(VTC News) – Chiều nay, 4/8, Quốc hội khóa mới của Việt Nam sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình biển Đông.
Theo chương trình điều chỉnh của Quốc hội, vào cuối buổi chiều 4/8, sau khi thảo luận ở Hội trường về việc triển khai chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình biển Đông.

Chiều nay, QH nghe báo cáo tình hình biển Đông Bien-dong-VNE
Hoàng hôn trên Biển Đông. Ảnh: travelpod.com
Thông báo của Bộ Ngoại giao hôm qua cho biết từ ngày 29/7 đến 1/8 đã diễn ra Đàm phán vòng 7 cấp chuyên viên về Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Qua 7 vòng đàm phán, hai bên đã sơ bộ nhất trí với nhau về một số nguyên tắc như: Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982", văn bản trên dẫn lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga.

"Trong quá trình giải quyết tranh chấp, cần nghiêm chỉnh thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), không tiến hành bất cứ hành động nào nhằm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; Những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì cần trao đổi giữa các bên liên quan".

Trước đó, trao đổi với VTC News, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Đây chính là thử thách đầu tiên để người dân đánh giá hoạt động của Quốc hội. Vì những hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta, phá hoại hoạt động lao động hợp pháp của người dân và doanh nghiệp Việt Nam trên biển, áp đặt đường lưỡi bò hết sức phi lý… đang làm cho các tầng lớp nhân dân ta lo lắng và phẫn nộ…Uy tín của Quốc hội sẽ được xác lập ngay qua việc bàn thảo và ra được Nghị quyết về Biển Đông”.

Chiều 3/8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn nhân sự của Hội đồng Quốc phòng an ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh.
Theo đó, Phó Chủ tịch hội đồng Quốc phòng an ninh là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Các Ủy viên gồm ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội), Phùng Quang Thanh (Bộ trưởng Quốc phòng), Trần Đại Quang (Bộ trưởng Công an), Phạm Bình Minh (Bộ trưởng Ngoại giao).