Một ngày theo chân đoàn phim truyền hình Bình Tây đại nguyên soái
(Hãng phim Cửu Long) đủ thấy sự oái oăm của nỗi bi kịch mang tên “phim
trường” khi làm phim về đề tài lịch sử, kéo theo sự vất vả, cơ cực của
mọi thành viên.

[24.08.12] Oái oăm chuyện trường quay ImageView
Các thành viên đoàn phim Bình Tây đại nguyên soái phải làm việc cật lực cho kịp tiến độ sau khi lao đao tìm bối cảnh - Ảnh: H.L.


Theo kế hoạch, ngày 21-8 đoàn phim sẽ quay cảnh Trương Cầm - cha của
Trương Định - chỉ huy anh em nghĩa quân tập võ và cảnh hai lính Tây đi
tuần. Để phục vụ cảnh quay, ngoài vài diễn viên chính, đoàn phim đã thuê
gần 100 diễn viên quần chúng đóng vai nghĩa quân và năm con ngựa. Hai
người nước ngoài đóng lính Tây cũng đã được chọn, chờ gọi điện thoại đến
là lên đường. Địa điểm quay là trường bắn Long Bình cũ ở quận 9,
TP.HCM. Khu vực này đang nằm trong khu quy hoạch, không có nhà dân, cột
điện... lý tưởng cho “cảnh cũ người xưa”. Thế nhưng khi đoàn phim Bình
Tây đại nguyên soái đổ quân xuống thì phát hiện... đoàn phim Thạch Sanh (phim 3D) cũng đã tập kết và chuẩn bị quay tại khu vực này.

Đoàn phim Thạch Sanh đưa ra giấy phép do phường ở khu vực này cấp cho
phép quay. Còn đoàn phim Bình Tây đại nguyên soái lại có giấy phép của
quận đồng ý cho quay trong quận 9. Vậy là công an phường phải cử người
đến phân xử. Tự thấy giấy tờ của đoàn mình hơi thiếu cụ thể, đạo diễn
Phan Hoàng - giám đốc Hãng phim Cửu Long - khá căng thẳng, liên tục gọi
điện thoại... nhờ vả. Cuối cùng công an phường đồng ý cho hai đoàn quay
tại đây và đề nghị tự thương lượng với nhau.

Tìm gặp đoàn Thạch Sanh, đoàn Bình Tây đại nguyên soái đề nghị chia
thành hai khu vực để hai đoàn quay song song cùng nhau hoặc đoàn này
quay trong vài giờ thì nghỉ để đoàn phim kia quay tiếp... Lời đề nghị bị
từ chối. Đoàn Thạch Sanh đưa ra lý do: đã tốn kém khá nhiều tiền trước
đó để làm vệ sinh khu vực này, đồng thời thuê rất nhiều diễn viên quần
chúng mà toàn là cascadeur tham gia với chi phí lên đến mấy chục triệu
đồng. Mặt khác, cảnh quay đại chiến khá quy mô, phải lấy bối cảnh rộng
nên không thể nhường được.

Đoàn phim Bình Tây đại nguyên soái chỉ còn cách đi tìm bối cảnh khác,
còn không phải nghỉ quay. “Tìm bối cảnh khác thì khó vì lấy đâu ra khu
đất không dính nhà cửa hiện đại bây giờ. Mà nếu nghỉ thì chi phí bỏ ra
30 triệu đồng thuê gần 100 diễn viên quần chúng và năm con ngựa coi như
đi tong” - đạo diễn Phan Hoàng rầu rĩ. Phía công an phường cũng sốt sắng
dắt đoàn đi xem những khu vực khác.

Sau hai chuyến đi chọn bối cảnh mới, cuối cùng đoàn phim ưng ý một
khoảnh đất trống nằm cách trường bắn khoảng 2km. Hơn trăm con người cùng
hai xe tải chở dụng cụ lại hối hả lên đường. Nhóm thiết kế hì hục dựng
lại cọc rơm, xe pháo lại đưa xuống, ngựa dắt qua, binh lính tập võ
lại... Mọi việc đang đi vào quỹ đạo thì khoảng 30 phút sau một chiếc xe
Jeep của quân đội tiến vào. Thì ra vùng đất này là trường bắn đạn thật,
thuộc sự quản lý của quân đội. Nếu chưa xin phép quân đội thì không được
quay nơi này. Thế là bộ phận giao dịch lại tiếp tục trình giấy tờ, đạo
diễn Phan Hoàng lại... liên tục gọi điện thoại. Sau nhiều cuộc điện
thoại, cuối cùng mọi việc mới êm xuôi. Đồng hồ lúc này đã điểm 12 giờ
trưa. Mọi người phải làm việc cật lực dưới cái nắng như đổ lửa để kịp
tiến độ.

Đến 16g30, nắng bắt đầu tắt thì đoàn phim đóng máy, chỉ mới thực hiện
được nửa công việc theo kế hoạch. Cảnh giặc Tây đi càn đành phải tạm
hoãn qua ngày khác.

Khép lại một ngày vất vả với những “sự cố không thể tiên liệu được”, đạo
diễn Phan Hoàng cười đau khổ: “Câu chuyện này là một dẫn chứng rõ ràng
nhất cho khủng hoảng đáng báo động về phim trường hiện nay của điện ảnh
truyền hình Việt Nam. Nếu có phim trường thật sự, chắc chẳng bao giờ các
đoàn phim, nhất là phim lịch sử, phim xưa lại lâm vào tình huống oái
oăm đến vậy”.

Một điều ước còn xa vời hơn cả... giấc mơ!

Nguồn:tuoitre