16.000 USD chi phí cho một phân đoạn chưa đầy 15 phút trên phim
của Bí mật Tam giác vàng có lẽ là mức chi phí đắt nhất cho phim Việt
tính đến thời điểm này


“Núi này nổi tiếng không phải vì cao, nước thiêng ở đây không phải vì
sâu mà vì có chủ. Khu Tam giác vàng nổi tiếng thế giới cũng vì có chủ”.
Câu thoại này trong bộ phim Bí mật Tam giác vàng (bộ phim tâm lý hình sự
dài 40 tập, do Đài Truyền hình Việt Nam và Hãng phim Lasta sản xuất,
đạo diễn Nguyễn Dương, dự kiến phát sóng vào ngày 5-10 trên kênh VTV3)
lý giải không ít về xuất xứ của khu Tam giác vàng, ngã ba biên giới Lào -
Thái Lan - Myanmar.

Ngay cái tên của bộ phim cũng đã có sức hấp dẫn, bởi nghe tên cũng phần
nào đoán ra bộ phim đề cập những đường dây ma túy khét tiếng, bắt nguồn
từ chính khu Tam giác vàng, nơi tập trung thuốc phiện, khởi nguồn của sự
nghèo đói, bạo lực và mưu đồ chính trị, đồng thời gắn liền với tên tuổi
những ông trùm ma túy - những kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới, điển
hình là trùm buôn ma túy Khunsa.

[22.08.12] Hậu trường phim Bí mật Tam giác vàng Tamgiacvang_4a0a6
Đạo diễn Nguyễn Dương đang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên phim Bí mật Tam giác vàng tại Tam giác vàng


Không thể không đến Tam giác vàng

Thực tế cho thấy những cảnh quay thật ở Lào, vùng Tam giác vàng hay
chính thủ phủ của Khunsa ở vùng núi hẻo lánh tỉnh Chiengrai (Thái Lan)
không đẹp bằng cảnh giả được ê kíp làm phim Bí mật Tam giác vàng dựng
lại ở vùng Điện Biên (Việt Nam), nơi đoàn phim đã trú ngụ hơn 3 tháng
qua (bắt đầu từ ngày 1-4) bởi sự cũ kỹ, rêu phong và ẩm mốc của bối
cảnh. Nhất là khi đoàn phim thực hiện các cảnh quay thật ở Lào, Thái Lan
và các vùng biên giới Lào - Thái Lan, Thái Lan - Myanmar theo tác phong
dã chiến để bớt kinh phí và để phim kịp tiến độ, dù đoàn phim có đến 60
người phục vụ.

Thế nhưng, nếu không đến tận vùng biên giới Lào - Thái Lan, Thái Lan -
Myanmar và đặc biệt vùng Tam giác vàng, không ai có thể lý giải được sự
đối nghịch tồn tại ở chính những nơi này như một đặc trưng. Một vùng đất
bình yên đến lạ lùng nhưng lại là nơi từng tập trung các đối tượng buôn
bán ma túy nhiều đến rợn người.

[22.08.12] Hậu trường phim Bí mật Tam giác vàng Tam_giac_vang
Hình ảnh khu Tam giác vàng


Một chuyện bên lề đồn đại từ người địa phương khi đoàn phim Bí mật Tam
giác vàng dừng chân để thực hiện vài cảnh quay tại biên giới Lào - Thái
Lan rằng “nơi đây từng có đến 90% người dân tham gia buôn bán, vận
chuyển và sử dụng ma túy” hay “ở vùng Tam giác vàng này, nói ma túy được
buôn bán lậu hoàn toàn sai sự thật vì chúng được trồng, chế biến và
buôn bán công khai”. Và Khunsa chính là một ông vua quyền lực trong thế
giới ma túy, trở thành những câu chuyện thú vị.

Câu chuyện về Khunsa đã trở thành huyền thoại và vùng tam giác cũng chỉ
là một điểm du lịch thu hút sự hiếu kỳ của du khách. Những quả đồi xưa
kia khi còn thuộc quyền cai quản của Khunsa chỉ phủ đầy màu xanh của cây
anh túc thì nay được thay thế bởi những rẫy bắp. Sào huyệt của Khunsa
với những căn phòng sinh hoạt, phòng họp, thậm chí là khu chiết xuất
chất ma túy xưa, giờ đã trở thành khu tham quan du lịch.

Thế nhưng, không ai dám chắc hiện nay, cây anh túc, ma túy ở nơi đây đã
bị dẹp bỏ hoàn toàn. Không ai dám khẳng định hình ảnh buôn bán sầm
uất ở khu Tam giác vàng ngày nay chỉ đơn giản là những món đồ lưu niệm
hoặc những người ghé thăm chỉ đơn giản là những du khách đến nhìn ngắm
tận mắt dải đất hình tam giác giữa sông, nơi mà chỉ cần phóng tầm nhìn
chưa đầy 1 dặm đã có thể nhìn thấy những biểu tượng đặc trưng của Lào -
Myanmar dù đang đứng trên đất Thái.

Tất cả những thắc mắc đó sẽ được lý giải một cách sâu sắc trong bộ phim
Bí mật Tam giác vàng. Khunsa chết, vẫn còn những con người khác mang
tham vọng tiếp nối ngôi vua của Khunsa bằng nhiều hình thức. Trong đó,
ngụy trang dưới nhân dạng một nhà hoạt động từ thiện hòng che giấu thân
phận xã hội đen là cách chưa bao giờ cũ. Và đây cũng là cách mà Bí mật
Tam giác vàng lựa chọn.

Khó trăm bề

16.000 USD chi phí cho một phân đoạn chưa đầy 15 phút trên phim có lẽ là
mức chi phí đắt nhất cho phim Việt tính đến thời điểm này. Thế nhưng,
phải trả tiền cao để có một cảnh quay đẹp có lẽ là điều dễ dàng nhất cho
đoàn phim Bí mật Tam giác vàng. “Nhớ nhà da diết, nhớ Sài Gòn dã man”
là câu trả lời chung của 60 người trong đoàn phim khi được hỏi về hành
trình làm phim ở nước ngoài. Những ngày cuối, các thành viên trong đoàn
mất hẳn cái cảm giác háo hức ra chợ săn quà lạ cho người nhà vì quá mệt
mỏi.

[22.08.12] Hậu trường phim Bí mật Tam giác vàng DinhthuKhunsa_cdafe
Dinh thự của Khunsa ở Tam giác vàng được sử dụng làm một trong những bối cảnh của Bí mật Tam giác vàng


Hơn 4 tháng trời rong ruổi trên 5.000 km từ Việt Nam sang vùng Tam giác
vàng để thực hiện các cảnh quay, ai cũng mong được về nhà. Thế nhưng, cả
đoàn phim đều có chung cảm nhận: Mệt mỏi thật đấy nhưng giờ mà bỏ cuộc
thì quá phí. Mong mỏi nhất là phim ra mắt phải thật xuất sắc để xứng
đáng với công sức đã bỏ ra.

Nghệ sĩ Chu Hùng (vai đàn em đắc lực của trùm buôn ma túy trong phim do
diễn viên Tùng Yuki thủ vai) nói: “Có đến 4/5 hành trình mà đoàn phim đi
qua là rừng rậm, núi cao hay những dải đất tận cùng của một nước. Ai
cũng thấy mệt mỏi. Nhưng càng mất sức, lại càng mong thành quả của mình
được đón nhận. Thế nên, ai cũng phải cố gắng để hoàn thành các vai
diễn”.

Những thước phim được biên tập hoàn hảo trên màn ảnh chắc chắn sẽ khiến
khán giả hài lòng. Nhưng với những người trong đoàn, từ diễn viên chính,
đạo diễn đến nhân viên phục vụ, cảm xúc phải bỏ xe đi bộ lên ngọn dốc
dựng đứng ở Thái Lan (vì dốc quá cao, xe không thể lên nổi) chắc chắn sẽ
trở thành một kỷ niệm không phai. Chính điều này mới làm nên giá trị
chân thực cho phim. Bởi lẽ, một bộ phim có thể không hay hôm nay nhưng
sẽ hoàn hảo hơn vào ngày mai. Và những cảm xúc chân thật từ hậu trường
của một đoàn phim như Bí mật Tam giác vàng thì chỉ có một lần trải
nghiệm.

Theo Người lao động