Thế giới
Thứ Bảy, 20/08/2011 09:56

Sự thật đằng sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima

Bên cạnh những tác động từ trận sóng thần, động đất kinh hoàng hôm 11/3 vừa qua, kết cấu của các lò phản ứng cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra thảm họa hạt nhân tại Nhật Bản.
Sự thật đằng sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima T641598
Sức mạnh không thể tưởng tượng của trận động đất kèm theo sóng thần hôm 11/3 đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Nhật Bản, đặc biệt là cuộc khủng hoảng hạt nhân mà cho đến nay, các nhà chức trách vẫn đang đau đầu để kiểm soát tình hình và khắc phục rò rỉ phóng xạ. Tuy nhiên, những bằng chứng mới nhất cho thấy, các lò phản ứng hạt nhân vốn dĩ đã có vấn đề trước khi bị sóng thần tác động vào gây hư hại hoàn toàn hệ thống làm mát.
Đây chính là bí mật của cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản, bởi trước đó các chuyên gia cũng như chính phủ cho rằng, sóng thần là nguyên nhân gây hư hại hoàn toàn hệ thống làm mát của các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi số 1.
Năm tháng sau khi thảm họa xảy ra, nhiên liệu trong các lò phản ứng đã bị tan chảy và lắng xuống đáy lò. Điều này hoàn toàn đúng như các nhà phê bình công nghiệp trước đó đã cảnh báo.
Trong những tháng qua, dư luận Nhật Bản và thế giới luôn tin rằng trận động đất mạnh hơn 9 độ richter đã làm hư hại hệ thống cung cấp điện cho hệ thống làm mát của nhà máy và 40 phút sau đó, trận sóng thần kinh hoàng đã vô hiệu hóa các máy phát điện dùng để duy trì hệ thống làm mát của nhà máy, gây ra thảm họa hạt nhân kinh hoàng trên xứ sở hoa anh đào.
Tuy nhiên, trong một bài báo gần đây, tờ Independent đặt ra nghi vấn chuyện gì đã xảy ra ở các lò phản ứng nếu như hệ thống dẫn nước tuần hoàn và làm mát bị hư hại ngay khi trận động đất xảy ra? Theo những người hiểu rõ về lò phản ứng hạt nhân có tuổi thọ trên 40 vẫn đang hoạt động ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nghi vấn trên là hoàn toàn có cơ sở. Nó được coi là “ông nội” của các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản.
Vì “thâm niên” phục vụ đã quá cao nên tình trạng xuống cấp, nứt gãy đường ống và hệ thống làm mát đã được cảnh báo trong nhiều năm qua. Tháng 9/2002, TEPCO đã thừa nhận bản báo cáo cho thấy dấu hiệu rạn nứt bên trong các đường ống dẫn quan trọng của lò phản ứng. Trong trang đầu bản nhận xét, Trung tâm Thông tin Hạt nhân Dân sự (CNIC) Nhật Bản viết: “Báo cáo đã cho thấy sự xuất hiện các vết nứt ở trong phần ống tuần hoàn của lò phản ứng. Những ống dẫn này có nhiệm vụ dẫn nước nhiệt độ cao từ trong lò phản ứng ra ngoài. Nếu những ống đó bị gãy, có thể gây ra tai nạn nghiêm trọng.”
Ngoài ra, ngày 2/3/2011, 9 ngày trước khi cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra, Cơ quan An toàn công nghiệp Hạt nhân Nhật Bản (NISA) đã cảnh báo TEPCO về sự thiếu sót của tập đoàn này trong việc kiểm tra các phần thiết bị quan trọng của nhà máy điện hạt nhân, bao gồm cả việc kiểm tra máy bơm tuần hoàn. TEPCO được lệnh phải thực hiện kiểm tra toàn diện, sửa chữa nếu cần thiết và báo cáo NISA vào ngày 2/6. Tuy nhiên, bản báo cáo đó đã không bao giờ đúng hạn bởi vài ngày sau đó, cuộc khủng hoảng hạt nhân đã xảy ra từ chính nhà máy của tập đoàn này.
Sự thật đằng sau cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Fukushima T641601
Đa số công nhân làm việc tại nhà máy Fukushima Daiichi số 1 được hỏi đều cho rằng đã có những thiệt hại nghiêm trọng về đường ống ở ít nhất một lò phản ứng trước khi trận sóng thần đầu tiên ập vào. Anh A (yêu cầu giấu tên vì còn làm việc tại nhà máy) là một kỹ sư bảo trì làm việc tại Fukushima cho biết, vào ngày thảm họa ập đến, anh đã phát hiện ra sự rò rỉ ở các đường ống. Anh nói: “Tôi thấy các ống dẫn bị hở ra bên ngoài nên suy đoán rằng có rất nhiều khu vực bên trong lò phản ứng đã bị phá hủy. Ngoài ra, tôi còn nhìn thấy một phần của bức tường bao quanh tua-bin lò phản ứng số 1 bị bong ra. Sự hư hại đó có thể gây ảnh hưởng đến lò phản ứng.”
Kỹ thuật viên B (30 tuổi) thì cho biết: “Tôi cảm thấy trận động đất có tới hai đợt tác động. Đợt thứ nhất mạnh đến nỗi bạn có thể nhìn thấy các tòa nhà rung chuyển, các đường ống oằn lên trong vòng vài phút và rồi tôi thấy chúng bị vỡ tung. Nhiều mảng vữa từ trên tường rơi xuống…”
Nghi vấn trận động đất gây nên những thiệt hại nghiêm trọng cho các lò phản ứng càng được củng cố khi các báo cáo cho thấy sự rò rỉ bức xạ từ các nhà máy điện hạt nhân đã được ghi nhận ngay vài phút sau đó. Theo hãng thông tấn Bloomberg, nồng độ phóng xạ cao đã được ghi nhận trong vòng bán kính 1 dặm xung quanh nhà máy vào lúc 3h29 chiều ngày 11/3, trước khi sóng thần ập vào.
Ông Mitsuhuko Tanaka, cựu nhân viên thiết kế nhà máy điện hạt nhân, mô tả những gì xảy ra hôm 11/3 ở Fukushima là hiện tượng mất nước làm mát vào lò phản ứng. “Các dữ liệu do TEPCO công bố cho thấy một lượng nước làm mát rất lớn đã bị thất thoát trong vài giờ đầu tiên, kể từ khi động đất xảy ra. Hệ thống làm mát bị thiệt hại nghiêm trọng báo trước một cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi từ rất lâu trước khi sóng thần ập đến.”
Sở dĩ chính phủ Nhật luôn đổ lỗi cho sóng thần là nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân chứ không phải do động đất là bởi động đất thường xuyên xảy ra trên quốc đảo này. Nếu thừa nhận đó là nguyên nhân gây ra thảm họa, có thể người dân xứ sở hoa anh đào sẽ dấy lên câu hỏi về độ an toàn của các lò phản ứng đang hoạt động, nhất là các lò phản ứng đã lỗi thời.
35 trong số 54 lò phản ứng hạt nhân trên khắp đất nước Nhật Bản đã bị buộc phải ngừng hoạt động để kiểm tra toàn diện, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân hôm 11/3. Tuy nhiên những trận động đất thường xuyên xảy ra luôn khiến người dân Nhật như “ngồi trên đống lửa”. Mới đây nhất, ngày 19/8, một trận động đất mạnh 6,8 độ richter vừa xảy ra ngoài khơi tỉnh Fukushima đặt các nhà máy điện hạt nhân ở khu vực vào tình cảnh nguy hiểm, tuy nhiên chưa có báo cáo nào về hiện tượng rò rỉ phóng xạ được ghi nhận.
Trận động đất trên xảy ra chỉ hơn một ngày sau khi chính phủ Nhật cho phép công ty điện lực Hokkaido (HEPCO) khởi động lại lò phản ứng số 3 ở nhà máy điện hạt nhân Tomori, sau khi thực hiện xong những kiểm tra cần thiết. Tuy nhiên, sự tái hoạt động của ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản xem chừng không mấy thuận lợi, bởi động đất ngay lập tức làm nỗi ám ảnh hạt nhân trên nước Nhật "quay trở lại".
T.M
Theo Bưu điện Việt Nam