Tối 1-8, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với trung úy cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc - người được cho là dùng gậy tấn công cảnh sát giao thông (CSGT) vào trưa 28-7, gây xôn xao dư luận trong mấy ngày qua.

Vụ một CSCĐ tấn công CSGT: Người trong cuộc nói gì? 511516_e1acd
Cảnh xô xát giữa trung úy CSCĐ Trần Đại Phúc (trái) và thượng sĩ CSGT Văn Thành Luân trong video clip - Ảnh cắt từ clip

Qua điện thoại, trung úy Trần Đại Phúc cho biết anh đã bị tạm đình chỉ công tác, hiện ở tại đơn vị để tường trình vụ việc và chờ xác minh, kết luận của cơ quan chức năng.

Lời kể của trung úy Phúc

Anh Phúc kể trưa hôm đó anh chạy xe Suzuki Sport, không đội mũ bảo hiểm, đi mua bánh mì ở tiệm gần nhà. Khi về đến khúc cua giao giữa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và đường D5 (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì bị một cú đập mạnh từ phía sau vào vai và đầu. Anh dừng xe lại, nhận ra người đánh là một CSGT, anh hỏi: “Sao anh lại đánh tôi?”. CSGT không trả lời mà vung gậy đánh tiếp khiến anh phải vứt xe bỏ chạy, người CSGT lập tức đuổi theo.

Trong lúc bỏ chạy, anh nhặt một thanh kim loại nhẹ và dẻo giống như nhôm để chống trả, hai bên xô xát với nhau. “Khi đẩy được anh CSGT vào nhà bên đường, tôi nói cho anh đó biết tôi là cảnh sát cơ động và anh đó cũng nhận lỗi là đánh lầm vì thấy tôi mặc quần đùi, đầu trần, chạy xe Suzuki Sport nên tưởng là dân đua xe. Sau đó anh CSGT ra xe đi trước” - anh Phúc cho biết.

Giải thích về vụ việc xảy ra sau đó tại trụ sở Đội CSGT Hàng Xanh (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), anh Phúc thuật lại: “Sau khi xô xát với anh CSGT, tôi về nhà kể lại với ba tôi. Ba tôi nghe xong, lấy xe máy chở tôi sang trụ sở Đội CSGT Hàng Xanh ở bên kia cầu Bình Triệu xin gặp chỉ huy đội để tường trình về việc anh CSGT kia thực hiện không đúng điều lệnh và đánh tôi vô cớ. Lúc đến nơi, tôi và ba tôi vào phòng trực ban xin gặp chỉ huy. Một anh ở trong phòng nói cán bộ trực ban ăn cơm phía sau, tôi ra phía sau thì gặp một anh đang cởi trần ăn cơm. Tôi với ba tôi xin gặp chỉ huy, anh này cho biết đang giờ nghỉ trưa, hẹn 14g quay lại. Tôi với ba tôi nói chỉ muốn gặp chỉ huy vài phút để tường trình, nhưng không được nên tôi có lớn tiếng".

"Sau đó, có một anh CSGT từ trong phòng đi ra cầm khẩu súng ngắn chĩa vào đầu tôi dọa bắn. Tôi sợ quá, vội thò tay vào túi quần lấy điện thoại định gọi báo công an phường. Lúc này bất chợt con dao xếp từ trong túi tôi rớt ra ngoài. Đây là con dao trước đó tôi dùng gọt trái cây hai vợ chồng ăn, khi vợ hối thúc đi mua bánh mì rồi đi đón con, tôi bỏ luôn vô túi. Khi xô xát với anh CSGT ở ngoài đường tôi cũng không nhớ là mình có con dao trong túi. Lúc con dao mới rớt ra đất, tôi cúi xuống nhặt con dao, mấy anh CSGT ở đây xông vô đánh tôi và đánh cả ba tôi nữa”.

Lời kể của cha trung úy Phúc

Tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ tại nhà riêng, ông Trần Đại Phước - ba của trung úy Trần Đại Phúc - cho biết con mình có kể lại sự việc va chạm với CSGT. “Thấy con mình không đội mũ bảo hiểm là sai, nhưng nghe thuật lại là bị CSGT vô cớ đánh, tôi cũng nguyên là cán bộ công an, thấy không chịu được nên đưa con qua đó với ý định gặp anh em chỉ huy để tường trình và khiếu nại. Lúc đó tôi cũng quên coi đồng hồ, không biết là đã đến giờ nghỉ trưa” - ông Phước nói.

Ông Phước nhìn nhận khi bị từ chối không cho gặp chỉ huy Đội CSGT Hàng Xanh, anh Phúc có nóng nảy và to tiếng. Ông Phước cũng khẳng định có việc một CSGT chĩa súng dọa bắn và có gần 10 người vây lại đánh anh Phúc. Ông Phước kể: “Tôi la lên cha con tôi cũng là công an, sao mấy anh lại đánh như vậy. La làng không được, tôi lấy điện thoại ra chụp ảnh thì bị ba anh CSGT kéo tách ra ngoài và đánh. Sau đó họ tước điện thoại của tôi, xóa hết hình ảnh đã chụp rồi mới trả lại”.

Ông Phước cho hay lúc công an phường có mặt, anh Phúc đã bị đánh khá nhiều, mặt mũi chảy đầy máu. Sau đó lãnh đạo đơn vị công tác của anh Phúc cũng đến nơi. “Tôi trình bày lại sự việc với công an phường và lãnh đạo hai bên, sau đó các anh thống nhất đây chỉ là sự việc hiểu lầm lẫn nhau nên mới xảy ra chuyện. Các bên lập biên bản hòa giải, tôi đồng ý không khiếu nại việc con tôi bị đánh. Tôi tưởng sự việc giải quyết vậy rồi thôi, chứ không nghĩ rằng được nhiều người quan tâm và gây bức xúc đến vậy”.

“Lúc ông và con ông bị đánh ở trụ sở Đội CSGT Hàng Xanh, có lãnh đạo nào của đội có mặt chứng kiến và can ngăn không?” - chúng tôi hỏi. “Lúc đó có anh Đức đội phó và một anh nữa mà sau này tôi mới biết là đội trưởng, cấp bậc trung tá” - ông Phước nói.


Sẽ xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ
Chiều 1-8, đại tá Lê Anh Tuấn - chánh văn phòng Công an TP.HCM - cho biết sáng cùng ngày, ban giám đốc Công an TP đã có cuộc họp và quyết định đình chỉ công tác trung úy Trần Đại Phúc, thuộc tiểu đoàn cảnh sát cơ động số 1, trung đoàn cảnh sát cơ động thuộc Công an TP.HCM, để cơ quan điều tra làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, ngay khi xảy ra sự việc, ban giám đốc Công an TP chỉ đạo giao cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.Bình Thạnh làm rõ vụ việc.
Theo đại tá Tuấn, sau khi xem xét một đoạn video clip có cảnh một người đàn ông dùng gậy tấn công CSGT được phát tán trên mạng, Công an TP đã yêu cầu các cơ quan có liên quan tiến hành xác minh. Qua đó, xác định người tấn công CSGT là trung úy Trần Đại Phúc, người bị tấn công là thượng sĩ Văn Thành Luân (Đội CSGT Hàng Xanh, thuộc Phòng CSGT đường bộ đường sắt Công an TP.HCM).
Đại tá Lê Anh Tuấn cho biết đoạn video clip phát tán trên mạng cho thấy hành vi chống người thi hành công vụ của trung úy Phúc khá rõ, hành vi này sẽ được xử lý nghiêm. Ngoài việc bị xử lý theo luật, trung úy Phúc còn phải chịu những hình thức kỷ luật khác của ngành công an. Khi có kết quả điều tra, Công an TP sẽ công bố các hình thức kỷ luật và các quyết định khác.
Cùng ngày, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo Công an TP nhanh chóng làm rõ vụ việc, sớm có các quyết định xử lý và công bố tới các phương tiện truyền thông.
G.Minh
“Anh Phúc rút dao tấn công tôi”
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, đại úy CSGT Nguyễn Đoàn Phúc (cùng đơn vị với thượng sĩ Văn Thành Luân) cho biết lúc 12g15 ngày 28-7, khi đang ngồi ăn cơm tại bếp ăn tập thể của cơ quan, bất ngờ có một thanh niên (sau xác định là Trần Đại Phúc) xông vào la hét rồi chửi bới và yêu cầu đại úy Nguyễn Đoàn Phúc cho gặp lãnh đạo để giải quyết vụ việc.
Lúc này đại úy Nguyễn Đoàn Phúc mời Trần Đại Phúc ra khỏi trụ sở của cơ quan và hẹn đến 13g30 trở lại sẽ có lãnh đạo tiếp giải quyết vụ việc. Thế nhưng Trần Đại Phúc tiếp tục la lối, phản ứng và văng tục, yêu cầu cho gặp lãnh đạo ngay.
Đại úy Nguyễn Đoàn Phúc đành mời Trần Đại Phúc ra gặp trực ban để liên hệ công tác, trình bày yêu cầu. Thay vì ra phòng trực ban, Trần Đại Phúc lại “tiếp tục la hét, đồng thời rút dao gấp trong túi quần ra tấn công tôi” - đại úy CSGT Nguyễn Đoàn Phúc nói.
Ngay khi tránh được cú tấn công, ông được một số anh em chiến sĩ cùng đội chạy ra hỗ trợ, khống chế Trần Đại Phúc và tước con dao đang cầm.
Đ.TUYÊN

Theo Nguyễn Triều
Tuổi trẻ