MU, De Gea và hội chứng hậu Schmeichel

Cả 2 trận đấu chính thức trong màu áo mới, De Gea đều mắc lỗi khá rõ ràng khiến Manchester United phải nhận những bàn thua chết người. Chừng đó cũng đủ để các fan Quỷ đỏ âu lo về “hội chứng hậu Schmeichel”…
>> De Gea chơi 'tồi' nhất trận West Brom - MU
>> Thắng nghẹt thở, MU chấm dứt chuỗi trận toàn hòa của 'Tứ đại gia'
>> 5 bản hợp đồng đắt nhất 'phiên chợ Hè' Ngoại hạng Anh
>> Nani lập cú đúp, MU ngược dòng hạ Man xanh

Hội chứng hậu Schmeichel
Trước hết cần phải làm rõ hội chứng hậu Schemichel là gì? Khỏi phải nói ai cũng biết đến tên tuổi của Peter Schmeichel. Thủ thành người Đan Mạch này thực sự là một người khổng lồ trong khung thành của MU theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Cùng Schmeichel, MU đã đoạt tổng cộng 15 danh hiệu lớn nhỏ (5 chức vô địch giải Ngoại hạng, 3 FA Cup, 1 League Cup, 4 Community Shield, 1 Champions League và 1 Siêu Cup Châu Âu). Còn thần giữ đền sinh năm 1963 này được thừa nhận là 1 trong số những “người nhện” xuất sắc nhất thế giới trong thế kỷ 20 (hiện Schmeichel vẫn đang giữ kỉ lục về tỉ lệ giữ trắng lưới ở giải Ngoại hạng khi không để thủng lưới ở 42% số trận mà anh bắt chính)
MU, De Gea và hội chứng hậu Schmeichel T367857
Schmeichel để lại cái bóng quá lớn ở Old Trafford
Có thể nói với tài năng của mình, trong 9 năm thi đấu tại Old Trafford, Schmeichel đã góp phần không nhỏ cùng Sir Alex Ferguson tạo nền móng vững chắc cho đế chế MU huy hoàng như ngày nay. Thậm chí, chính Ngài máy sấy tóc còn phải thừa nhận: “cậu ta (Schmeichel –PV) chính là bản hợp đồng thế kỷ của tôi” (được mua về từ CLB Brondby với giá bèo bọt 530 nghìn bảng năm 1991) để nói lên tầm quan trọng của Schmeichel ở MU.
Và cũng bởi cái bóng mà thủ môn người Đan Mạch này để lại quá lớn, nên sau khi Schmeichel chia tay MU, Quỷ đỏ đã phải rất chật vật mới tìm được người “khoác vừa” cái áo số 1 tại Old Trafford. Trước khi thủ thành van der Sar đầu quân dưới trướng HLV Ferguson (năm 2005), MU đã phải trải qua 5 mùa giải dài vật lộn với nỗi lo thường trực nơi vị trí vẫn được coi là 50% sức mạnh đội bóng.
Clip Taibi "đẻ trứng"
Lần lượt Massimo Taibi, Mark Bosnich rồi Fabien Barthez, Roy Carroll hay Tim Howard được đưa về Nhà hát của những giấc mơ trong sự kì vọng lớn lao. Song để rồi tất cả đều chỉ để lại những cơn ác mộng, những sự thất vọng ghê gớm.
Đầu tiên là Massimo Taibi. Chàng thủ môn này phạm một sai lầm xứng đáng được liệt vào những tình huống ngớ ngẩn nhất trong sách giáo khoa bóng đá (để bóng lọt háng vào lưới sau một cú sút xa nhẹ hều của Matthew Le Tissier trong trận MU gặp Southampton). Kết quả là “gã mù thành Venice” (theo cách chế giễu của báo chí Anh) nhanh chóng bị đày lên băng ghế dự bị chỉ sau 4 trận được bắt chính, rồi bị tống khứ về Italia trong mùa hè năm sau.
MU, De Gea và hội chứng hậu Schmeichel T367858
Ngay cả một thủ thành tài danh như Fabien Barthez cũng chôn vùi sự nghiệp ở Manchester United
Tiếp đến là Mark Bosnich. Thủ thành người Úc trở lại MU (Bosnich từng có thời gian đầu quân cho MU từ 1989-1991) sau 8 năm bắt rất thành công tại Aston Villa (được coi là một trong những thủ môn hàng đầu giải Ngoại hạng ở thời điểm ấy). Thế nhưng, tại Old Trafford, Bosnich cũng chỉ chơi tốt trong 1 thời gian ngắn, trước khi đánh mất phong độ khiến HLV Ferguson cực chẳng đã phải chữa cháy bằng Barthez (giá 7,8 triệu Bảng). Và chỉ sau 2 năm đầu quân cho MU, Bosnich đã phải đào tẩu sang Chelsea. Tiếp đó anh này bị phát hiện sử dụng cocaine rồi chính thức chìm nghỉm.
Người kế nhiệm Bosnich là Barthez cũng chẳng khiến ai yên tâm. Không ít lần thủ môn người Pháp tự biến mình thành trò hề bởi những pha bóng lập dị. Điển hình như việc “hồn nhiên” đứng giơ tay ra hiệu việt vị để Paolo Di Canio của West Ham ung dung đi bóng và ghi bàn loại MU ở vòng 4 FA Cup mùa 2000-2001. Đến mùa 2001-2002, Barthez mắc sai lầm dẫn tới 2 bàn thua trong trận MU để Deportivo La Coruna hạ nhục ngay tại Old Trafford ở Champions League. 1 tháng sau (11/2011), Barthez lại tiếp tục có 2 pha “tấu hài” nữa trước Arsenal. Sự kiên nhẫn của Sir Alex dành cho Barthez chính thức chấm dứt ở mùa giải 2002-2003 khi anh chơi rất tệ khiến MU bị Real Madrid hạ knock-out tại Champions League (trong 3 trận đấu cuối mùa, HLV Ferguson đều sử dụng thủ môn Roy Carroll, sau đó Barthez bị đẩy trở lại Marseille theo dạng cho mượn).
Fabien Barthez "tấu hài"
Số phận của Roy Carroll và Tim Howard cũng không khá khẩm gì hơn. Họ cũng thường xuyên mắc những sai lầm đáng tiếc khiến đội nhà phải trả giá để rồi lần lượt phải bật bãi phải Old Trafford. Trong đó, Howard chính là người mắc sai lầm dẫn đến bàn thua vào phút chót “giúp” Porto của Mourinho loại MU ở Champions League 2003/2004 - một bước ngoặt làm nên tên tuổi của Người đặc biệt như hiện nay.
Sức ép hậu Schmeichel
Chỉ đến khi van der Sar xuất hiện, “hội chứng hậu Schmeichel” mới chấm dứt. Những sai lầm ngớ ngẩn chết người mới dần buông tha MU. Bằng tài năng và bản lĩnh của mình, thủ môn người Hà Lan đã làm cho các fan của Quỷ đỏ vơi đi nỗi nhớ về tượng đài một thời.
MU, De Gea và hội chứng hậu Schmeichel T367861
Van der Sar là huyền thoại duy nhất có thể sánh ngang Schmeichel
Có thể thấy, các thủ môn được đưa về để thay thế Schmeichel (trước van der Sar) đều là những thủ thành tài năng. Taibi được xem là một trong những người gác đền tốt nhất Italia thời điểm đó; Barthez là chốt chặn vững vàng cùng ĐT Pháp đăng quang tại World Cup 1998 và EURO 2000 (thậm chí còn chia sẻ kỉ lục giữ sạch lưới ở các VCK World Cup với Peter Shilton: cùng 10 trận); Tim Howard là thủ môn số 1 của ĐT Mỹ và hiện vẫn bắt rất hay trong mùa áo Everton … Ấy vậy mà, tất cả đều thất bại.
Có lẽ chỉ có thể lí giải rằng áp lực từ cái bóng khổng lồ của Schmeichel để lại là quá lớn. Hậu quả là chẳng ai trong số họ có đủ bản lĩnh để vượt qua và đều tự gục ngã trước sức ép, mắc những sai lầm ngớ ngẩn, qua đó dần đánh mất sự tự tin, để rồi càng chơi càng tệ.
Ở khía cạnh nào đó, De Gea dường như cũng đang ở trong hoàn cảnh khốn khổ tương tự. Dù không quá vĩ đại như Schmeichel, nhưng rõ ràng chiếc áo mà van der Sar để lại cũng là không hề nhỏ với một thủ môn mới chỉ 20 tuổi. Bản hợp đồng kếch xù (17,6 triệu Bảng) cùng sự kì vọng có thể thay thế hoàn hảo van der Sar dĩ nhiên sẽ tạo ra áp lực cực lớn với De Gea. Và có vẻ thủ thành người TBN đang mất tập trung, bị phân tâm vì điều đó. Bằng chứng là 2 pha bóng có phần giật mình, đổ người chậm chạp dẫn đến bàn thua ở 2 trận đấu liên tiếp.
Giống như nhừng người từng “mắc hội chứng hậu Schmeichel” trước đây, tài năng của De Gea là không phải bàn cãi (thể hiện qua màn trình diễn tại Atletico Madrid và thực tế trước cả Man City lẫn West Brom, De Gea vẫn có một số pha cản phá xuất sắc), song anh có vượt qua được cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm hay không lại là một câu chuyện khác.
MU, De Gea và hội chứng hậu Schmeichel T367863
De Gea đang chịu sức ép lớn từ cả hội chứng hậu Schmeichel và Van der Sar
Để làm được điều đó, không có cách nào khác, De Gea sẽ buộc phải chứng tỏ được bản lĩnh của mình, duy trì sự tập trung, để ngay lập tức tự đứng lên từ những thất bại.
Bằng không chẳng ngoại trừ khả năng thêm một ngôi sao nữa sẽ lại lụi tàn ngay tại chính Nhà hát của những giấc mơ. Bởi nên nhớ rằng, với vị trí thủ môn khi bạn thường xuyên mắc sai lầm…thì nó rất dễ trở thành cái dớp, đồng thời biến bạn thành một kẻ tầm thường do sự tự tin bị bào mòn, thay vào đó là tâm lý lo âu, run tay trong từng pha bóng.
TUỆ MINH
Theo Bưu điện Việt Nam