Các nhà phát triển ứng dụng cho iOS và Android đang tháo chạy khỏi thị trường Mỹ vì sợ phải nộp phần đáng kể doanh thu cho những vụ bắt vạ về bản quyền sáng chế...

Các nhà phát triển ứng dụng cho những hệ điều hành phổ biến là iOS và Android gần như đang đồng loạt tháo chạy khỏi thị trường Mỹ vì nguy cơ kiện cáo liên quan đến bản quyền sáng chế, tờ The Guardian của Anh cho biết.

Ví dụ, khoảng hai tháng trước, một vài nhà phát triển các ứng dụng dành cho iOS đã nhận được một bức thư của Công ty Lodsys. Công ty này cáo buộc họ vi phạm bản quyền sáng chế và thẳng thừng đòi họ trả tiền cho giấy phép bản quyền về giao diện lập trình ứng dụng (API) được thiết kế để mua bán trong "nội bộ" các ứng dụng, như khi chủ nhân smartphone quyết định mua phiên bản đầy đủ của một ứng dụng hay mua thêm level trong trò chơi.

Sau khi nhận được thông tin từ Lodsys, các công ty đã đề nghị Apple bảo vệ. Apple bèn lập tức nhập cuộc nhằm cố gắng kiểm soát vấn đề. Việc đầu tiên, Apple phản đối những tuyên bố của Lodsys, với lý do Apple đã thay mặt các nhà phát triển thực thi bản quyền và rằng từ lâu Apple đã mua bản quyền công nghệ của hãng Intellectual Ventures là chủ cũ của các sáng chế nói trên. Tuy nhiên, Lodsys bỏ qua những thanh minh này và cuối tháng 5/2011, họ đã đâm đơn kiện 7 nhà sản xuất ứng dụng dành cho iOS, trong đó có Iconfactory, Quicoffice, Illusion Labs và Wulven Game Studios.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nền tảng Android. Vào tháng 6/2011, những bức thư tương tự đã được Công ty Lodsys gửi đến không dưới 12 nhà phát triển ứng dụng cho hệ điều hành Android. Nguồn tin Ars Technica viết rằng Lodsys cũng nói về các sáng chế nêu trên và đưa ra đòi hỏi tương tự.

Nhiều nhà phát triển tháo chạy khỏi App Store Apple-Apps

Theo lời của một nhà phát triển phần mềm độc lập ở Anh là Shaun Austin mà The Guardian trích dẫn, thì tình huống trên có thể khiến cho việc bán các ứng dụng ở Mỹ không còn lợi nhuận. Một nhà phát triển ứng dụng Anh khác là Simon Maddox đã gỡ bỏ những ứng dụng của mình khỏi App Store và Android Market để tránh sự đeo bám của Lodsys và tuyên bố rằng "bán các ứng dụng ở Mỹ đang trở thành việc quá nguy hiểm".

"Tôi đã trở thành một nhà phát triển phần mềm độc lập để tự quyết định số phận các sản phẩm của mình. Nhưng, giờ này, tôi đã không thể làm thế nữa". Đó là thông điệp chia sẻ trên Twitter của Craig Hockenberry, một nhà phát triển ứng dụng ở Mỹ, một trong những người nhận được thư của Lodsys.

Lodsys không phải là trường hợp duy nhất. Nếu thế thì vấn đề không đến mức đáng nói. Các nhà phân tích của Gartner đánh giá thị trường ứng dụng di động năm 2011 vào khoảng 15,1 tỷ USD (~308.163 tỷ đồng) trong khi năm ngoái chỉ là 5,2 tỷ USD (~106.122 tỷ đồng). Và, nhiều công ty (thường không được ai biết đến trước khi họ đâm lá đơn kiện đầu tiên) sẵn sàng lợi dụng sự thành công của các nhà phát triển để đòi tiền. Vào tháng 7, một công ty thành lập năm ngoái tên là Kootol Software từ Mumbai đã đòi tiền hoa hồng từ 30 công ty CNTT, bao gồm cả những công ty lớn như Microsoft, Apple, Google, Facebook, Twitter, Nokia và nhiều công ty khác.

Trong khi những công ty vừa kể có thể đứng vững thì những nhà phát triển nhỏ khi rơi vào tầm ngắm của Lodsys sẽ không thể ung dung như thế. Hậu quả là, nếu họ đồng ý chia sẻ doanh thu (một phần trong số đó đã phải trang trải cho quyền được bán ứng dụng trên các sàn chính thức) thì điều đó không giải quyết được vấn đề: Theo sau Lodsys sẽ còn nhiều công ty nữa cũng đòi chia sẻ và các nhà phát triển sẽ không thể nào đứng vững trước "làn sóng" đòi tiền bản quyền này.

Theo PC World VN