Cuối cùng, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã không thể hoàn thành việc
soạn thảo đề án cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ như hạn được giao là
1.7.2012.


Nhiệm vụ khẩn cấp được giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn khi công chúng
đang “nóng mắt” với đường ăn nết ở của một số nghệ sĩ trên sân khấu. Chỉ
thị 65/CT-BVHTTDL ngay lập tức được Bộ VH-TT-DL ban hành (ngày
16.4.2012), cho thấy nhà nước muốn tái lập trật tự trong lĩnh vực này.
Từ Chỉ thị 65 đến ý tưởng cần tái lập việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ
chỉ cách nhau chưa đến một tháng.

[22.08.12] Thẻ hành nghề bất khả thi TrangphucTT2
Trang phục biểu diễn thời trang vẫn chưa có quy định cụ thể như thế nào là hở hang - Ảnh: Nguyên Trương


Tuy nhiên, dù muốn hay không, việc soạn thảo quy chế, bổ sung vào nghị
định mới về quản lý văn hóa, biểu diễn nghệ thuật lại không đơn giản.
Chỉ riêng chuyện trang phục đã đủ rối. Biểu diễn thời trang có thể hở
đến đâu? Trong trường hợp hở hơi nhiều (chưa rõ tỷ lệ nhiều là bao nhiêu
phần trăm bầu ngực hay mông, đùi) thì ai sẽ là người chịu phạt - cô
người mẫu hay nhà thiết kế?

Tương tự, sự cần thiết của việc đào tạo bài bản cho nghệ sĩ giờ vẫn còn tranh cãi. Những cuộc khẩu chiến kiểu: “Uyên Linh nhạt vì không có cơ bản”, hay “Hồ Ngọc HàĐàm Vĩnh Hưng
lấy gì mà dạy thí sinh” dù có xảy ra cũng khó ngăn cản “lòng dân” hướng
về các nghệ sĩ này. Họ đã tích đủ kinh nghiệm sân khấu nhất định để
trưởng thành cùng một phong thái nghệ thuật riêng.

Một nhà quản lý giấu tên chia sẻ, ông rất lo về chuyện tại sao nghệ sĩ
đã được đào tạo bài bản, có bằng tốt nghiệp đại học rồi mà vẫn cần thêm
giấy phép con (thẻ hành nghề) nữa. Như vậy, hóa ra giấy phép con tương
đương với chứng chỉ sau đại học. Cũng vì thế, chính Cục Nghệ thuật biểu
diễn dù được giao việc soạn thảo quy chế cũng thấy rất khó khăn khi phải
cụ thể hóa một cách tối đa quy định từ trình độ, đến biểu cảm với các
tiêu chí quy định bằng tấc quần, khổ áo rồi độ nhún nhảy, động tác lắc
lư của nghệ sĩ.

Mâu thuẫn chính là sự phức tạp hóa thủ tục hành chính rất có thể sẽ bị
kêu ca. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn cho rằng việc tăng thêm thủ tục
hành chính mà cụ thể là thẻ hành nghề của nghệ sĩ khiến họ khó khăn hơn
khi làm thủ tục xin cấp phép biểu diễn. Quan trọng là, bổ sung thẻ hành
nghề không đồng nghĩa nhà quản lý “nhàn” hơn ở khâu hậu kiểm.

Năm 1999, hàng nghìn thẻ hành nghề được cấp cho nghệ sĩ trong cả nước
nhằm nâng cao chất lượng biểu diễn cũng như quản lý. Cục Nghệ thuật biểu
diễn cũng đã tổ chức các lớp nâng cao trình độ nghề nghiệp, pháp lý cho
một số nghệ sĩ tự do chưa đủ tiêu chuẩn. Năm 2002, Chính phủ yêu cầu
bãi bỏ việc cấp thẻ hành nghề với lý do cần đơn giản hóa thủ tục hành
chính vì thẻ hành nghề được đánh giá tương đương một giấy phép con. Năm
2007, việc tái cấp thẻ hành nghề lại được các nhà quản lý văn hóa bàn
thảo nhằm nâng cao chất lượng nghệ sĩ biểu diễn và quản lý thuế thu
nhập. Tuy nhiên do gặp nhiều phản đối nên việc tái cấp thẻ này không
được thực hiện.

Nguồn: Thanh niên