụng cho nhiệm vụ tìm kiếm các mục tiêu mặt nước.

Cột buồm phía sau được trang bị radar Fregat-MAE-5 NATO gọi là: Top Plate. Đây là một radar giám sát trên không 3 tọa độ, hoạt động ở băng tần E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu trên không khoảng 120km, 50km với các mục tiêu tên lửa chống hạm. Radar này có khả năng kiểm soát 40 mục tiêu cùng lúc.

Giải mật hồ sơ các dự án tàu khu trục của Trung Quốc Rif-05b09
Hệ thống phòng không Rif-M trên tàu khu trục Type 051C vừa là điểm mạnh nhưng cũng chính là tử huyệt của nó.

Ngoài ra, phía trên tháp chỉ huy còn được trang bị radar Mineral-ME, NATO định danh Band Stand, radar này có nhiệm vụ phát hiện các mục tiêu ở giới hạn đường chân trời, cũng như cung cấp kênh dẫn hướng cho tên lửa chống hạm tấn công mục tiêu. Hai hệ thống radar Type 347 đảm đương nhiệm vụ điều khiển hỏa lực cho hệ thống Type 730.

Đuôi tàu có sàn đáp cho một trực thăng chống ngầm Ka-28 nhưng không có nhà chứa cho trực thăng vì hệ thống phòng không Rif-M phía sau đã chiếm quá nhiều không gian của tàu. Thoạt nhìn, Type 051C đã tạo ra được bước đột phá lớn trong khả năng tác chiến, đặc biệt là các chiến phòng không.

Tuy nhiên, điểm yếu chết người của tàu này nhanh chóng được bộc lộ. Hệ thống phòng không chính là vũ khí mạnh nhất của Type 051C nhưng cũng chính là tử huyệt khiến nó có thể bị tấn công một cách dễ dàng.

Radar điều khiển hỏa lực của hệ thống phòng không Rif-M được bố trí phía sau mà lại chỉ có một radar duy nhất, điều này khiến 2 cụm phóng phía trước gần như “có mắt không tròng”. Điểm mù radar nằm ngay vào phía mũi tàu, khả năng bảo vệ từ hướng tấn công phía trước gần như bằng 0.

Cứu cánh cuối cùng cho hướng tấn công này là hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 nhưng lại bố trí ở 2 bên mạn tàu khiến nó không có khả năng bắn về phía trước. Tàu khu trục Type 051C có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa trước các cuộc tấn công từ phía trước.

Chỉ 2 chiếc thuộc lớp tàu khu trục Type 051C được đóng mới điều đó cho thấy rằng tính năng kỹ chiến thuật của nó còn rất hạn chế. Từ Type 052, Type 051B đến Type 051C các nhà thiết kế Trung Quốc đã thử nghiệm rất nhiều các hệ thống điện tử-vũ khí khác nhau nhưng sự thành công vẫn chưa đến với họ.