Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar bày tỏ hoài nghi về vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới của Nga.

"Vấn đề không phải là quốc gia nào có vaccine đầu tiên, mà phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ và người dân thế giới. Chúng tôi cần dữ liệu minh bạch, và đó phải là dữ liệu về giai đoạn thử nghiệm 3 cho thấy vaccine an toàn và hiệu quả", Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar nói với đài ABC khi được đề nghị bình luận về việc Nga tuyên bố sản xuất thành công vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Bộ trưởng Mỹ tỏ ra hoài nghi về tính kỹ lưỡng trong quá trình thử nghiệm của Nga. Các thử nghiệm ở giai đoạn 3, cũng là giai đoạn cuối cùng thường liên quan tới hàng nghìn người và kéo dài trong nhiều tháng.

Mỹ hiện mới chỉ có 2 ứng viên vaccine bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3...

Nga tuyên bố có vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới: Bộ trưởng Mỹ hoài nghi Virus-outbreak-trump-2-14-1587870086-07551813
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar. (Ảnh: PPG)

Với trường hợp của Moderna, họ phải hoàn thành việc đăng ký cho những người tham gia (có thể là vào cuối tháng 9) trước khi tiêm những mũi đầu tiên và đợi 28 ngày trước khi tiêm mũi thứ 2. Sau đó cần 2 tuần để xem vaccine có hiệu quả hay không. Kế đó, các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi để cập nhật các tác dụng phụ của vaccine nếu gặp phải.

Trong giai đoạn 3, Moderna dự kiến thử nghiệm trên 30.000 người.

Chính vì thế, các chuyên gia vaccine khẳng định, Mỹ chưa thể có vaccine COVID-19 trong tháng 11/2011 như tuyên bố có phần lấp lửng của Tổng thống Donald Trump.

Cũng bởi quá trình sản xuất vaccine phức tạp và tốn thời gian nên nhiều chuyên gia thế giới cho rằng Nga đang liều lĩnh khi công bố thành công quá sớm.

"Tôi sẽ không chấp nhận (vaccine của Nga). Có vẻ như nó chỉ được thử nghiệm trên vài trăm bệnh nhân", bác sĩ Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nói về vaccine mới của Nga. 

Ông này bày tỏ lo ngại về độ an toàn và hiệu quả của vaccine mà Nga vừa phê duyệt.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó khẳng định tất cả các ứng viên vaccine phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm đầy đủ trước khi được tung ra thị trường. 

Giới khoa học phương Tây từng lo ngại Matxcơva đốt cháy giai đoạn dưới áp lực chính trị vốn quảng bá hình ảnh Nga như một lực lượng khoa học toàn cầu.

Các thử nghiệm lâm sàng của vaccine ở Nga được cho là bắt đầu từ 18/6 với sự tham gia của 38 tình nguyện viên. Tất cả người tham gia đều phát triển khả năng miễn dịch sau khi tiêm thử nghiệm. Nhóm đầu tiên xuất viện ngày 15/7 và nhóm thứ hai vào ngày 20/7.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin khẳng định vaccine chống COVID-19 đã trải qua các thử nghiệm cần thiết, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển thành công vaccine của Nga là "bước tiến rất quan trọng đối với thế giới".

Trong khi các quan chức Nga cho biết việc sản xuất vaccine hàng loạt chưa được lên kế hoạch cho tới tháng 9, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova thông tin việc tiêm chủng cho các bác sỹ có thể bắt đầu sớm nhất là trong tháng này.

Giới chức Nga nói những người được tiêm phòng sẽ được giám sát chặt chẽ. Và việc tiêm chủng hàng loạt có thể bắt đầu vào tháng 10.

https://vtc.vn/nga-tuyen-bo-co-vaccine-covid-19-dau-tien-tren-the-gioi-bo-truong-my-hoai-nghi-ar563274.html