Bến Tre hội thảo về hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội 26.6.2011_17h56_p1510605
Ngày 24-6-2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo, nghe TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright và TS. Phan Chánh Dưỡng trình bày một số ý kiến tư vấn và khuyến nghị chung quanh vấn đề định hướng và một số giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội Bến Tre trong thời gian trước mắt và lâu dài. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiếu, các Phó Chủ tịch cùng đông đảo đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp đã đến dự.
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Bến Tre cần tập trung nghiên cứu 2 vấn đề căn cơ nhất để có thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững là: môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Theo ông, Bến Tre cần có cái nhìn và đánh giá sát hơn về quan hệ giữa chất lượng điều hành kinh tế và kết quả hoạt động kinh tế; các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh của địa phương; đánh giá sơ bộ năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian qua, trong đó năng lực cạnh tranh cấp độ doanh nghiệp, cấp độ địa phương và cần thử cách tiếp cận mới trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Theo đánh giá, hiện Bến Tre có chỉ số năng lực cạnh tranh PCI đứng hạng thứ 10, GDP/đầu người so với TP. Hồ Chí Minh là 31,2%, số doanh nghiệp/1.000 dân chỉ có 1,2, vốn đăng ký FDI là 30,6 USD/người. Doanh nghiệp có qui mô nhỏ và vừa, chiếm 98%, khoảng 94% số doanh nghiệp có ít hơn 50 lao động, trên 98% số doanh nghiệp có vốn ít hơn 50 tỷ đồng; đã xuất hiện một số doanh nghiệp tương đối lớn có vốn 500 tỷ đồng, giải quyết được 1.000 lao động. Một số doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh trong khoảng thời gian 2000-2010, như: chế biến thủy sản (kim ngạch xuất khẩu đạt 52,1 triệu USD, tăng 24,5%); dệt may (kim ngạch xuất khẩu đạt 36,4 triệu USD, tăng 44%). Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng lớn mạnh. Mặt khác, năm 2009 tuy kinh tế khó khăn nhưng số doanh nghiệp trong tỉnh tăng đáng kể, phát triển mới 160 doanh nghiệp. Ngành du lịch tuy có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác triệt để. Năm 2000, trong tổng số khách du lịch đến Bến Tre, khách nước ngoài chiếm 40%, nhưng đến năm 2010 chỉ còn 17%. Sự chuyển đổi vai trò của khu vực nhà nước và doanh nghiệp cần chú trọng phát triển theo mô hình mới, tức là phát triển kinh tế là quá trình hợp tác giữa chính quyền các cấp với khu vực doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân là quan trọng trong quá trình đầu tư phát triển. Đây là khu vực trực tiếp tạo ra việc làm và giá trị gia tăng. Nhà nước tạo điều kiện còn doanh nghiệp chủ động sản xuất kinh doanh, hướng đến thị trường nào hiệu quả nhất. Đặc biệt, liên kết vùng và nâng cao năng lực cạnh tranh như một đòn bẩy quan trọng. Liên kết phải đúng thực chất, chọn nhóm hàng, ngành hàng chiến lược của tỉnh để phát huy lợi thế.

Còn theo TS. Phan Chánh Dưỡng, Bến Tre có tiềm năng kinh tế lớn về thủy sản, dừa, trái cây nhưng do trước đây giao thông cách trở nên chưa khai thác được thế mạnh này. Nay, giao thông quá tốt, chỉ mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ là đến TP. Hồ Chí Minh, cho nên Bến Tre cần tận dụng ưu thế này tổ chức lại thị trường sản phẩm; đầu tư phát triển công nghiệp chế biến dựa trên vùng nguyên liệu sẵn có. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên nền tảng thế mạnh của nguyên liệu tại chỗ rất dễ cạnh tranh, hiệu quả cao, ổn định. Hiện khoảng cách với các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh đã được rút ngắn, Bến Tre làm sao đưa sản phẩm thế mạnh tươi sống đi nhanh hơn, tăng giá trị gấp năm, bảy lần trước đây. Nói chung, Bến Tre làm sao tận dụng lợi thế 4 nhóm cần đầu tư phát triển là: chế biến các sản phẩm từ dừa, thủy sản, phát triển đô thị và kết hợp du lịch.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao sự thành công của hội thảo, đã gợi mở cho Bến Tre nhiều vấn đề mới, chỉ ra những nhược điểm của tỉnh, để tỉnh có điều kiện tiếp tục nghiên cứu đưa kinh tế phát triển đúng hướng, qui mô lớn hơn. Tỉnh sẽ có chiến lược, kế hoạch đầu tư cụ thể từng lĩnh vực như: giao thông, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cụm kinh tế, liên kết vùng. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành tỉnh, địa phương tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp, gắn với các chương trình cụ thể của từng ngành, từng địa phương.