TTO - Theo bác sĩ, bệnh nhân thứ 34 đi từ nơi bùng phát dịch, có triệu chứng nhưng vẫn tiếp tục đi. Đến nay đã có 9 người bị nhiễm liên quan bệnh nhân này, và con số này còn có thể tăng.


Bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận đã 'siêu lây nhiễm' thế nào? Binhthuan-covid-15841469173781825759698

Đã có 9 bệnh nhân COVID-19 tại Bình Thuận và TP.HCM đều liên quan đến bệnh nhân thứ 34 (tại Bình Thuận), người đã trở về từ Mỹ hôm 29-2.

Nếu không khai báo y tế đầy đủ, trung thực, có thể sẽ phát tán nguồn lây cho nhiều người trong cộng đồng. Khi đó người bị lây không chỉ là F2 như hiện nay mà là Fn".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Tiếp xúc rộng, lây nhiễm nhanh

Trong số các bệnh nhân COVID-19 đã ghi nhận tại Việt Nam, có 2 trường hợp "siêu lây nhiễm". Cụ thể, bệnh nhân N.T.D. ở Vĩnh Phúc đi tập huấn tại Vũ Hán (Trung Quốc) về Việt Nam hôm 17-1. D. đã lây bệnh cho 6 người khác. Trường hợp bệnh nhân COVID-19 thứ 34 (tại Bình Thuận) cũng là nguồn lây bệnh cho 9 bệnh nhân khác. Vì sao D. và bệnh nhân thứ 34 lại làm lây nhiễm mạnh đến như vậy?

Trường hợp của D. và bệnh nhân thứ 34 tương tự như trường hợp bệnh nhân thứ 31 của Hàn Quốc, cũng có tiếp xúc rộng và làm lây lan sang nhiều người.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phó trưởng tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, cho đến nay virus SARS-CoV-2 mới được biết đến trong thời gian tròn 3 tháng (ghi nhận từ 12-12-2019). Vì vậy đây là loại virus rất mới và nhiều điều chưa rõ ràng.

Mô hình ở Trung Quốc - nơi xuất phát của virus này - là 1 người lây cho 2-3 người. Thế nhưng như bệnh nhân D. trong 1 tuần đã lây bệnh cho 6 người. Hay bệnh nhân thứ 34 trong khoảng 10 ngày đã lây cho 9 người khác và số lượng người lây ở Bình Thuận liên quan đến bệnh nhân 34 còn có thể tăng.

"Nguyên tắc là càng tiếp xúc gần với nguồn bệnh thì nguy cơ lây bệnh càng tăng. Có những ý kiến cho rằng nồng độ virus ở nguồn lây - là bệnh nhân đã nhiễm bệnh - cao thì nguy cơ lây bệnh cũng tăng theo. Thế nhưng tôi cho rằng đây chỉ là một giả thiết. Chỉ cần một con virus bắn ra từ người bệnh, rồi bám vào bề mặt mà chúng ta sờ phải, rồi không tuân thủ rửa tay sạch thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh" - ông Khuê lý giải.

Ông Khuê cũng cho hay từ tối 11-3, Bộ Y tế đã điều động tổ chống dịch cơ động của Bệnh viện Chợ Rẫy đến trợ giúp cho Bình Thuận, nơi đang có số bệnh nhân nhiều nhất hiện nay (9 người). Trong số này có các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đến giúp Bình Thuận.

Bộ Y tế đã yêu cầu tổ công tác hỗ trợ Bình Thuận theo hình thức cầm tay chỉ việc cho đến khi Bình Thuận làm tốt mới quay lại TP.HCM, nếu chưa ổn sẽ hỗ trợ đến khi bệnh nhân được ra viện và kiểm soát được dịch.

"Thời điểm đầu tiên khi Bình Thuận mới tiếp nhận bệnh nhân thì họ có lúng túng, do mới quá và họ chưa có kinh nghiệm. Nhóm trợ giúp đều là các bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm. Trong tình huống Bình Thuận có thêm bệnh nhân, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ theo hướng đưa thêm các tổ lưu động đến hỗ trợ hoặc trợ giúp từ xa qua telemedicine. Những việc này đều đã có phương án cụ thể" - ông Khuê nói thêm.

Bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận đã 'siêu lây nhiễm' thế nào? Do-hoa-qua-trinh-lay-benh-tu-bn-34-15841469709051196737111

80% nguồn lây COVID-19 từ trong gia đình

Việc có tổng cộng 9 ca nhiễm COVID-19 ở Bình Thuận đều bắt nguồn từ bệnh nhân thứ 34, đặc biệt phần lớn người bị lây đều trong gia đình... là điều được bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng TP.HCM - cảnh báo từ trước.

Chia sẻ thêm, bác sĩ Khanh dẫn số liệu thống kê các ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu thì có đến 80% có nguồn lây từ trong gia đình. "Tất cả sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, mà trước tiên không đi đâu xa chính là gia đình của mỗi người. Đặc biệt, nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, nguy cơ nhiễm bệnh lại càng cao, càng nguy hiểm" - bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, bệnh nhân thứ 34 này đi từ nơi bùng phát dịch, có triệu chứng nhưng vẫn tiếp tục đi. Và hậu quả đúng như dự đoán, những người trong gia đình bị lây nhiễm trước, sau đó đến đồng nghiệp và cộng đồng xã hội.

"Do đó, khi bước ra giao lưu với cộng đồng (ở nước ngoài) trở về, mỗi người phải hình dung được sự nguy hiểm với những người rất gần gũi trong gia đình, sau đó mới tới bạn bè, đồng nghiệp, cộng đồng" - bác sĩ Khanh cảnh báo.

Điều quan trọng hiện nay, theo bác sĩ Khanh, là những người có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 phải tự nhận thức đã tiếp cận với ai và nhanh chóng khai báo y tế. Bởi nếu không khai báo đầy đủ, trung thực, có thể sẽ phát tán nguồn lây cho nhiều người trong cộng đồng. Khi đó người bị lây không chỉ là F2 như hiện nay mà là Fn.

Bình Thuận thiếu hụt trang thiết bị y tế

Chiều 13-3, UBND tỉnh Bình Thuận thông báo 67/67 mẫu bệnh phẩm liên quan đến 9 bệnh nhân COVID-19 ở địa phương vừa có kết quả âm tính. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Bình Thuận vẫn đang triển khai khẩn trương, chạy đua từng giây khi vẫn còn khoảng 100 trường hợp F1 đang được cách ly tập trung, chờ kết quả xét nghiệm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Việt - giám đốc Sở Y tế Bình Thuận - cho biết địa phương đang đề xuất xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến cấp 1 ở tuyến huyện và cấp 2 tuyến tỉnh. Dự kiến bệnh viện dã chiến cấp 2 dùng để cách ly tập trung sẽ triển khai tại Trường Quân sự Bình Thuận.

Địa phương cũng vừa mở rộng thêm cơ sở điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi tỉnh này. Đối với 2 cơ sở cách ly tập trung hiện tại là Trung đoàn 812 đóng tại thị xã La Gi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có dấu hiệu quá tải.

Nói thêm về những khó khăn trong việc trang bị cơ sở vật chất, ông Lê Văn Hồng - phó giám đốc Sở Y tế Bình Thuận - cho biết địa phương chỉ duy trì thêm thời gian ngắn do diễn biến dịch bệnh phức tạp.

Trước những khó khăn này, Bình Thuận mong được Chính phủ quan tâm hỗ trợ thêm. Cụ thể, nơi đây đang cần hỗ trợ gồm: bộ đồ dùng cho điều trị (nhóm A) 5.000 bộ, khẩu trang N95 10.000 chiếc, khẩu trang y tế thường 200.000 chiếc, bộ đồ chống dịch thông thường 10.000 bộ, găng tay y tế 10.000 chiếc và nhiệt kế điện tử 500 chiếc.

Ông Nguyễn Đức Hòa - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho biết địa phương đã đề xuất những khó khăn trên đến Bộ Y tế để hỗ trợ. Cũng theo ông Hòa, trong thời gian chờ hỗ trợ, địa phương tiếp tục tự lo theo phương châm "4 tại chỗ".

Vừa qua, Viện Pasteur Nha Trang đến khảo sát Bệnh viện Phổi Bình Thuận để sẵn sàng tiếp tế, điều trị kịp thời. Cũng như đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa đến kiểm tra, khảo sát khu điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận để sẵn sàng hỗ trợ.
[/td]
[/tr]
[/table]
[/quote]