Bộ trưởng Công an khẳng định không giới hạn việc điều tra gian lận thi THPT quốc gia, sẽ mở rộng ra nhiều địa phương, kiểm tra kết quả điểm những năm trước.

Hai cán bộ bị bắt trong vụ án gian lận điểm thi ở Hòa Bình  /  Công an Hoà Bình khởi tố vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia

Một trong những vấn đề nhận được nhiều câu hỏi của đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công an trong khuôn khổ kỳ họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 13/8 là vấn nạn gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Đánh giá đây là "gian lận nghiêm trọng", đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi: "Đây là loại tội phạm gì? Bộ Công an có bất ngờ không và làm gì để đảm bảo không xảy ra trong kỳ thi tới?”. 

 “Sai phạm trong kỳ thi làm mất niềm tin của người dân. Sự ăn gian, dối trá làm băng hoại đạo đức xã hội”, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nêu quan điểm trước khi chất vấn. Cho rằng công an có một phần trách nhiệm trong các sai phạm trên, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương hỏi thẳng: Công an tham gia các khâu đảm bảo an ninh trật tự của kỳ thi. Những vụ việc xảy ra cho thấy công an không giúp ngăn chặn việc này. "Trách nhiệm của công an địa phương được đặt ra thế nào và Bộ sẽ xử lý ra sao?", ông Cương hỏi.
Bộ Công an có thể rà lại điểm thi THPT để truy gian lận các năm trước Nguyen-si-cuong-6053-1534170443

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Quốc hội.



Gian lận thi cử có nhiều thủ đoạn mới 

Điềm tĩnh trả lời, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tán thành đánh giá của ông Cương, nhận thấy "đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng niềm tin, đạo đức xã hội, cũng như công bằng trong việc lựa chọn nhân tài cho đất nước". Bộ Công an đã phối hợp công an 3 địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Diện điều tra là người tham gia chấm thi, quản lý bài thi.

Theo ông Tô Lâm, loại tội phạm này không phải mới nhưng thủ đoạn luôn thay đổi. "Có thể năm trước đã có tình trạng gian lận trong thi cử, bởi nhiều cháu đỗ đại học điểm cao nhưng khi vào học với yêu cầu cao thì không theo được", ông Lâm nói.

Ông Tô Lâm thừa nhận, lực lượng công an tham gia nhiều khâu, phối hợp các cơ quan trong ngành giáo dục, từ bộ đến địa phương tại các điểm trường. Một số dấu hiệu cho thấy có cá nhân tham gia vào việc can thiệp điểm, móc nối với người có trách nhiệm trong hội đồng thi, quản lý đề thi, để thực hiện gian lận. Bộ Công an đang điều tra mở rộng các tiêu cực, vi phạm khác, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý. 

"Quan điểm chung của Bộ là với những vi phạm đó, bất kể lực lượng nào, kể cả trong nội bộ đều phải xử lý thích đáng”, thượng tướng khẳng định.
Bộ Công an có thể rà lại điểm thi THPT để truy gian lận các năm trước Minh-hoa-to-lam-7208-1534170443

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Quốc hội.



Có thể điều tra gian lận của kỳ thi những năm trước

Ngay khi Bộ trưởng Công an dứt câu trả lời, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lập tức giơ bảng đề nghị được nêu ý kiến.

Bà Hải hỏi dồn dập: “Kết quả điều tra các vụ việc gian lận thi cử trong thời gian bao lâu nữa sẽ có? Có điều tra ra ngoài các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Lạng Sơn... hay không? Phạm vi điều tra có mở rộng ra những năm trước?”.

Theo bà Hải, đây là những băn khoăn của cử tri, bởi việc gian lận ảnh hưởng tới việc tuyển sinh. Tất cả đều đang chờ kết quả điều tra của Bộ Công an. “Nếu tuyển sinh theo kết quả gian lận thì vô hình trung ảnh hưởng tới chỗ học của rất nhiều thí sinh khác. Bộ trưởng cho biết thời hạn giải quyết, điều tra?”, bà nói.

Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, đây là vụ án hình sự, lực lượng điều tra rất muốn tập trung để kết thúc nhanh nhưng phải bảo đảm nêu được ra các hành vi vi phạm và đối tượng vi phạm. Khi nào hoàn thành được yêu cầu đó, thời gian điều tra mới có thể kết thúc, nếu chưa xong thì sẽ tiếp tục gia hạn. “Không thể vì áp lực việc đi học mà kết thúc điều tra sớm. Hiện chưa thể nói được về thời gian, vì chúng tôi vẫn phải tiếp tục điều tra”, ông Lâm nói.

Ông Tô Lâm khẳng định nếu phát hiện vi phạm thì sẽ tiếp tục điều tra, không bó hẹp ở địa phương nào. Với kỳ thi các năm trước, Bộ Công an sẽ tiếp tục cùng Bộ Giáo dục kiểm tra, đánh giá lại kết quả của các trường, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm cũng sẽ điều tra.

“Tóm lại là không có gì giới hạn trong việc điều tra, xử lý các hành vi gian lận thi cử; quyết không bỏ lọt đối tượng nào liên quan đến vi phạm này”, Bộ trưởng Lâm khép lại phần trả lời chất vấn về vấn đề giáo dục.

Trước đó, trong chiều 13/8, ông đã đăng đàn suốt hơn hai tiếng để trả lời nhiều vấn đề về tình trạng tội phạm, tình hình an ninh trật tự...

Ngày 11/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2018 của hơn 900.000 thí sinh. Từ phân tích phổ điểm các tỉnh thành cho thấy tỷ lệ thí sinh đạt từ 9 điểm trở lên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc cao đột biến, trong khi đây là vùng trũng giáo dục.

Chỉ gần một tuần sau đó, Hà Giang là tỉnh đầu tiên phát hiện hành vi gian lận với việc sửa dữ liệu điểm của Phó phòng khảo thí Sở Giáo dục tỉnh này.

Bộ Giáo dục sau đó thành lập 4 tổ công tới 4 địa phương xác minh dấu hiệu bất thường. Kết quả Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đều có dấu hiệu gian lận, tiếp đến là Sơn La, Hòa Bình. Hàng loạt cán bộ giáo dục bị khởi tố, điều tra.