Vượt Biển Đông để chi viện cho Miền Nam là câu chuyện
vô cùng gian nan. Việc khai mở con đường huyền thoại trên biển có sự
đóng góp lớn lao của 5 con thuyền gỗ thô sơ vượt biển từ Nam ra Bắc khảo
sát.


Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, cách mạng miền Nam đứng
trước những yêu cầu cấp bách cần được cung cấp về nhân lực, vũ khí,
thuốc men; nhất là ở khu vực Nam Bộ, nơi mà tuyến đường vận tải chiến
lược Trường Sơn chưa thể với tới.

Để đáp ứng yêu cầu ấy, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương
đã quyết định tổ chức tuyến vận tải quân sự trên biển. Trung ương đã
chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ chuẩn bị bến bãi và cho thuyền ra Bắc vừa
thăm dò, mở đường vừa nghiên cứu phương tiện vận chuyển trên biển và báo
cáo tình hình, nếu có điều kiện thì chở vũ khí về. Chủ trương đó đáp
ứng mong mỏi của các địa phương, nhờ vậy chỉ trong thời gian ngắn, nhiều
tỉnh đã tổ chức các đội tàu vượt biển ra Bắc.

5 con thuyền gỗ 'khai mở' đường Hồ Chí Minh trên biển Tau-khong-so
Con tàu không số vượt qua trùng dương.





Những con người quả cảm

Theo tinh thần ấy, từ 1/6/1961 đến 27/2/1962, đã có 5
con tàu gỗ đầu tiên lần lượt xuất phát từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ vượt
biển ra Bắc.

Khởi đầu là 2 con tàu gỗ từ tỉnh Bến Tre – nơi khởi đầu
phong trào Đồng khởi. Trực tiếp đồng chí Nguyễn Văn Khước (Mười Khước)
Bí thư Tỉnh ủy lúc đó và đồng chí Nguyễn Thị Định lo tổ chức chuyến đi.

Tàu thứ nhất do ông Đặng Bá Tiên (Sáu Giáo) làm thuyền
trưởng và ông Nguyễn Văn Kiện (Năm Tiến) là Bí thư chi bộ cùng 4 thủy
thủ là các ông: Huỳnh Văn Mai (Mai đen), Đặng Văn Bê (Hai Thọ), Lê Văn
Nhung (Hai Hùng) và Nguyễn Văn Đức (Sáu Đức). Ngày 1/6/1961 tàu xuất
phát từ bến Cồn Lợi (Thạch Phong, Thạch Phú). Đây cũng chính là chuyến
tàu đầu tiên từ Nam ra Bắc xin chi viện. Sau 9 ngày đêm vật lộn với sóng
gió và sự nguy hiểm, ngày 9/6/1961, tàu đã cập bến Hà Tĩnh và sau đó
Trung ương đã cho người đón anh em ra Hà Nội.

Chiếc tàu thứ 2 do đồng chí Lê Công Cẩn (Năm Công) phụ
trách. Đoàn thủy thủ tàu này gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hớn (Năm
Thanh), Nguyễn Văn Hải (Sáu Hải), Văn Công Cưỡng, Bùi Vân Ấn (Năm
Thăng), Nguyễn Văn Luông (Hai Sơn), Huỳnh Văn Tiến (Mười Tiến).

Ngày 18/8/1961 tàu xuất phát từ bến Cồn Tra (Thạch
Phong, Thạch Phú). Do gặp rất nhiều khó khăn trên đường đi nên phải đến
ngày 28/8/1961, tàu mới cập bến tại Thanh Hóa.

Thật khó có thể nói hết những khó khăn khi chuẩn bị những chuyến tàu như thế!

Việc mua sắm tàu và những vật dụng kèm theo phải hoàn
toàn dựa vào sự trợ giúp của cơ sở cách mạng để mua từ thành phố vào,
mỗi nơi một ít. Để che mắt địch, ngày phải ngụy trang, đêm mới làm việc
với tinh thần khẩn trương nhất để gấp rút hoàn thành. Vậy nhưng vẫn chỉ
là một con thuyền gỗ nhỏ, không La bàn, không hải đồ… chỉ có ý chí và
lòng yêu nước của con người là lớn nhất mà thôi!

Nhưng cũng nhờ vào ý chí như vậy mà những con thuyền
nhỏ nhoi ấy đã lập nên kỳ tích vượt qua sóng to gió cả và bao bất trắc
giữa đại dương, đi đến bến bờ thắng lợi.

Trong đợt đầu vượt biển ra Bắc, ngoài các tàu của Bến
Tre còn có các tàu Từ Bạc Liêu, Trà Vinh, Bà Rịa cũng vượt biển ra Bắc
mang theo không chỉ ước vọng cháy bỏng về sự chi viện của Miền Bắc mà
còn là niềm tin của đồng bào, đồng chí nơi tuyến đầu chống Mỹ cứu nước
đối với Đảng và Bác Hồ.

Thực ra, Tỉnh Bạc Liêu cũng tổ chức 2 thuyền ra Bắc,
nhưng chỉ có một chiếc ra được, chiếc còn lại gặp sự cố phải quay lại.
Đội thuyền thứ nhất do ông Bông Văn Dĩa (Hai Dĩa) phụ trách. Các thuyền
viên gồm các ông: Tư Phước, Ngô Văn Tần (Năm Kỷ), Nguyễn Dũng (Sáu
Dũng), Bảy Cửa, Trần Văn Đáng (Ba Cụt), Võ Tấn Thành (Ba Thành) và Tư
Quang (Hai Chiếu). Đêm 1/8/1961 thuyền xuất phát từ rạch Cá Mòi, ngày
7/8/1961 thuyền đến Cảng Nhật Lệ (Quảng Bình).

Đội thuyền thứ hai của Bạc Liêu do đồng chí Nguyễn
Thanh Trầm phụ trách. Các thủy thủ gồm các đồng chí: Tư Báo, Ba Mang,
Hai Danh, Lâm Văn Vĩnh. Ngày 3/8/1961 thuyền xuất phát, nhưng đến vùng
biển Huế thuyền lại bị hỏng phải quay lại sửa chữa rồi về lại Cà Mau.

Tỉnh Trà Vinh cũng tổ chức đội thuyền gồm 6 đồng chí
là: Trần Văn Mao, Nguyễn Văn Khương, Nguyễn Văn Chăm, Nguyễn Thanh Lồng,
Hồ Văn In và Ngô Văn Tôi. Ngày 13/8/1961 thuyền xuất phát tại Khâu Hút…
Thuyền đi bị dạt sang mãi Ma Cao, sau được sứ quán ta đón và đưa về Hà
Nội.

Đầu năm 1961, Bí thư Khu ủy Miền Đông đồng chí Mai Chí
Thọ giao cho đồng chí Lê Minh Thịnh (Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa) nhiệm vụ
mở bến ở Lộc An (Phước Hải, Long Đất, Bà Rịa) để đón vũ khí chi viện từ
Bắc vào đồng thời tổ chức thuyền ra Bắc. Tháng 12/1961, Đồng chí Năm
Đông tổ chức một chuyến một vượt biển ra Bắc, nhưng không thành do
thuyền bị hỏng dọc đường.

Tới ngày 27/2/1962, tiếp tục có một thuyền khác từ Bà
Rịa xuất phát từ Hồ Cốc (Phước Hải, Long Đất) vượt biển ra Bắc cũng với
mục tiêu chung như vậy. Trên thuyền có 6 người gồm các ông: Nguyễn Sơn,
Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh và Lê Hà, do
Nguyễn Sơn là thuyền trưởng. Nhưng không may thuyền đi đến Cam Ranh thì
bị hỏng máy, lại gặp địch nên bị bắt. Các chiến sỹ ta, mặc cho địch tìm
mọi cách dụ dỗ rồi lại đe dọa, tìm cách khai thác… nhưng không ai để lộ
điều gì và địch cũng không khai thác được gì nên hơn một tháng sau chúng
phải thả. Cho tới ngày 19/4/1962, anh em lại tiếp tục lên đường. Qua
bao sóng gió, thuyền bị dạt vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và tới ngày
15/5/1962 anh em được đón về Hà Nội. Như vậy chuyến vượt biển ra Bắc của
thuyền này phải mất gần 3 tháng mới tới được giữa lòng Miền Bắc...

Ra được miền Bắc, anh em đều được gặp đồng chí lãnh đạo
đảng và Nhà nước ta, được gặp đồng chí Lê Duẩn lúc đó là Bí thư Thứ
nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, để báo cáo cụ thể tình hình cách
mạng ở các tỉnh Nam Bộ, nêu lên nguyện vọng tha thiết của đồng bào, đồng
chí trong đó mong được chi viện vũ khí, cán bộ, thuốc men… để có điều
kiện chiến đấu chống kẻ thù của dân tộc, giành thắng lợi. Đặc biệt, các
chiến sỹ đầu tiên của đoàn tàu không số ai nấy đều vô cùng xúc động được
gặp Bác Hồ muôn vàn kính yêu!

Nói về chuyến trinh sát bằng thuyền đầu tiên từ Miền Nam ra Bắc, trong cuốn “Lịch sử Lữ đoàn 125 Hải quân” có đoạn viết:

“…Sáu người được đoàn bố trí ở 18 Nguyễn Thượng Hiền
(Hà Nội). Đầu tháng 4/1962, Trung tướng Trần Văn Trà, người đã hoạt động
những năm kháng chiến chống pháp ở Nam Bộ, hiểu biết nhiều địa phương,
thông thuộc nhiều bến bãi được Quân ủy Trung ương giao đặc trách theo
dõi mở con đường biển, cùng Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Ủy
ban thống nhất Trung ương, đến gặp anh em và trực tiếp giao nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của đội thuyền khi trở lại Nam Bộ là: Báo cáo với khu ủy chủ
trương của Trung ương về việc đưa vũ khí vào Nam Bộ. Nhưng muốn như vậy
phải có bến bãi để nhận hàng. Có 3 phương án trong việc tổ chức xây dựng
bến bãi:

1. Lấy các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Nam Du, Hòn Ông, Hòn
Bà làm căn cứ lâu dài để xây dựng các hầm cất giấu hàng. Chuẩn bị các
đội tàu thuyền để tiếp tục chở hàng vào đất liền.

2. Lấy khu vực Hòn Chuối và cửa sông Bãi Hấp để làm chỗ
sang hàng hoặc thả hàng xuống biển. Lợi dụng khu vực này nhiều ngư dân
ra đánh cá để trà trộn nhằm bí mật vớt hàng lên rồi đưa vào bờ.

3. Lấy các cửa sông khu vực Cà Mau làm nơi chuyển hàng
vào. Song đây là phương án dự phòng nếu 2 phương án trên không thực hiện
được.

Đồng chí Bông Văn Dĩa phải học thuộc lòng chỉ thị của
Trung ương và nhiệm vụ của chuyến đi cùng một số mật danh để liên lạc
với Trung ương khi cần thiết.

5 con thuyền gỗ 'khai mở' đường Hồ Chí Minh trên biển Ong-bong-van-dia
Đồng chí Bông Văn Dĩa, một thuyền trưởng quả cảm.

Tuy thuyền trở về không hề có một viên đạn, một khẩu
súng, song anh em rất phấn chấn vì rõ ràng cái quý nhất lúc này không
hẳn chỉ là mấy tấn vũ khí mà là chủ trương của Đảng được truyền đạt tới
Miền Nam, đặng mở con đường trên biển nhằm có hàng trăm, hàng ngàn tấn
vũ khí. Cuộc chiến đấu còn dài!...”

Những chuyến tàu từ miền Nam ra Bắc thành công chính là
cơ sở quan trọng để bộ Chính trị và quân ủy Trung ương quyết định mở
tuyến vận tải quân sự trên biển và thành lập Đoàn 759.

Bến thuyền giữa lòng dân

Trong cuộc kháng chiến của dân tộc chống kẻ thù xâm
lược, tình đoàn kết quân dân là một nhân tố vô cùng quan trọng đảm bảo
cho thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, đối với hoạt động của Đoàn tàu không
số - đường Hồ Chí Minh trên biển, sự thương yêu, đùm bọc, che chở của
nhân dân, nhất là bà con ở Đồng bằng Sông Cửu Long thực sự có ý nghĩa
lớn lao.

Không phải ngẫu nhiên mà nói rằng: nếu không có tấm
lòng bà con vùng Đồng bằng Sông Cửu Long thì sẽ không có “Đoàn tàu không
số” chứ đừng nói đến việc lập chiến công và viết nên huyền thoại đường
Hồ Chí Minh trên biển!

Ở tất cả những nơi có tàu chở vũ khí ta cập bến, nhân
dân đều hết lòng giúp đỡ, che chở. Bà con ở vùng ven biển Cà Mai – nơi
tập kết nhiều chuyến tàu chi viện từ Miền Bắc vào.

Các cựu chiến binh của “Đoàn tàu không số” mãi mãi không bao giờ quên những “Bến cảng lòng dân” mà đồng bào đã tạo nên.

Vào giữa năm 1962, vùng ven bờ biển ở Cà Mau được chọn
là một trong những địa điểm tập kết vũ khí của Đoàn tàu không số. Bởi ở
đây có các Vàm sông Bồ Đề, Rạch Gốc, Vàm Lũng, Kiến Vàng... tàu có trọng
tải 30 tấn hoặc hơn có thể ra vào dễ dàng; nơi đậu tàu và lên hàng, các
kho chứa, đường vận chuyển ra chiến trường đều thuận lợi... Tuy vậy,
vấn đề là cần phải di dời khoảng 1000 hộ dân sống rải rác trong khu vực.
Đây là một việc không đơn giản. Muốn làm được điều này, trước hết phải
làm công tác tư tưởng để ngưởi dân tự giác di dời ra khỏi nơi quy định
để làm tổng kho. Theo đó, công tác giáo dục chính trị phải rất khéo léo
và tế nhị; làm sao để dân hiểu mà không lộ bí mật; đồng thời vẫn đảm bảo
cuộc sống của bà con không bị xáo trộn... Nhưng điều đáng quý hơn tất
cả chính là tấm lòng và tình cảm của bà con đối với cách mạng. Cho nên
khi nghe cán bộ vận động nhường chỗ này cho cách mạng LÀM VIỆC LỚN là bà
con nghe theo liền. Để tránh bị địch phát hiện, bà con phải di chuyển
và cất nhà mới vào ban đêm. Đồng bào sẵn sàng dời nhà ra bìa rừng canh
giữ không cho người lạ vào rừng sâu đang cất giấu vũ khí. Mỗi khi có tàu
vào, bà con sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho cán bộ chiến sỹ của tàu...
Những cán bộ chiến sỹ ở Đoàn 962 từng làm việc ở Vàm Lũng- Cà Mau trong
những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không bao giờ quên được những
tấm lòng của bà con trong đó.

Cũng nhờ vậy nên chỉ trong 3 tháng (từ tháng 7 đến
tháng 9 năm 1962) việc xây dựng bến bãi đã hoàn thành. Nhiều gia đình
sẵn sàng hi sinh quyền lợi cá nhân vì cuộc kháng chiến của dân tộc. Cũng
có nhiều người bị địch bắt, chúng dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc,
tra tấn dã man, nhưng không ai có một lời khai báo có hại cho cách mạng.

Nhân dân là nguồn động viên tinh thần, sẻ chia từng
chén cơm, manh áo với cán bộ, chiến sỹ để cùng với cán bộ chiến sỹ của
Đoàn xây nên “Bến” giữa rừng-một “Bến” không có tiền lệ trong lịch sử-
Bến giữa lòng dân!

Trong vô vàn tấm lòng cao quý như vậy, có một con
người, một tấm lòng mà sự hy sinh cống hiến cho Cách Mạng thật khó giấy
bút nào diễn tả hết được. Đó là Bà Má Nguyễn Thị Mười (Mười Riều).

5 con thuyền gỗ 'khai mở' đường Hồ Chí Minh trên biển Ma-rieu-va-thuyen-truong-tau-khong-so-le-ha
Má Mười Riều và con trai, thuyền trưởng tàu không số Lê Hà.

Để chuẩn bị cho chuyến tàu vượt biển ra Bắc vào ngày
27/2/1962 của Tỉnh Bà Rịa, má Mười Riều đã đóng góp 10 cây vàng giúp
cách mạng mua sắm thuyền và vật dụng khác. Đặc biệt, không chỉ ủng hộ
vàng, má Mười Riều còn gửi gắm người con trai yêu thương của mình là anh
Lê Hà vào đội “tàu không số”... Tấm lòng cao cả của một con người bình
dị - má Mười Riều - đã cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sỹ Đoàn tàu không
số rất nhiều.



Ghi chú: Bài được trích từ sách Huyền thoại đường Hồ
Chí Minh trên biển do NXB Thông tấn xã Việt Nam xuất bản, Trung tâm
Thông tin Truyền thông vì Môi trường Phát triển, Dự án Uống nước nhớ
nguồn thực hiện và giới thiệu.

Theo Infonet