Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa lên
tiếng về việc VTV không trả tiền tác quyền cho các ca khúc tiếng nước
ngoài phát trên sóng truyền hình.


[22.08.12] Phớt lờ tác quyền ca khúc nước ngoài ImageView
Cù Trọng Xoay (Đinh Tiến Dũng) và Phương Linh hát ca khúc Can’t take my
eyes off you tại chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2011 - Ảnh: Gia Tiến


Trong số các chương trình vi phạm về tác quyền do trung tâm này thống kê
gồm The Voice, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Tìm kiếm tài
năng... và nhiều chương trình âm nhạc khác. Theo thống kê, The Voice chủ
yếu hát bài hát tiếng nước ngoài nhưng VTV không hề trả tiền bản quyền
cho các bài hát này. VTV chỉ trả bản quyền cho bài hát tiếng Việt theo
giá thỏa thuận giữa hai bên.

Anh, Mỹ, Hàn... đều gửi "trát" đòi tác quyền

Bắt đầu từ năm 2011, VCPMC nhận được hàng loạt bản thống kê từ các trung
tâm bảo vệ quyền tác giả nước ngoài về việc các kênh truyền hình Việt
Nam sử dụng tác phẩm âm nhạc tiếng nước họ. Ðây là các trung tâm có ký
thỏa ước song phương với Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả.

"Chúng tôi thường xuyên nhận được các bản thống kê với đầy đủ tên tác
giả, tác phẩm, kênh phát sóng... Anh, Mỹ, Hàn Quốc... là những nước có
số lượng tác phẩm được sử dụng trên kênh truyền hình Việt Nam nhiều
nhất. Xét về nguyên tắc ký thỏa thuận song phương về tác quyền, cả hai
bên đều có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho đối tác. Mình bảo vệ họ
thì họ mới có thể bảo vệ cho mình" - luật sư Phạm Thanh Thủy (VCPMC) cho
biết.

Việc kiểm soát lượng sử dụng ca khúc tiếng nước ngoài hiện gặp khó vì
VTV cũng như các đơn vị phát sóng khác không phải xin phép trước khi sử
dụng. Ðây không phải lần đầu tiên VCPMC đặt vấn đề về việc phải trả tác
quyền cho ca khúc nước ngoài. "Chuyện này đã được đàm phán qua lại nhiều
lần nhưng đều không thống nhất được. Mỗi lần các tổ chức bản quyền nước
ngoài gửi thống kê, chúng tôi đều chuyển cho VTV xem xét nhưng đến giờ
VTV vẫn chưa đồng ý chi trả. Bởi vậy, mỗi lần nhận được thống kê chúng
tôi đều chỉ có thể trả lời là chưa truy thu được và hứa hẹn sẽ cố gắng
trong tương lai. Dĩ nhiên họ đón nhận tin đó chẳng vui vẻ gì" - luật sư
Thủy cho biết thêm.

Theo thống kê của VCPMC, chỉ có Ðài truyền hình TP.HCM là đơn vị duy
nhất chịu trả tiền tác quyền cho ca khúc tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài
với mức giá ngang nhau (300.000 đồng cho chương trình có tài trợ,
100.000 đồng cho chương trình không có tài trợ). Không chỉ đối với VTV,
VCPMC đang tích cực làm việc với vtc và Ðài truyền hình Hà Nội để truy
thu tiền tác quyền của ca khúc nước ngoài.

Hiện nay, với các chương trình có mật độ sử dụng ca khúc nước ngoài cao
như The Voice, VCPMC vẫn đang phải thống kê, rà soát trên hệ thống lưu
trữ bản quyền quốc tế, gửi thông báo đến từng nước có ca khúc sử dụng và
đề nghị cùng hợp tác để thu tiền bản quyền.

"Không chỉ The Voice, Bước nhảy hoàn vũ mà toàn bộ các chương trình sử
dụng ca khúc nước ngoài, VCPMC chưa từng thu được một đồng tác quyền từ
các nhà đài", đại diện VCPMC cho biết.


Không trả vì... không liên hệ được với tác giả?

Trả lời Tuổi Trẻ về việc không trả tiền tác quyền phát sóng ca khúc nước
ngoài, ông Nguyễn Hà Nam (trưởng ban thư ký biên tập VTV) cho hay: "VTV
là đơn vị tiên phong trong vấn đề trả tiền tác quyền, nhưng riêng đối
với bài hát nước ngoài thì chưa thực hiện được. Có nhiều lý do nhưng
quan trọng là lâu nay VTV tự liên hệ với nhạc sĩ để trả, bắt đầu từ năm
2012 mới trả thông qua VCPMC. Ðối với tác giả nước ngoài, việc liên hệ
thông tin với họ rất khó nên chưa thực hiện được".

Tuy nhiên, ông Hà Nam cũng khẳng định: cho đến lúc này VTV chưa có quyết
định về việc trả tiền tác quyền cho các ca khúc này. VTV đang là kênh
quảng bá miễn phí, việc trả còn phụ thuộc khả năng tài chính của chương
trình nữa. Còn trả như thế nào, trả bao nhiêu là nội dung phức tạp cần
phải tính toán kỹ.

Trong khi đó một nhạc sĩ (xin được giấu tên) cho rằng: "Không khó nếu
muốn tìm cách liên hệ với bất kỳ nghệ sĩ nào trên thế giới. Việc không
liên hệ được chỉ là cái cớ, bởi vì thị trường Việt Nam quá nhỏ, nước
ngoài không thèm kiện. Nói thẳng ra họ không thèm chấp. Còn những lĩnh
vực mà miếng bánh lợi ích to thì người ta kiện thẳng cánh luôn. Như bóng
đá chẳng hạn, nếu phát sóng mà không có bản quyền thì lúc đó tiền phạt
khủng khiếp".

"Muốn làm được minh bạch, chặt chẽ vấn đề bản quyền, tác quyền thì tất
cả chúng ta nên tập quen với việc sống thượng tôn pháp luật đi đã", nhạc
sĩ này nói.

Không trả tiền bản quyền cho ca khúc nằm trong danh mục?

Liên quan đến tác quyền các ca khúc nước ngoài được sử dụng trong chương
trình The voice - Giọng hát Việt, trao đổi với Tuổi Trẻ, phía Cát Tiên
Sa cho biết: khi ký kết hợp đồng, phía mua bản quyền được cung cấp một
danh mục ca khúc không phải trả bản quyền thuộc hệ thống chương trình
The voice. Nếu sử dụng các bài hát quốc tế trong danh mục này sẽ không
phải trả bất cứ chi phí liên quan nào.

Tuy nhiên, đại diện Cát Tiên Sa khẳng định: “The voice phải trả tiền tác
quyền cho những bài hát nằm ngoài danh mục. The voice quy định những
bài hát sử dụng trong chương trình phải được tuân theo luật tác quyền ở
nước sở tại. Việc trả bản quyền thực hiện cụ thể như thế nào không quy
định trong tài liệu hướng dẫn sản xuất chương trình được gửi sang cho
Việt Nam.

Còn tại Việt Nam, việc chi trả bản quyền ca khúc đã được VTV ký thỏa
thuận với Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc VN, trả theo tác
phẩm và lượt phát sóng. Việc phát sóng phục vụ khán giả, VTV có những
quyền ưu tiên nhất định về những bài hát đã phát hành, nhưng với những
bài hát chưa phát hành vẫn phải xin phép tác giả theo quy định”


Nguồn: Tuổi Trẻ